Cách cư xử của người Phật tử – Toàn Không

KinhThienSinh

I). Nhân duyên

     Khi đức Phật đi giáo hóa đến ngự tại động Thất Diệp thuộc núi Kỳ xà Quật gần thành La Duyệt, một hôm con một Trưởng giả tên Thiện Sinh, sáng sớm tắm rửa xong, ra khỏi thành vào vườn cây, dùng hương lễ lạy sáu phương. Lúc ấy, đức Phật đang ở tại động Thất Diệp, Ngài quán sát chúng sinh, thấy vậy, Ngài liền đến chỗ ấy (bằng thần thông) ngay khi Thiện Sinh vừa lễ lạy xong; khi gặp, Ngài nói với thanh niên rằng:

- Này con của Trưởng giả, tên gì? Vì sao sáng sớm đã đến vườn này lễ lạy các phương như thế?

     Khi đó, Thiện Sinh thưa:    

- Tên con là Thiện Sinh. Con lễ lạy do cha con trước khi qua đời có dặn rằng: “Nếu con có muốn lễ bái, trước hết phải tắm rửa sạch sẽ, sau đó dùng hương lễ lạy sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới”. Con không hiểu ý nghĩa, nhưng vì con vâng theo lời dạy của cha con, nên thường đến đây lễ bái.

     Đức Phật bảo:

- Có tên của những phương này, chứ không phải không có; trong pháp Hiền thánh của Ta, có đầy đủ ý nghĩa, không phải lễ sáu phương mà đầy đủ cung kính đâu.

     Thiện Sinh thưa:

- Cúi xin Ngài hãy vì con nói cách thức lễ sáu phương của pháp Hiền thánh.

     Đức Phật bảo:

- Hãy lắng nghe, hãy chú ý nghe, suy gẫm, ghi nhớ về vấn đề này, Ta sẽ nói cho.

- Thưa vâng, con đang muốn nghe.

II). Pháp Hiền thánh cho Phật tử:

     Đức Phật giảng dạy:

- Nếu người nào biết bốn nghiệp: Sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối là làm ác; nếu người nào biết bốn chỗ tham dục, sân hận, ganh ghét, tà kiến là ác hạnh. Người ấy không làm ác, tránh ác hạnh, kính lễ sáu phương, chẳng những đời này được phúc lành, đời sống vững chãi, mà đời sau hưởng quả báo tốt đẹp vô cùng; người ấy được bậc trí khen ngợi, danh dự ngày thêm lớn như mặt trăng ngày rằm tròn sáng; còn người không biết tránh bốn nghiệp làm ác, bốn hạnh ác, dù có lễ lạy sáu phương thế nào đi nữa, cũng vẫn tổn giảm như mặt trăng cuối tháng.

1). Sáu nghiệp tổn hại

     Lại nữa, nếu người nào có sáu nghiệp tổn hại là:

1- Đam mê rượu chè sẽ sinh bệnh, hay gây gỗ, tiếng xấu đồn xa, trí tuệ giảm, gia sản tiêu mòn.

2- Người nào ham mê cờ bạc, gia tài không thể giữ được.

3- Người nào say mê kỹ nữ, tiền của tiêu tán.

4- Người làm bạn với người ác dễ sinh khinh lờn, dụ người nhà khác mưu lợi về mình.

5- Người nào phóng đãng không giữ được của cải, không giữ được thân mình, thường sinh dối trá.

6- Người nào lười biếng không chịu làm việc, sản nghiệp không bền.

     Ngược lại: biết tránh sáu nghiệp tổn hại của cải, gọi là người biết sống. Khi tránh xa sáu nghiệp mất mát tài sản như thế, được người trí khen ngợi.

2). Bốn hạng oan gia

     Đức Phật dạy tiếp:                                             

- Này Thiện Sinh, có bốn hạng thân cận oan gia nên biết rõ, nên tránh, đó là:

1- Hạng kính sợ (uý phục) là hạng người trước cho sau đoạt lại, cho ít lấy lại nhiều, vì sợ nên làm quen, vì lợi nên làm thân.

2- Hạng môi mép (mỹ ngôn) là hạng người lành ác đều thuận theo, tránh xa khi thấy người khác gặp nạn, âm thầm săn đón lúc thấy có lợi, bài xích chê bai khi thấy bất lợi cho mình.

3- Hạng giả vờ kính thuận là hạng người trước dối trá, sau dối trá, hiện tại dối trá; thấy có một tí lỗi đã vội tránh xa, thấy có lợi thì săn đón thân thích.

4- Hạng bạn ác là hạng chỉ là bạn lúc uống rượu, đánh bạc, du hí, dâm dật, mưu đồ việc ác.

