Alexander Berzin
Mạc-tư-khoa, Nga, tháng Chín, 2010
Ngawang Yangchen Lhamo dịch, Lozang Ngodrub hiệu đính
Tối nay, chúng ta sẽ nói về cách sử dụng những phương pháp của Phật giáo để hỗ trợ ta trong đời sống hàng ngày. Khi chúng ta nói về những phương pháp của Phật giáo hay Phật pháp, thì chữ tiếng Phạn là “Pháp” (“Dharma”). Nếu chúng ta tra cứu ý nghĩa thật sự của từ “Pháp”, thì nó có nghĩa là “điều gì giữ gìn chúng ta.” Pháp nghĩa là điều gì đó giữ gìn hoặc ngăn chận nỗi khổ và các vấn đề.
Tứ Diệu Đế
Điều đầu tiên Đức Phật đã dạy là “tứ diệu đế.” Điều này có nghĩa là có bốn sự thật mà bất kỳ những ai có thực chứng cao và có thể thấu hiểu được thực tại, sẽ hiểu rằng những điều đó là đúng. Bốn sự thật này là:
-
Những vấn đề thật sự mà tất cả chúng ta đều đối mặt.
-
Những nguyên nhân thật sự gây ra chúng.
-
Sự việc sẽ ra sao nếu những vấn đề này thật sự chấm dứt, để ta không mắc phải chúng nữa.
-
Cách hiểu biết, hành động và v.v…, để chấm dứt mọi vấn đề của chúng ta.
Những Vấn Đề Thật Sự của Chúng Ta
Đạo Phật nói rất nhiều về những vấn đề và cách để giải quyết chúng. Trên thực tế, tất cả giáo huấn của Đức Phật đều nhằm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Phương pháp tiếp cận thật sự rất hợp lý và thực tiễn. Phương pháp ấy cho rằng bất kỳ vấn đề nào mà chúng ta gặp, đều xuất phát từ những nguyên nhân. Vì vậy, chúng ta phải quán xét nội tâm của chính mình một cách rất trung thực và sâu sắc, để thấy được những khó khăn mình đang đối mặt là gì. Đối với nhiều người trong chúng ta thì đó không phải là một quá trình thật dễ dàng. Thật ra, việc quán xét để thấy được các lĩnh vực khó khăn trong đời sống của chúng ta là một việc khá đau lòng. Rất nhiều người phủ nhận điều đó. Họ không sẵn sàng thừa nhận rằng họ có những vấn đề - ví dụ như trong một mối quan hệ không lành mạnh – tuy vậy, họ lại kinh qua nỗi khổ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở mức độ “Tôi không hạnh phúc.” Chúng ta cần nhìn sâu hơn để thấy vấn đề thật sự là gì.
Những Nguyên Nhân Thật Sự của Các Vấn Đề của Chúng Ta
Sau đó, chúng ta cần quán xét để khám phá những nguyên nhân gây ra các vấn đề của mình. Các vấn đề không tự chúng tồn tại, không có xuất xứ. Nó phải có nguyên do, và tất nhiên có nhiều cấp độ của các yếu tố liên quan vào việc gây ra một tình huống bất như ý. Ví dụ, khi có những mâu thuẫn về cá tính trong một mối quan hệ, có thể có thêm những yếu tố phức tạp về mặt kinh tế như không có đủ tiền, v.v…, những vấn đề với con cái, hay những người họ hàng khác. Có thể có tất cả các loại tình huống góp phần gây ra vấn đề, nhưng Đức Phật đã nói rằng chúng ta phải đi sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn nữa, để tìm ra nguyên nhân sâu xa nhất gây ra các vấn đề của chúng ta; và đó là sự lầm lẫn về thực tại.
Chúng ta có sự bất hạnh, có nỗi đau đớn, và dĩ nhiên điều đó xuất phát từ loại nguyên nhân nào đó. Ví dụ, ta có thể hành động một cách rất đáng lo ngại – với rất nhiều sân hận chẳng hạn. Chẳng có ai hạnh phúc khi đang giận dữ cả, có phải thế không? Vì vậy, chúng ta cần nhận ra rằng ở đây, tâm sân hận đang gây ra nỗi bất hạnh cho mình và ta phải loại bỏ tâm sân, bằng cách này hay cách khác.
Vấn đề khiến chúng ta không cảm thấy hạnh phúc cũng có thể là việc luôn luôn lo lắng. Lo lắng là một tâm trạng rất khó chịu. Chẳng có ai hạnh phúc khi lo lắng cả, phải không? Ngài Tịch Thiên, một đạo sư Phật giáo Ấn Độ vĩ đại, đã nói rằng nếu đang ở trong tình huống khó khăn mà bạn có thể làm điều gì để thay đổi nó, thì tại sao phải lo lắng? Chỉ cần thay đổi nó thôi. Lo lắng sẽ không hữu ích gì cả. Và nếu bạn không làm được gì để thay đổi, thì tại sao phải lo lắng? Điều đó sẽ không hữu ích gì cả. Vì vô minh về sự vô dụng của lo âu mà ta lại lo lắng tiếp tục. Điểm mấu chốt ở đây là lo lắng không có lợi ích nào cả.
Rồi chúng ta cũng có vấn đề ở một cấp độ khác, đó là vấn đề bất mãn. Tất nhiên, ta có trải qua những khoảng thời gian hạnh phúc, nhưng đáng tiếc là chúng không kéo dài mãi mãi, và ta luôn muốn được hạnh phúc nhiều hơn. Không bao giờ ta có sự thỏa mãn. Chúng ta không thỏa mãn nếu chỉ ăn những món mình thích một lần thôi, có phải thế không? Ta muốn ăn nó một lần nữa và lần nữa. Và nếu ta ăn quá nhiều trong một lúc, thì niềm vui mình có lúc đầu sẽ trở thành một cơn đau bụng. Thế là ta hơi bối rối về loại hạnh phúc này. Thay vì chỉ cần tận hưởng sự việc như thế và nhận thức rằng nó sẽ không bền lâu, và sẽ không bao giờ làm mình thỏa mãn, thì ta lại bám chấp vào nó; và khi đánh mất niềm hạnh phúc ấy, chúng ta cảm thấy rất buồn.
