Giá trị của sự trao tặng là xốc dậy trong lòng mình và lòng người sự sẻ chia, tình thương...
GN - Không ai ép mình trao quà, và tặng có nghĩa là một sự tự nguyện.
1. “Cách cho hơn của cho”. Câu nói ngăn ngắn có năm âm tiết thôi mà là cả một bài học làm người, trong cách trao tặng, gửi gắm, sẻ chia, chắp cánh ước mơ, gieo cấy vào lòng người giá trị thiện lành hay gắn kết tình cảm trong giềng mối quan hệ tình thân, tình thương, bè bạn...
Do vậy, bạn sẽ đau lòng dữ lắm nếu như phải chứng kiến hình ảnh ai đó mang tô cơm đầy thức ăn để xuống trước mặt một người cùng khổ hay cầm bịch quà to dúi vào tay người nghèo với thái độ nặng nhẹ, khinh khi. Rồi, bạn sẽ phải xót xa lắm khi những món quà mình được nhận từ một người bỗng dưng trở thành món nợ vì họ cứ nhắc mãi mỗi khi gặp mình, thậm chí rêu rao tính toán với người này, người kia chỉ vì mình không-đáp-ứng-lại những yêu cầu, mong muốn của họ, vì món quà trước đó chỉ là những thứ “lót đường” để đi tới mục đích.
Cũng vậy, bạn sẽ phải đắng lòng khi nghe người này, người kia từ thiện mà thật tâm chỉ là đánh bóng tên tuổi, chỉ để lấy công hầu đạt chỉ tiêu và nhận bằng tuyên dương hay giấy khen, bổ sung vào hồ sơ thăng tiến của chính mình...
2. Cho như thế nào để người nhận cảm thấy người trao tặng món quà hiểu mình? Đôi khi không cần vật chất nhiều cũng như không cần sự đắt đỏ trong quá trình “QRT” (quy ra thóc) của món quà mà là cái cách ta mang món quà tới hoặc tạo ra món quà. Điểm cộng luôn thuộc về những món quà tự tay mình làm hoặc do mình mang tới một cách bất ngờ, chẳng phải vào một dịp gì định trước cả.
Cho cái gì để làm dấu hiệu cho biết bạn rất hiểu người đó, cũng là một điểm cộng khác để người nhận vui hơn so với niềm vui tất yếu khi được nhận món quà và cho biết bạn có đang lắng nghe họ?
Có những thứ sắc màu mà họ thích hay có những thứ giản dị mà họ cần mình thể hiện, mình phải hiểu để làm, và làm trong niềm hoan hỷ, bởi mình biết, việc làm này sẽ mang tới niềm vui cho người mình thương, người thân của mình. Có nghĩa là hãy tặng những món họ thích, trong khả năng của mình và tặng trong niềm hoan hỷ - khi đó món quà sẽ có giá trị kép, thậm chí nhân ba, nhân tư vì nó chứng minh rằng, bạn hiểu họ.
Món quà mang tên “hiểu nhau” ấy đôi khi còn quý hơn những gì mình mua bằng tiền, mà lắm lúc ta cứ loay hoay cân đo giá trị vật chất nên thiếu tinh tế để trao gửi tấm lòng!
3. Tặng quà là một hạnh lành. Ngoài việc tặng cho người thân-thương thì việc mở lòng sẻ chia với những món quà tinh thần-vật chất dành cho những phận đời kém may trong cuộc sống, trong ý nghĩa “giúp ngặt” để họ có thêm động lực bước qua khó khăn chứ không “chết đứng” trước đích đến còn khá gần. Đó là những sẻ chia mang tên “tiếp sức”, dẫu có khi rất nhỏ nhưng sức mạnh cộng đồng sẽ có thể làm nên việc lớn...
Không ai ép mình trao quà, và tặng có nghĩa là một sự tự nguyện.
Hai chữ tự nguyện đã hàm cả ý nguyện (sự phát tâm) nên phải là một niềm vui khi thực hiện để truyền niềm vui cho người được nhận chứ không phải là “bức ép” bằng quyền lực, bằng những gợi ý đi kèm những “thưởng”/“phạt” nếu như gợi ý được/hoặc không được đáp lại. Do vậy, ta phải tự do trong hành vi trao tặng món quà, bằng niềm vui và biết rằng mình làm điều đó là... vì mình muốn được vui và muốn người nhận quà vui.
Thiết nghĩ, với cái tâm như vậy thì quá trình từ phát tâm trao tặng đến thực thi việc tặng quà và sau đó... ta không có gì phải chênh chao hay lao xao tính toán, phải nghĩ đến chuyện họ nhận được và sẽ biết ơn, cũng như trả ơn mình bằng cách nào.
4. Hỷ tâm chia sẻ. Đó chính là “cách cho”, nó khiến cho món quà trao tặng vượt tầm giá trị thông thường của yếu tố vật chất mà sẽ trở thành quà tặng để đời trong lòng người, về cách mình sống chứ không phải về những gì mình cho.
Giá trị của sự trao tặng là xốc dậy trong lòng mình và lòng người sự sẻ chia, tình thương từ đáy tim; đó mới là thứ tặng phẩm mà ta trao đi rồi nhận lại cho mình, họ cũng hoan hỷ nhận như thế nên lòng nở hoa và tươi tắn mỉm cười, rồi người nhận quà sẽ săm se hay cất giữ món quà như một bảo vật của tình thương...
Đỗ Thị Hiền
0 comments