3). Bốn hạng nên thân cận

     Ngược lại, có bốn hạng người nên thân cận, nên gặp, đó là:

1- Hạng người tự biết tránh xa làm xằng bậy, ngăn cản khi thấy người khác làm ác, chỉ bày cho người những điều ngay thẳng, có lòng giúp đỡ, cứu hộ người.

2- Hạng người có lòng thương xót, là người vui mừng khi thấy người khác được lợi, lo buồn khi thấy người gặp nạn, khen ngợi khi thấy người có đức tính tốt, ngăn cản khi thấy người khác nói ác.

3- Hạng làm lợi ích người, không cho người khác phóng dật, bê tha, buômg thả để khỏi hao tài tốn của, nói năng khiến người khác không sợ hãi.

4- Hạng người đồng sự là người không nề gian khổ cực nhọc vì người khác, không tiếc của vì người khác, khuyên bảo người khi ở chỗ vắng, giúp người khỏi sự lo lắng.

III). Ý nghĩa lễ sáu phương:  

      Đức Phật giảng tiếp: Phải biết rõ sáu phương là những gì? Đó là:

1). Phương Đông là cha mẹ.

     Bổn phận làm con: phải kính thuận với cha mẹ, gánh vác công việc cho cha mẹ, cung phụng hiếu dưỡng, không để cha mẹ lo lắng thiếu thốn; khi làm điều gì phải thưa với cha mẹ biết, cha mẹ làm điều gì không được chống báng, cha mẹ làm việc lành không được ngăn cản.

     Ngược lại: bổn phận làm cha mẹ, phải ngăn cản không cho con nghe điều ác, không cho con làm điều ác, chỉ dạy con làm điều lành. Tạo cho con làm nghề chính đáng. Thương con thắm thiết, đối xử bình đẳng giữa các con, tùy thời cung cấp sự cần thiết của con. Tạo cơ hội thuận lợi cho con thành người chân chính.

     Nếu con kính thuận cha mẹ, cha mẹ thương yêu thắm thiết con cái như thế, phương Đông sẽ được yên ổn tốt đẹp, không còn gì đáng lo ngại nữa.

2). Phương Nam là thầy dạy.

     Học trò kính trọng thầy dạy, tôn trọng quý trọng thầy, học hỏi, chăm chỉ nết na nghe lời thầy; không phá phách, không chống đối, ghi nhớ kỹ không quên những điều thầy dạy bảo, chăm sóc giúp đỡ khi thầy cần đến.

     Đối với thầy phải dạy có phương pháp (sư phạm), làm cho học trò hiểu được lời dạy; dạy những điều mới lạ chưa biết, làm sáng tỏ điều hiểu biết của học trò. Bậc thầy phải: giới thiệu bạn lành bạn tốt cho học trò của mình, đem hết sự hiểu biết cuả mình truyền dạy lại không giấu giếm; bậc thầy còn phải công bằng, đạo đức, làm gương  tốt, không lươn lẹo, không bất công thiên vị.

     Nếu học trò kính trọng cung phụng thầy, nết na chăm chỉ học hành; bậc thầy thương yêu dạy bảo đúng với nhiệm vụ làm thầy, phương Nam được yên ổn không còn lo sợ nữa.

3). Phương Tây là vợ chồng.

     Chồng đối với vợ phải nhã nhặn thanh tao, oai nghiêm đĩnh đạc, ăn mặc đúng lúc tùy thời, nói năng phải đạo; không tỏ vẻ khinh vợ, giao phó việc nhà, trung thành với vợ, và vui vẻ với quyến thuộc của vợ.

     Vợ đối với chồng nói lời hoà nhã, thức ngủ tuỳ thời, kính nhường tuỳ thuận, vui vẻ dịu hiền, nói năng khiêm cung; giữ gìn của cải và siêng năng làm tròn phận sự trong nhà, vui vẻ với quyến thuộc của chồng, và trung thành với chồng.

     Nếu vợ chồng: lấy lễ nghĩa đối với nhau, đồng thuận như thế, phương Tây được yên ổn, không còn lo sợ.

4). Phương Bắc là anh  em, bà con, bạn bè.

     Làm người phải lấy sự giúp đỡ lẫn nhau, từ tiền bạc, đến công sức; nói lời nhu hòa xây dựng, làm việc lợi ích cho nhau; chung làm chung hưởng, không hề dối trá khinh khi. Ngoài ra, anh em, bà con, bạn bè còn phải bảo vệ bao bọc lẫn nhau, can ngăn phung phí hao tài tốn của. Tùy thời khuyên bảo lẫn nhau, khen ngợi việc làm lành; quảng đại, khoan hồng, sẵn sàng làm việc phải cho nhau. Thấy ai có việc liền ra tay giúp đỡ, không đợi cầu khẩn.