Điều đó tương tự như được ở bên cạnh một người bạn thân hoặc người mình yêu quý, và sau đó, họ rời bỏ ta. Tất nhiên họ sẽ rời xa ta vào một lúc nào đó, vì vậy, ta cần phải tận hưởng khoảng thời gian được ở bên họ. Có một hình ảnh rất đẹp mà thỉnh thoảng chúng ta sử dụng. Khi một người tuyệt vời nào đó mà ta rất yêu mến bước vào cuộc đời mình, thì giống như một loài chim hoang dã bay vào cửa sổ của ta. Khi con chim hoang ghé vào cửa sổ của mình, ta có thể thưởng thức sự hiện diện của nó, nhưng sau một lúc, dĩ nhiên nó sẽ bay đi, bởi vì nó có tự do. Và nếu chúng ta hành xử rất nhẹ nhàng thì con chim có thể sẽ quay lại. Nhưng nếu ta bắt chim và nhốt vào lồng, thì con chim sẽ rất khổ sở, thậm chí có thể chết. Tương tự như vậy, những người này bước vào cuộc đời chúng ta như loài chim hoang xinh đẹp này, và điều tốt nhất là tận hưởng khoảng thời gian họ ở bên mình. Khi họ ra đi vì bất kỳ lý do gì, trong bao lâu đi nữa – thì điều đó vốn dĩ sẽ xảy ra. Nếu chúng ta thanh thản và bình tâm về điều đó và không đòi hỏi rằng – “Đừng bao giờ rời bỏ tôi. Tôi không thể sống thiếu bạn,” đại loại như thế – thì họ có thể quay lại. Nếu không, việc chúng ta níu kéo và đòi hỏi sẽ chỉ xua đuổi họ bỏ đi mà thôi.
Khi chúng ta lầm lẫn về bản chất của hạnh phúc và niềm vui thông thường trong cuộc sống, tất nhiên, ta sẽ gặp những vấn đề. Thậm chí, ta không thể tận hưởng những khoảng thời gian hạnh phúc mà mình có được, bởi vì ta lo lắng và e sợ rằng mình sẽ đánh mất chúng. Chúng ta giống như một con chó với tô thức ăn – con chó đang ăn mà còn nhìn xung quanh và gầm gừ để đảm bảo là không ai đến lấy thức ăn của nó. Đôi khi, chúng ta giống như vậy, có phải không, thay vì chỉ cần tận hưởng điều ta có và chấp nhận rằng khi nó kết thúc thì nó sẽ kết thúc. Nhưng tất nhiên điều này không đơn giản như vậy – thậm chí có lẽ nó không có vẻ đơn giản – nhưng nó đòi hỏi sự rèn luyện, làm quen với một nhãn quan khác để nhìn sự việc trong cuộc sống.
Sự Chân Diệt của Các Vấn Đề của Chúng Ta
Đức Phật đã nói rằng chúng ta có thể chấm dứt các vấn đề của mình mãi mãi, và phương cách thực hiện điều đó là loại bỏ các nguyên nhân. Đó là một phương pháp rất phải lẽ, rất hợp lý. Nếu ta loại bỏ nhiên liệu thì sẽ không có lửa nữa. Và Đức Phật đã nói rằng có thể loại bỏ những vấn đề này theo cách mà chúng sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Chúng ta không chỉ thỏa mãn với sự giải thoát tạm thời khỏi những vấn đề này, đúng không? Điều đó tương tự như việc đi ngủ - khi đang ngủ thì bạn không có vấn đề gì với mối quan hệ khó khăn. Vì vậy, đó không phải là giải pháp, vì khi bạn thức dậy thì vấn đề vẫn còn đấy. Tương tự như bạn đi nghỉ mát ở đâu đó, nhưng rồi bạn phải trở về nhà, và khi về đến nhà thì các vấn đề vẫn còn đó. Vì vậy, một kỳ nghỉ mát không phải là giải pháp tốt nhất, bền vững và sâu sắc nhất.
Đức Phật cũng không nói rằng chỉ cần câm lặng chấp nhận các vấn đề của mình và chung sống với chúng, bởi vì đó cũng chẳng phải là giải pháp rất tốt, có phải thế không? Vì sau đó, chúng ta sẽ cảm thấy khá bất lực – ta không thể làm được gì, do đó, ta bỏ cuộc và thậm chí không cố gắng nữa. Việc nỗ lực để khắc phục các vấn đề của mình rất quan trọng. Thậm chí, nếu không có tiến triển nhiều, ít nhất, chúng ta cũng cảm thấy rằng mình đã nỗ lực.
Các Phương Pháp Chấm Dứt Những Vấn Đề của Chúng Ta
Tuy nhiên, nếu ta thật sự muốn đạt được việc chấm dứt đích thực các vấn đề này, một sự kết thúc đích thực, thì Đức Phật đã dạy chân lý thứ tư, rằng ta cần phải tuân theo một số phương pháp nào đó và có được sự hiểu biết đúng đắn nào đó, để loại bỏ nguyên nhân sâu xa nhất, vốn là sự vô minh của mình. Nhưng có được sự hiểu biết tốt đẹp thì không đủ, nếu ta không thể luôn luôn ghi nhớ điều đó, vì vậy, chúng ta cần phát triển định lực. Nhưng để cho định lực có thể nhớ và tập trung vào sự hiểu biết ấy, ta cần phải giữ giới. Vì vậy, những phương pháp Phật giáo tổng quát mà chúng ta sử dụng để ngăn ngừa các vấn đề của mình là đi theo con đường của giới luật, định lực và sự hiểu biết đúng đắn (đôi khi được gọi là “trí tuệ”).
Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra các vấn đề chính là tâm vị kỷ của mình. Phần lớn tâm vị kỷ của chúng ta bắt nguồn từ sự vô minh về thực tại, bởi vì dù sao đi nữa, dường như ta nghĩ rằng mình là người duy nhất tồn tại trên thế gian này. Ngay cả nếu ta thừa nhận người khác có tồn tại, thì rõ ràng ta là người quan trọng nhất trong vũ trụ này, là trung tâm trong vũ trụ của mình. Vì quan niệm sai lầm này nên chúng ta nghĩ rằng, “Tôi luôn luôn phải được như ý. Tôi luôn luôn phải có được những gì tôi muốn,” và nếu chúng ta không được như ý, thì ta sẽ rất buồn.
Nhưng đó là một quan điểm rất lầm lẫn về thực tại, bởi vì nói chung thì không có điều gì đặc biệt về tôi cả. Tất cả chúng ta đều như nhau, với ý nghĩa là mọi người đều muốn được hạnh phúc, không ai muốn đau khổ; mọi người đều mong có được những gì họ muốn và chẳng ai mong không có được những gì họ muốn. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải chung sống với nhau, bởi vì chúng ta vốn sống cùng với nhau. Vì vậy, ta cần gia tăng lòng từ ái và bi mẫn, sự quan tâm đến người khác và lòng vị tha trong những phương cách vượt qua hoặc ngăn ngừa các vấn đề. Giống như ta muốn người khác giúp đỡ mình, tương tự như vậy, họ cũng muốn ta giúp đỡ họ.
Đối Phó với Phiền Não
Tất nhiên, không phải ai cũng là bậc thánh hay bồ tát, điều đó rất đúng. Mọi người đều vô minh ở mức độ này hay mức độ khác. Vì vô minh nên chúng ta hành động dưới sự ảnh hưởng của phiền não. Ví dụ, nếu tôi nghĩ rằng tôi là trung tâm của vũ trụ và tôi là người quan trọng nhất, thì cảm xúc đi kèm là sự bất an, đúng không? Khi vô minh thì bạn cảm thấy bất an và nghĩ rằng, “Đáng lẽ tôi là người quan trọng nhất, nhưng người ta lại không cư xử với tôi như thế.” Thế là có sự bất an ở đó.
Chúng ta có thể dùng những phương cách gì khi bất an – những phương cách cố gắng làm cho mình cảm thấy an tâm hơn? Một trong những cách đó là: “Nếu tôi có thể có đầy đủ những thứ xung quanh mình, thì thế nào tôi cũng sẽ thấy an tâm. Nếu như tôi có đủ tiền, đủ sự quan tâm hay tình thương thì thế nào tôi cũng sẽ được hạnh phúc.” Nhưng rồi như ta đã thấy, bản chất của loại hạnh phúc này là ta không bao giờ có đủ, ta không bao giờ thỏa mãn và luôn luôn muốn có nhiều hơn thế nữa.
Hãy suy nghĩ về điều này. Nó có ý nghĩa đấy. Chúng ta có thật sự muốn người mình yêu chỉ nói câu “Anh yêu em” một lần thôi hay không? Nếu họ chỉ nói câu ấy một lần thôi, và như thế là đủ - họ không bao giờ phải lặp lại điều đó với chúng ta nữa thì có được không? Ta không bao giờ cảm thấy an tâm với điều đó. Ta luôn muốn nghe nó lần nữa, lần nữa và lần nữa, có phải vậy không? Và ta không bao giờ đạt đến mức độ mà ta sẽ nói rằng, “Được rồi, anh không phải nói điều đó với em nữa. Em biết rồi.” Thế thì khi nói về sự tham lam, nó không chỉ là sự tham lam về vật chất và tiền bạc. Chúng ta còn tham lam tình yêu nữa, và hầu hết chúng ta đặc biệt tham muốn sự quan tâm của người khác. Ta thấy được điều đó ở những trẻ nhỏ. Vậy thì đó là một cơ chế: nếu ta có thể có đầy đủ mọi thứ xung quanh mình, nó sẽ khiến ta an tâm. Nhưng điều này không bao giờ có hiệu quả.
Cơ chế tiếp theo là tâm sân hận và thù ghét: “Tôi sẽ an tâm nếu có thể tránh xa những điều mà tôi cảm thấy đang đe dọa mình.” Nhưng chúng ta không bao giờ cảm thấy an toàn; chúng ta luôn cảm thấy bị đe dọa; luôn cảnh giác đề phòng khi ai đó làm điều gì mình không thích – rồi ta nổi giận và đuổi họ đi. Đôi khi, điều này có thể khiến mình tự chuốc lấy thất bại. Tôi đang nghĩ đến một ví dụ về mối quan hệ mà ta cảm thấy người kia không quan tâm đầy đủ đến mình, không dành đủ thời gian cho mình, và ta la lối với họ. Chúng ta giận dữ và quát tháo, “Anh nên quan tâm đến tôi nhiều hơn! Anh nên dành nhiều thì giờ hơn cho tôi!” và v.v… Hậu quả của điều đó là gì? Thường thì họ còn tránh xa ta hơn nữa. Hoặc họ dành cho ta một đặc ân lớn và ở bên ta một lúc thôi, nhưng bạn có thể cảm nhận được là họ không thoải mái với điều đó. Làm sao ta có thể nghĩ rằng giận dữ với ai đó sẽ khiến họ yêu thích ta hơn? Thật là vô lý, có phải thế không? Chúng ta sử dụng nhiều cơ chế trong số những cơ chế này, với hy vọng nó sẽ khiến mình an tâm hơn, nhưng thật sự nó chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn.
Một cơ chế khác mà ta sử dụng là dựng lên những bức tường. Điều đó căn cứ vào sự ngây thơ, nghĩ rằng nếu ta không đối phó với vấn đề thì dù sao đi nữa, nó sẽ không tồn tại hoặc tự nó sẽ biến mất. “Tôi không muốn nghe điều đó nữa” – đại loại bằng thái độ này, và bạn dựng lên bức tường. Nhưng tất nhiên trạng thái ngây thơ đó cũng không hữu hiệu. Vấn đề sẽ không biến mất chỉ vì chúng ta làm ngơ hoặc không thừa nhận nó.
Vì vậy, dựa trên những phiền não này, sự tình là ta đã hành động theo tất cả những phương cách tiêu cực. Chúng ta la lối. Thậm chí, ta có thể đánh một người nào đó. Nếu bạn cảm thấy rằng, “Thật tội nghiệp cho tôi, tôi không có một thứ gì cả,” thì bạn có thể đi ăn cắp vì nghĩ rằng dù sao đi nữa, nó sẽ giúp ích cho bạn, hoặc tôi đang nghĩ về một ví dụ khi tôi đã sống ở Ấn Độ trong rất nhiều năm. Ấn Độ là vùng đất của côn trùng – rất nhiều, thật là nhiều côn trùng các loại mà bạn có thể hình dung ra được. Và bạn không thể giết sạch chúng; bạn không có cách gì để làm được điều đó. Giải pháp duy nhất là học cách sống chung với chúng. Nếu bạn không thích có nhiều loài côn trùng sống trong phòng mình, thì bạn ngủ trong một cái mùng – bạn có một cái mùng bao bọc xung quanh mình và bạn ở trong không gian an toàn. Đó là một giải pháp hòa bình, thay vì bước vào cuộc săn bắt tất cả những con muỗi trong phòng bạn, và bạn sẽ thức cả đêm vì sẽ luôn luôn có thêm muỗi để giết. Bên dưới cánh cửa lúc nào cũng có một kẽ hở, hay các cửa sổ không đóng kín – vì thế phòng bạn lúc nào cũng sẽ có thêm muỗi. Nhưng sự xung động của hành vi tiêu cực ấy cứ thôi thúc khởi lên: “Tôi phải tiệt trừ chúng!”