     Ngược lại, anh em, bà con, bạn bè được giúp đỡ có bổn phận hết lòng gìn giữ cho khỏi hao tổn tài sản. Bảo vệ lại lúc cô đơn, hoặc sa ngã khủng hoảng, và luôn luôn nhã nhặn khiêm tốn.   

      Nếu anh em bà con bạn bè với nhau biết thân giao kính thuận như thế, phương Bắc được yên ổn, không còn lo sợ.

5). Phương Dưới là người dưới quyền, người giúp việc, làm công:

     Người trên, người cai trị, người chủ chỉ bảo phân công tùy khả năng mà giao công việc thích hợp, đúng lúc cho ăn, tùy thời thưởng công lao. Khi bệnh cho dưỡng sức, thuốc thang điều trị đầy đủ; không bắt làm qúa sức, qúa giờ; ân cần hỏi han giúp đỡ khi gia đình người làm, cấp dưới gặp hoạn nạn.

     Ngược lại, người làm, kẻ dưới phải làm việc đúng giờ, phụng sự đầy đủ, làm việc cẩn trọng có thứ tự; không tham lam, của không cho không được lấy, khen ngợi công đức người chủ, bậc trên; không nói xấu sau lưng mà phải giữ gìn danh giá cho chủ, cấp trên, không phá hoại tài vật của chủ.

     Nếu: chủ cấp trên đối với người làm cấp dưới, và người làm cấp dưới đối với chủ cấp trên được như thế, phương Dưới được ổn cố, không còn lo sợ.

6). Phương Trên là bậc trưởng thượng, bậc tu hành:

     Phàm là người phải biết tôn kính các bậc trưởng thượng, các bậc tu hành đức độ. Phải biết nói điều thiện, biết làm điều thiện, đúng thời cung kính, đúng thời bố thí, nói năng lễ độ kính trọng.

     Ngược lại: bậc trưởng thượng, bậc tu hành phải dạy bảo điều lành, dạy giữ tâm lành, ngăn cản không cho làm ác. Dạy điều lành chưa từng được nghe, làm cho hiểu điều đã nghe chưa hiểu. Hết lòng thương mến, chỉ bảo điều hay lẽ phải.

     Nếu: mọi người đều làm được như thế, phương Trên được yên ổn, không có điều gì lo sợ nữa; này Thiện Sinh, như thế mới đầy đủ ý nghĩa lễ sáu phương.

     Bấy giờ, Thiện Sinh chắp tay cúi đầu vái và nói:

- Thưa đức Thế Tôn, hay quá, thật phúc đức cho con biết bao, thật quá sự tưởng tượng mong ước của con; Ngài đã dẫn giải lời dạy đầy đủ về lễ sáu phương, lại dạy pháp Hiền thánh chưa từng được nghe, khiến con như người bị té ngã vập mặt xuống đất được nâng dậy. Những gì che đậy bưng bít không thấy được mở ra thấy rõ ràng, như người đang mê được tỉnh ngộ, như trong nhà tối mù mịt được thắp ngọn đèn sáng thấy hết mọi vật. Đức Thế Tôn cũng như thế, Ngài dùng vô số phương tiện khai thị (mở mắt) cho kẻ phàm phu ngu muội như con, vì con làm mà không hiểu nghĩa lễ sáu phương là như thế nào. Nay con đã hiểu ngọn ngành, con xin hứa ghi nhớ và thực hành tất cả những điều Ngài dạy. Con xin được quy y Ngài, quy y giáo pháp của Ngài, và quy y đại chúng Tăng đoàn của Ngài kể từ ngày hôm nay cho đến hết đời.

Kết luận: Chúng ta thấy lời giảng dạy của đức Phật rõ ràng minh bạch như mặt trời giữa buổi trưa, không một gợn mây, sáng trưng, đức độ toàn vẹn. Đây không phải chỉ cho hàng Phật tử, mà cho toàn thể nhân loại học hỏi, noi theo, và áp dụng vậy.

IV). Trau dồi kiến thức bằng Ngũ Minh

    Ngoài ra, người Phật tử còn phải trau dồi trí tuệ một cách chu đáo bằng “Ngũ minh” là năm trí tuệ trong sáng, đó là:

1). Y Phương Minh (Trí tuệ về Y Học): Người Phật tử nên học về phương pháp chữa bệnh, chữa cả về thân bệnh và tâm bệnh; chữa bệnh về tinh thần là cần thiết, nhưng những phương thuốc chữa thân bênh không phải là không quan trọng. Người Phật tử nên học về thuốc để có thể thực hành công tác xã hội, rất thích hợp cho lòng Từ Bi; nếu là thầy thuốc hay Bác sĩ, người Phật tử đã có trong tay một phương tiện hành đạo quan trọng. Đem sự an ủi đến cho người bệnh, đó là thể hiện một phần nào tinh thần cứu tế, cứu đời tích cực.