Có nhiều dạng hành vi tiêu cực khác nhau. Nói dối, nói nặng lời, ngoại tình, cưỡng hiếp – tất cả những điều này đều tiêu cực. Và khi chúng ta hành động một cách tiêu cực, trên cơ bản, điều này sẽ tạo ra đau khổ - đau khổ không chỉ cho người khác, mà đặc biệt là cho chính mình. Nếu bạn nghĩ về điều đó, thì đạo Phật phát biểu rất mạnh mẽ về việc không sát sanh, phải không? Bây giờ, điểm cốt yếu ở đây là nếu bạn nhiễm thói quen giết hại bất cứ sinh vật gì bạn không thích – như đối với những con muỗi chẳng hạn – thì đó sẽ là phản ứng tự động đầu tiên của bạn, đúng không? Và không chỉ riêng về việc sát sanh. Nếu có điều gì chúng ta không thích thì ta sẽ vồ lấy nó một cách rất thô bạo – có thể bằng lời nói, thể xác hay cảm xúc – thay vì học cách đối phó với nó bằng một tâm trạng bình tĩnh.
Dĩ nhiên, đôi khi bạn có thể phải sát sanh. Ví dụ như có thể có những côn trùng ăn cây trồng; có thể có những côn trùng mang bệnh dịch, v.v… Đạo Phật không phải là cách sống như một người cuồng tín. Nhưng bạn không nên ngây thơ về sự sát sanh. Hãy gắng làm điều đó mà không có sự sân hận và thù ghét ở trong tâm – “Tôi ghét những con muỗi gây sốt rét này!” Và bạn không nên ngây thơ về những hậu quả tiêu cực sẽ theo sau. Lấy một ví dụ đơn giản: Nếu chúng ta dùng thuốc trừ sâu tưới hết rau cải và trái cây của mình – thế nhưng chúng ta cũng ăn nó, và nó có thể gây bệnh. Thế là có những hệ quả tiêu cực phản tác dụng. Điều mấu chốt ở đây, quay trở lại điểm xuất phát ban đầu của chúng ta, là các phương pháp của ta là giới luật, định lực, và trí tuệ, bổ sung thêm bằng lòng từ ái và bi mẫn.
Giữ Gìn Đạo Đức
Ta sẽ áp dụng các biện pháp ngăn ngừa này như thế nào để tránh những vấn đề trong cuộc sống? Cấp độ đầu tiên, điều đầu tiên chúng ta làm, là áp dụng việc giữ gìn đạo đức, để tránh việc hành động một cách tiêu cực. Hành động một cách tiêu cực là hành động chịu ảnh hưởng của các phiền não như sân hận, tham lam, chấp thủ, ganh tỵ, ngây thơ, kiêu mạn và v.v… Điều đó có nghĩa là khi cảm thấy mình muốn hành động một cách tiêu cực, ta sẽ quyết định rất rõ ràng, “Không, tôi không muốn hành xử như thế.”
Khi tôi cảm thấy muốn la bạn vì sai sót nào đó bạn mắc phải, thì tôi biết rằng việc la lối sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Tôi có thể phải sửa sai bạn hoặc giải quyết bất cứ sai sót nào bạn đã phạm phải, nhưng la lối sẽ chỉ khiến điều đó thêm tồi tệ, đúng không? Đặc biệt là việc chửi rủa và nguyền rủa bạn – dĩ nhiên điều đó sẽ không ích lợi gì cho tình hình. Vì vậy, việc giữ gìn đạo đức là nhận biết càng sớm càng tốt, thậm chí trước khi chúng ta hành động một cách tiêu cực, rằng ta sắp bị thôi thúc hành động theo lối tiêu cực. Có một xung động khiến mình hành động như thế và chúng ta sẽ phân biệt rằng: “Điều này sẽ không hữu ích gì cả,” và ta sẽ kềm chế bản thân để không hành động theo xung động của mình.
Hiện tại ở đây, chúng ta không nói rằng bạn cứ giữ cơn giận trong lòng, rồi nó ăn mòn bạn, và bạn cứ đè nén, đè nén nó cho đến khi bạn bùng nổ. Đó không phải là phương pháp. Nếu chúng ta không thể đối phó với nó và nó cứ lớn dần ở trong lòng – thế nhưng, đừng trút nó lên một người khác. Còn đấm vào tường thì chỉ làm tay bạn bị thương, nên đó là điều ngu ngốc. Thế thì bạn sẽ giải tỏa nó bằng cách nào khác, đúng không?
Người tham dự: Đấm vào một cái gối.
Alex: Đấm vào gối hay lau rửa toàn bộ sàn nhà của bạn – loại phương pháp “trí tuệ của người mẹ” dùng để đối phó với cơn giận và sự thất vọng, và thật ra làm việc nhà vất vả, chạy bộ đường trường, hoặc tập luyện mạnh mẽ trong phòng thể dục sẽ giúp bạn làm tiêu tan năng lượng của cơn giận đầy thất vọng đó.
Chánh Niệm và Định Lực
Nếu chúng ta ngày càng quen thuộc hơn với cách hành xử này, và kiềm chế bản thân mình để không hành động một cách tiêu cực khi ta cảm thấy mình muốn hành động theo lối ấy, thì điều ta đang sử dụng ở đây được gọi là “trí bát nhã (shes-rab)” của mình. Chúng ta phân biệt giữa điều gì ích lợi và điều gì gây hại, và dựa trên cơ sở ấy, chúng ta có thể điềm tĩnh và không giữ cơn giận trong lòng. Thế thì điều chính yếu mà ta đang nuôi dưỡng ở đây là điều thường được phiên dịch là “chánh niệm (dran-pa).” Nó có ý nghĩa là “ghi nhớ”. Nó tựa như chất keo tinh thần giữ gìn kỷ luật – tôi muốn làm điều gì, tôi muốn trở thành người như thế nào trong cuộc sống, tôi muốn hành động ra sao trong cuộc đời của tôi – nó là sự giữ gìn những điều này và không lãng quên chúng. Đó chính là chánh niệm. Nó đồng nghĩa với “chủ động ghi nhớ.”
Thế nên, điều mà chúng ta cố gắng thực hiện là trở nên tỉnh thức nhiều hơn. Từ “Phật” thật ra có ý nghĩa là “một người hoàn toàn tỉnh thức.” Ta cố gắng tỉnh thức về những cảm xúc nào mình đang cảm nhận, về những sự thôi thúc mạnh mẽ nào đó đang thúc bách khởi lên trong tâm mình, khiến mình hành động như thế này hoặc như thế kia, và chúng ta cố gắng không trở thành nô lệ đối với những điều này, mà khi nhận thức ra điều đó với sự hiểu biết, ta có thể lựa chọn cách mình hành động như thế nào. Nếu tâm trạng của tôi xấu, nó có thể thay đổi; tôi có thể làm điều gì đó để thay đổi nó.
Đôi khi, giải pháp cho một tâm trạng xấu lại khá đơn giản. Một trong những phương pháp đơn giản nhất là “đặt đứa trẻ cáu kỉnh lên giường ngủ.” Ta cảm thấy mình như một em bé đã thức quá lâu và khóc nhè “oa oa” suốt ngày và v.v… Thường thì khi không vui, chúng ta giống như vậy. Do đó hãy nằm xuống, chợp mắt một lát, đi ngủ. Khi chúng ta thức dậy, thường thì mọi việc sẽ tốt hơn.
Hoặc nếu bạn đang bất hòa với ai đó, và tình trạng đang đến mức rất dữ dội – thế thì bạn biết rằng trong tình huống này, người kia đã không còn thật sự lắng nghe bạn nữa, và bạn cũng không thật sự lắng nghe họ. Tốt hơn hết là chấm dứt cuộc thảo luận – “Hãy quay lại vấn đề này sau khi cả hai chúng ta đã bình tĩnh lại” – và đi dạo, hoặc làm điều gì tương tự để điềm tĩnh trở lại.
Đây là những phương pháp rất đơn giản. Thật ra, đạo Phật dạy những phương pháp hành động sâu sắc hơn thế nữa, nhưng đây là sự khởi đầu. Chúng ta cần khởi đầu bằng việc áp dụng những phương pháp mà mình thật sự có thể áp dụng. Tuy nhiên nguyên tắc là điều quan trọng, và nguyên tắc là quán xét đâu là nguyên nhân của vấn đề, và làm điều gì đó để khắc phục chúng. Đừng chỉ đóng vai nạn nhân của vấn đề. Nói một cách khác là hãy kiểm soát điều gì đang xảy ra trong cuộc đời bạn.
Bây giờ, nếu chúng ta có thể phát triển chánh niệm để giữ gìn sự hiểu biết về những hành vi nào của mình là hữu ích và hành vi nào gây hại. Nếu chúng ta có thể lưu ý điều gì đang diễn ra và nhớ đến phương cách mà ta muốn hành động, sau đó điều chỉnh lại, nếu ta chưa hành động theo cách đó. Nếu ta có thể thực hiện điều đó cùng với việc ta đang hành xử như thế nào bằng cơ thể, bằng lời nói, thì ta đã phát triển sức mạnh để có khả năng làm điều đó với tâm thức của mình, với những gì mình đang suy nghĩ.
Vì vậy, khi chúng ta bắt đầu có dòng tư tưởng lo lắng, hoặc dòng tư tưởng như: “Thật tội nghiệp cho tôi. Không ai thương tôi cả,” v.v…và v.v…, những dạng tư tưởng như thế, thì ta sẽ nói rằng, “Thôi! Tôi không muốn tiếp tục lẩn quẩn trong sự tủi thân, lo lắng và v.v... nữa. Điều này sẽ chỉ khiến mình buồn rầu mà thôi,” và ta đưa sự chú tâm của mình trở về với điều gì tích cực hơn. Có nhiều điều tích cực hơn mà ta có thể làm với thân và tâm của mình, thay vì chỉ ngồi đó và lo lắng. Có nhiều điều tích cực hơn mà ta có thể suy nghĩ, thay vì nghĩ rằng mọi thứ có thể thậm tệ ra sao, như khi ta đang lo lắng. Bạn thấy đó, bởi vì điều chúng ta đang nỗ lực phát triển ở đây là định lực, để ta có thể mang sự chú tâm của mình trở về, khi nó bắt đầu đi lang thang.
Ví dụ, khi ta đang nói chuyện với người nào đó và tâm mình bắt đầu đi lang thang – nó không nhất thiết là sự lo lắng mà có thể là về: “Khi nào họ mới ngừng nói nhỉ?” hoặc “Tôi sẽ ăn gì cho bữa tối đây?”, nó có thể là ý nghĩ về bất cứ điều gì – và chúng ta ngưng chú tâm đến người đối diện, hoặc ta đang bình luận trong tâm mình: “Những gì họ nói thật là ngớ ngẩn,” ta hãy đưa sự chú tâm của mình trở lại và chỉ tập trung lắng nghe họ mà thôi.
Đây là sự ứng dụng rất thực tế về việc định tâm, nhưng nó đòi hỏi kỷ luật; và ta phát triển kỷ luật ấy trước tiên về mặt thể chất và hành vi ngôn từ của mình. Khi bạn phát triển kỹ năng này, kỹ năng về việc đem sự chú tâm của mình trở lại và điều chỉnh bất kỳ sự chệch hướng nào, thì bạn có thể ứng dụng nó trong tất cả các tình huống. Nó thật sự rất là hữu ích. Ví dụ, bạn bắt đầu có chánh niệm về cách bạn giữ thân hình của mình như thế nào. Nếu hai vai của bạn gồng lên và cần có sự chú tâm, và cổ bạn gồng lên và v.v… - nếu bạn có chánh niệm và nhận biết điều đó, thì chỉ cần hạ vai xuống và thả lỏng chúng. Đây chỉ là vấn đề về sự chú tâm, ghi nhớ và làm một điều gì liên quan đến sự chú tâm ấy. Hoặc khi bạn bắt đầu trở nên quá phấn khích và nó hoàn toàn không phù hợp trong tình huống này, và bạn bắt đầu nói ngày càng to và hung hăng hơn đối với người khác, bạn sẽ nhận ra điều đó và chỉ cần thay đổi nó. Bạn chỉ cần điềm tĩnh lại, giống như việc hạ vai mình xuống, nhưng bạn làm điều đó ở khía cạnh sinh lực và cảm xúc.
Đây là toàn bộ bí quyết về cách áp dụng những phương tiện của Pháp trong cuộc sống. Chỉ cần ghi nhớ và có đủ kỷ luật để thực hiện, áp dụng chúng. Và bạn làm điều đó không phải vì bạn muốn làm người tốt, hay muốn làm đạo sư của mình vui lòng, hay điều gì tương tự. Bạn thực hiện nó vì bạn muốn ngăn ngừa các vấn đề - các khó khăn – vì bạn biết rằng nếu không làm gì cả thì bạn sẽ chỉ khiến bản thân mình khốn khổ, và nó chẳng có gì vui, có phải thế không? Thế thì ta cần áp dụng kỷ luật bản thân trên lãnh vực tinh thần, về mặt định tâm – ngay cả về việc đối phó với những cảm xúc của mình. Tất nhiên, việc đối phó với những cảm xúc thì vi tế hơn, khó khăn hơn nhiều. Nhưng như tôi đã nói, nếu bạn trở nên quá phấn khích, thì bạn có thể điềm tĩnh lại.