2). Công Xảo Minh (Trí tuệ về công nghệ, kỹ thuật, khoa học): Người Phật tử cần học tập công nghệ, kỹ thuật cao, để có phương tiện hành đạo rộng lớn. Cần phải có đủ điều kiện kinh tế để cứu giúp người nghèo đói tật nguyền, người Phật tử dùng phương tiện công xảo kỹ thuật để phục vụ con người, chứ không phải dùng nó để gây đau khổ cho con người và các loài sinh vật.

3). Nhân Minh: Đây là “Luận lý học” của Phật giáo. Người Phật tử cần phải học phương pháp luận lý, học lập thuyết vững vàng, dựa trên giáo lý một cách rõ rang; luận lý này chủ trương lập thuyết bằng “Nhân”, tức là bằng cách suy cứu đến “lý do”. Lập luận có “thuận”, có “nghịch”, và phải có đầy đủ ba thành phần, đó là:

1- Tôn: Là chủ trương của mình.

2- Nhân: Là lý do thành lập chủ trương ấy.

3- Dụ: Là sự kiện đem ra để chứng minh.

Thí dụ: - Chủ trương (Tôn): Em A bị đói.

       - Lý do (Nhân) : Em A không ăn.

       - Sự kiện chứng minh (Dụ): Phàm ai không ăn đều bị đói.

    Phàm ai không ăn đều bị đói, em A không ăn nên em A bị đói. Đây là lập luận “thuận” (Đồng dụ), trái lại:

    Phàm ai ăn đều không bị đói, em B, em C, D v.v… ăn, nên đều không bị đói, đây là lập luận “nghịch” (Dị dụ).

    Chúng ta thấy “Luận lý nhân minh” giống nhưng tinh vi và đầy đủ hơn “Luận lý học hình thức” (Syllogism), vì nó có đầy đủ tính cách diễn dịch và quy nạp (Diễn dịch: Do một nguyên lý chung mà suy đoán ra những sự thực riêng. Quy nạp: Suy luận từ sự thực riêng mà suy cứu ra nguyên tắc chung).

    Ba phần phải có liên lạc mật thiết với nhau: Chủ trương (Tôn) và Lý do (Nhân) phải thuận với nhau; biết “Nhân Minh” kỹ càng, có thể phán đoán “Chân, Ngụy” dễ dàng, không bị mắc kẹt vào các câu hỏi khó và giải đáp được dễ dàng.

4). Thanh Minh (Ngôn ngữ học): Đây là môn học về văn tự, tiếng nói, văn học. Người Phật tử không những có kiến thức về ngôn ngữ mẹ đẻ, hiểu giáo lý, biết trước tác, diễn giảng; người Phật tử còn phải học hỏi ngoại ngữ nữa, để phiên dịch, trao đổi văn hóa với các nước khác.

5). Nội Minh (Nội điển Kinh sách): Người Phật tử cần phải có kiến thức về Nội Kinh điển Phật giáo: Nghiên cứu Kinh sách đầy đủ, rồi đem giáo pháp truyền lại cho người khác và thực hành.

    Người Phật tử không nên để tình trạng “mê tín dị đoan” lẫn vào đạo, mà nhiều người lầm tưởng đó là của Phật giáo; người Phật tử phải hiểu rõ Kinh điển của Phật giáo một cách tường tận để ngăn chặn những sai lầm như vàng mã, đồng bóng, cúng sao cúng hạn, dời mồ coi mả, giết hại sinh vật để cúng ma vái quỷ v.v...

    Nên nhớ, sự thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà chỉ là tượng trưng sự tưởng nhớ các bậc tiền nhân sinh thành; các vị đã có công gây dựng tiền đồ cho thế hệ về sau. Chúng ta thờ cúng để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ, biết ơn, và noi theo v.v…. Chúng ta không thể lễ lạy van vái để xin ban ân huệ này nọ được. Sự thờ cúng Tổ tiên không khéo biết có thể rơi vào mê tín mà chúng ta không biết không hay; đó là ý nghĩa của việc thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ v.v…. mà người Phật tử cần phải biết rõ.

    Tóm lại, người Phật tử nào đạt được “Ngũ Minh” nhiều chừng nào, người ấy có trí tuệ đức độ nhiều chừng ấy, và đạt gần quả vị giải thoát hơn.,.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-93_4-19613_5-50_6-1_17-69_14-1_15-1/cach-cu-xu-cua-nguoi-phat-tu.html#detail

Chủ đề: ,

2 comments

  1. bài viết hay quá, cảm ơn chị Diệu Sương chia sẻ !
    chúc chị thân tâm thường an lạc
    nam mô A Di Đà Phật _()_

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Bình Yên đã đọc!
      DS cũng chúc Bình Yên thân tâm thường an lạc.
      Nam Mô A Di Đà Phật.

      Delete

Lên đầu trang