Hiểu Biết Đúng Đắn
Một khi bạn đã phát triển công cụ định lực, ít nhất là đến mức độ nào đó, thì điều mà bạn thật sự muốn là có khả năng giữ sự tập trung vào sự hiểu biết đúng đắn về điều gì đang diễn ra. Chúng ta có đủ thứ vô minh về thực tại – về cách chúng ta tồn tại như thế nào, người khác tồn tại ra sao, thế gian tồn tại như thế nào – và vì sự vô minh ấy, ta có đủ loại phóng tưởng về những điều thực chất không có thật, đúng không? Ta có thể phóng tưởng rằng: “Tôi không xong rồi. Tôi là kẻ thua cuộc.” Hay ta có thể phóng tưởng: “Tôi là điều tuyệt vời nhất trên thế gian.” Ta có thể phóng tưởng rằng: “Thật tội nghiệp cho tôi. Không ai thương tôi cả.” Nhưng nếu chúng ta thật sự phân tích về mọi người trong đời mình, thì điều đó có nghĩa là mẹ tôi không bao giờ thương tôi, con chó của tôi không bao giờ thương tôi – chưa từng có ai thương tôi cả. Điều này thật khó mà đúng được.
Thế thì chúng ta đang phóng chiếu những ảo tưởng này và tin rằng chúng là sự thật; đó là điều đáng sợ. Chúng ta tin rằng mình có thể đến trễ, hoặc không có mặt trong một cuộc hẹn, và điều đó chẳng sao cả: “Bạn không có cảm giác mà,” đúng không? Và rồi ta rất thiếu thốn sự quan tâm đến người khác. Nhưng mọi người đều có cảm xúc, cũng như tôi có cảm xúc. Không ai muốn bị phớt lờ cả. Chẳng có ai thích thú gì nếu họ có cuộc hẹn và người khác không gọi điện thoại thông báo hay có mặt trễ. Không ai thích điều đó cả. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là dùng định lực của mình để cắt đứt những ảo tưởng, và ngưng phóng chiếu tất cả những điều vô nghĩa ấy, ví dụ như suy nghĩ rằng hành vi thiếu quan tâm của mình không làm tổn thương người khác, bởi vì đó thật sự là nguyên nhân sâu xa nhất trong các vấn đề của chúng ta: “Tôi là trung tâm của vũ trụ. Tôi phải luôn luôn được như ý. Tôi là người quan trọng nhất.” Điều này hiển nhiên là một sự phóng chiếu của ảo tưởng. Không ai là người quan trọng nhất cả. Nhưng trên nền tảng của niềm tin rằng ảo tưởng của chúng ta là đúng, chúng ta trở nên ích kỷ. Vì vậy, nếu muốn vượt qua tâm vị kỷ thì ta cần phá bỏ ảo tưởng ấy và ngưng phóng chiếu nó. Dù có cảm giác như thể tôi là trung tâm của vũ trụ và tôi là người duy nhất tồn tại (vì khi nhắm mắt lại, giọng nói này vang vọng trong đầu tôi, và tôi không thấy ai khác nữa, thế nên dường như tôi là người duy nhất đang tồn tại), chúng ta phải nhớ rằng đây là một ảo giác và cố gắng không tin vào nó: “Nó không phải như vậy. Nó chỉ có vẻ là như vậy thôi.”
Như Đức Phật đã nói, giữ gìn sự hiểu biết ấy trong tâm mọi lúc chính là chân đạo để đạt được chân diệt đối với các vấn đề của chúng ta. Nếu ta luôn có sự hiểu biết đúng đắn ấy, ta sẽ không có bất kỳ sự vô minh nào. Và nếu không có một sự vô minh nào, ta sẽ không có tâm sân hận; không có sự chấp thủ, tham lam, v.v… Và nếu không có bất cứ phiền não nào, thì ta sẽ không hành động một cách tiêu cực. Nếu không hành động một cách tiêu cực, ta sẽ không gây ra đủ các loại vấn đề cho người khác và chính mình. Đó là phương pháp Phật giáo căn bản về cách đối phó với những khó khăn trong cuộc sống.
Nếu muốn có những mối quan hệ hạnh phúc hơn, thì chúng ta cần nhận ra rằng:
-
Tôi là một con người. Bạn là một con người. Tất cả chúng ta đều có cùng những cảm xúc, v.v…
-
Tất cả mọi người đều có những điểm mạnh. Tất cả mọi người đều có những điểm yếu. Tôi có chúng, và bạn cũng vậy.
-
Không có ai là Hoàng Tử hay Công Chúa Quyến Rũ trên con bạch mã.
Bạn có hình ảnh ấy trong những câu chuyện của bạn không? Chúng ta luôn luôn đi tìm người phối ngẫu hoàn hảo, một người cưỡi trên con bạch mã, nhưng đó là chuyện cổ tích. Nó không tồn tại, nhưng ta đang phóng tưởng về nó. Vì tin tưởng vào chuyện cổ tích ấy, ta nghĩ rằng người này sẽ là hoàng tử hay công chúa, rồi khi họ không giống như vậy thì chúng ta nổi giận với họ. Đôi khi, thậm chí ta hất hủi họ. Và rồi ta phóng tưởng về người kế tiếp mà ta gặp và nghĩ rằng họ có tiềm năng làm người bạn đời của mình, rằng anh ấy hay cô ấy là hoàng tử hay công chúa. Nhưng chúng ta không bao giờ tìm thấy hoàng tử hay công chúa, vì không hề có những người như vậy.
Vì vậy, nếu muốn có những mối quan hệ lành mạnh thì chúng ta cần chấp nhận thực tế. Như tôi đã nói, thực tế là mỗi người đều có những điểm mạnh, có những điểm yếu, và dù sao đi nữa, chúng ta cần học cách chung sống với nhau, và không ai là trung tâm của vũ trụ cả. Rồi bạn sẽ thấy những giáo huấn chung trong bất kỳ tôn giáo hay nền triết học nhân văn nào, đó là sự tử tế, quan tâm, yêu thương, v.v…, trở nên kiên nhẫn, rộng lượng, tha thứ. Mọi tôn giáo và mọi nền triết học nhân văn đều dạy những điều tương tự, và đạo Phật cũng thế.
Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng trong những mối quan hệ làm việc của chúng ta. Nếu bạn tử tế với những người cùng làm việc với bạn trong văn phòng (hoặc tử tế với nhân viên của mình, nếu bạn mướn người khác làm việc), thì toàn bộ công việc sẽ vận hành một cách trôi chảy hơn. Nếu bạn đang làm việc trong một cửa hàng và bạn tử tế, vui vẻ với khách hàng, thì bầu không khí làm việc sẽ dễ chịu hơn nhiều, có phải vậy không? Và nếu một người thành thật trong các giao dịch của mình – không lừa dối người khác và v.v… - thì cũng như thế, mọi việc sẽ tiến triển tốt hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cố gắng tạo ra lợi nhuận và kiếm sống, nhưng điểm cốt yếu là không tham lam lợi nhuận.
Và khi người khác lừa dối chúng ta – bởi vì không phải tất cả mọi người đều sẽ hành xử theo cách đề cập ở trên – thì bạn mong đợi điều gì? Nhưng trên quan điểm Phật giáo, ta sẽ không nói rằng đây là những người xấu; ta sẽ chỉ nói rằng họ vô minh. Họ vô minh. Họ không hiểu rằng hành động theo cách này sẽ chỉ gây ra nhiều và nhiều vấn đề hơn cho họ: sẽ không ai yêu thích họ. Do đó, họ là đối tượng của lòng bi mẫn chứ không phải là đối tượng của sự căm hận. Nếu ta xem họ là đối tượng của lòng bi mẫn và nhẫn nại với họ, thì ta sẽ không khổ não khi bị họ lừa dối, và sau đó, ta cố gắng cẩn thận hơn với những người kế tiếp, để không bị lừa dối lần nữa. Nhưng chúng ta mong đợi điều gì từ con người? Rất nhiều người gian lận như thế. Vì vậy, đó là thực tế. Việc cho rằng tất cả mọi người đều chân thật là một sự phóng tưởng. Không phải ai cũng chân thật cả! Nếu mọi người đều chân thật thì sẽ rất tốt, nhưng không phải ai cũng như thế. Vì vậy, ít nhất chúng ta có thể cố gắng làm người chân thật.
Những Người Không Phải Là Phật Tử Có Thể Sử Dụng Các Phương Pháp Này Không?
Hiện nay, chúng ta có phải đi theo con đường tâm linh Phật giáo nghiêm ngặt về thiền định, nghi thức và v.v…, để áp dụng những phương pháp này không? Không nhất thiết. Ta không phải theo đuổi một con đường tâm linh nghiêm ngặt, chuẩn mực để áp dụng tất cả những điều này. Đức Dalai Lama luôn nói về đạo đức thế tục và những giá trị nhân bản như trở nên tử tế, chánh niệm hơn, không ngây thơ, không phóng chiếu ảo tưởng, và v.v… Đây là những hướng dẫn chung mà bất kỳ ai cũng có thể làm theo.
Và khi nói về thiền định, chúng ta chỉ nói về một phương pháp để làm cho bản thân quen thuộc với cách suy nghĩ này, bằng cách ngồi xuống và cố gắng nghĩ như thế, và khi tâm ý của ta đi lang thang, thì hãy đưa nó trở lại. Bạn có thể làm điều đó trong khi ngồi thiền và tập trung vào một vị Phật hoặc hơi thở của mình, nhưng bạn cũng có thể làm điều đó khi đang đọc sách, đang nấu ăn, khi đang làm bất kỳ điều gì. Khi bạn đang nấu ăn, chỉ tập trung vào việc nấu nướng, và khi tâm có những ý nghĩ điên rồ, chỉ cần mang nó trở lại việc nấu ăn. Điều này không nhất thiết phải là một sự hành thiền trang trọng theo Phật giáo. Có nhiều, rất nhiều cách mà ta có thể làm cho mình quen thuộc với những cách suy nghĩ, hành động lợi lạc hơn và v.v…, mà không phải tham gia vào bất kỳ nghi lễ hay môi trường Phật giáo chính thức nào cả.
Vậy thì, đây là cách chúng ta ứng dụng Pháp – các biện pháp ngăn ngừa – để giúp ta tránh các vấn đề. Các bạn có câu hỏi gì không?
Hỏi và Đáp
Nhận Thức về Điều Gì Đang Xảy Ra Bên Trong và Bên Ngoài
Hỏi: Để tránh các vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng phải tập trung tinh thần không?
Alex: Để tránh các vấn đề, có phải lúc nào chúng ta cũng phải tập trung tinh thần không? Theo một ý nghĩa nào đó, điều này đúng. Nhưng đó không phải là hình ảnh trọn vẹn. Ví dụ, ta có thể rất tập trung vào việc la hét và đánh đấm một người nào đó, thế nhưng đó không phải là hình ảnh trọn vẹn. Ta cũng cần sự tỉnh thức theo ý nghĩa là ta cần nhận thức được điều gì đang diễn ra bên trong – những suy nghĩ, cảm xúc của mình, v.v… - và đồng thời, nhận thức và cảnh giác đối với những gì đang diễn ra xung quanh mình, với những người khác. Khi một người nào đó về đến nhà – một thành viên trong gia đình ta, hay một người thân yêu, hay bất cứ ai – bạn thấy rằng có lẽ họ rất mệt, rất là mệt. Bạn phải cảnh giác về điều đó. Đó không phải là lúc khởi đầu một cuộc thảo luận lớn với họ về điều gì quan trọng, vì họ đang mệt. Thế nên bạn sẽ luôn luôn muốn có sự tỉnh táo, chú tâm, tập trung vào những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bạn cần phải biết hoàn cảnh của người khác ra sao, chứ không chỉ hoàn cảnh của mình mà thôi.
Vì vậy, chúng ta không đi đến một cực đoan, chỉ nhận thức về bản thân mình và không nhận thức về người khác; hoặc rơi vào một cực đoan khác, chỉ chú ý đến người khác và không chú ý đến bản thân. Đó cũng là một cực đoan cần phải tránh. Nhiều người có hội chứng về việc không thể nói “không,” và vì thế, họ luôn luôn làm nhiều việc cho những người khác, cho gia đình họ hay bất kỳ ai, và rồi họ hoàn toàn mệt mỏi và kiệt sức đến nỗi suy sụp tinh thần hay trở nên phẫn nộ. Điều quan trọng là chú ý đến những cảm giác của mình cũng như chăm lo cho nhu cầu của chính mình. Khi chúng ta cần nghỉ ngơi, thì hãy nghỉ ngơi. Khi chúng ta cần nói, “Không, tôi xin lỗi; tôi không thể làm điều này. Nó quá sức của tôi. Tôi không có khả năng,” thì hãy nói “không.” Điều lý tưởng là nếu có thể thì nên đưa ra cho họ một số giải pháp khác, khi ta nói “không”. Bạn có thể đưa ra đề nghị nào đó như là: “Nhưng có lẽ người này có thể giúp bạn.”
Tóm lại, hãy tỉnh thức đối với mọi việc đang diễn ra, bên ngoài và bên trong, rồi áp dụng sự hiểu biết đúng đắn, lòng từ ái và bi mẫn.
Đối Phó với Sân Hận
Hỏi: Ông đã nói về việc quét nhà như một phương pháp đối phó với tâm sân hận và những cảm xúc tiêu cực khác, nhưng ông đã chỉ ra rằng đạo Phật có nhiều phương pháp sâu sắc hơn. Ông có thể đưa ra ít nhất một gợi ý là tôi có thể tìm những phương pháp này ở đâu không?
Alex: Câu hỏi là tôi đã nói về một số phương pháp rất thiển cận, tạm thời để đối phó với tâm sân – như khi các bạn có rất nhiều cảm xúc giận dữ bị dồn nén, thì việc lao động tay chân nặng nhọc có thể hữu ích, như lau rửa toàn bộ sàn nhà chẳng hạn – và tôi đã gợi ý rằng có những phương pháp sâu sắc hơn, vậy thì tôi có thể đề ra một vài cách này để đối phó với tâm sân hay không?
Nếu đi sâu hơn một chút, một cấp độ để đối phó với tâm sân hận là phát triển sự nhẫn nhục, khi chúng ta giận dữ với ai. Bây giờ, ta sẽ phát triển sự nhẫn nhục như thế nào? Có rất nhiều phương pháp, nhưng ví dụ như một phương pháp gọi là “nhẫn nhục có mục tiêu”: “Nếu tôi không dựng lên mục tiêu, thì không ai ném trúng nó cả.” Chẳng hạn, tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi và bạn làm không đúng. Xu hướng của tôi là sẽ nổi giận với bạn. Hoặc bạn đã không làm gì cả. Vì vậy lỗi là của ai? Thật ra đó là lỗi của tôi, vì tôi quá lười biếng nên không tự làm và tôi đã nhờ bạn làm việc ấy. Vậy thì tôi mong đợi cái gì? Khi bạn nhờ người khác làm điều gì đó, bạn mong đợi cái gì? Ví dụ, bạn nhờ một đứa bé hai tuổi mang cho bạn tách trà nóng và nó làm đổ trà. Tất nhiên là nó sẽ làm đổ trà. Thế thì cũng như vậy - chúng ta mong đợi cái gì khi ta nhờ ai đó làm điều gì cho mình?
Vì vậy, tôi nhận ra rằng thật ra, chính sự lười biếng của mình đã gây ra vấn đề. Bạn không cần phải nổi giận với người khác. Và tôi biết rằng khi tôi nhờ bạn làm điều gì cho tôi, thì đó là vì tôi quá lười biếng nên không tự làm –một là quá lười biếng, hay là không có thời gian, vì bất cứ lý do nào đó. Nhưng điểm cốt yếu là nếu tôi nhờ người khác làm việc đó, thì tôi không nên mong đợi họ sẽ làm một cách hoàn hảo – hoặc theo cách mà tôi sẽ làm, mà cuối cùng có thể cách của tôi cũng không đúng. Tôi cũng phạm sai lầm. Nếu tôi tự làm và mắc sai lầm thì không có lý do gì tôi lại nổi giận với chính mình. “Tôi không hoàn hảo – không ai hoàn hảo cả - vì vậy dĩ nhiên tôi sẽ phạm sai lầm.” Do đó, bạn chỉ cần chấp nhận thực tế. “Tôi là một con người; mà con người thì có thể làm sai: tôi đã phạm một sai lầm.” Và nếu tôi có thể sửa sai, thì tôi sẽ sửa. Tôi không nổi giận với chính mình. Nổi giận với bản thân là điều vô ích. Nếu được thì tôi chỉ cần sửa sai. Nếu tôi không thể sửa sai thì thôi vậy – cứ để nó như vậy và cố gắng không lặp lại sai sót trong tương lai.
Một cấp độ sâu sắc hơn nhiều để đối phó với tâm sân là hiểu biết thực tại về bản thân mình. Hiện tại, tôi đang nói về một cấp độ rất đơn giản, nhưng ngay cả ở cấp độ đơn giản ấy, nó vẫn hữu ích. “Tôi không phải là trung tâm của vũ trụ. Tại sao mọi việc phải luôn luôn theo ý của tôi? Tại sao? Tôi có gì đặc biệt mà lúc nào mọi việc cũng phải theo ý mình, thay vì theo ý người khác?” Với những tư tưởng như vậy, bạn bắt đầu phá hủy quan điểm vững chắc này về “tôi” là điều quan trọng nhất trong vũ trụ. “Cái tôi” vững chắc. Rồi dĩ nhiên bạn có thể phá hủy nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Khi bạn có quan điểm về “cái tôi” là điều vững chắc này ở đây và tôi phải luôn luôn được như ý, dĩ nhiên bạn sẽ nổi giận khi sự việc không xảy ra theo ý của mình, đúng không?
Đạo Phật nói rất nhiều về việc chúng ta tồn tại như thế nào và mọi người tồn tại ra sao. Chúng ta có tồn tại, nhưng chúng ta không tồn tại theo những cách bất khả này mà ta tưởng rằng mình đang tồn tại, chẳng hạn như một “cái tôi” bé xíu ngồi trong đầu tôi đang nói chuyện, và đó là tác giả của giọng nói trong đầu tôi. Dường như có một “cái tôi” bé xíu bên trong đang nói chuyện, phàn nàn rằng: “Tôi nên làm gì bây giờ? Ồ, tôi sẽ làm điều đó,” và sau đó thân thể của bạn cử động như một cái máy vậy. Nhưng đó là một ảo giác. Các bạn không thể tìm thấy một chút “cái tôi” nào bên trong cả, đúng không? Dù sao đi nữa thì tôi có tồn tại – tôi nói chuyện; tôi làm các việc. Vì vậy chúng ta phải gạt bỏ niềm tin của mình về những phóng tưởng này, vì nó có vẻ như phù hợp với thực tại. Nó dường như thế. Có giọng nói này đang lên tiếng, vậy thì phải có ai đó đang nói chuyện ở bên trong chứ.
Thế nên đạo Phật cung hiến rất nhiều trong toàn bộ lĩnh vực mà chúng ta gọi là “tâm lý học.”
Chăm Sóc Cơ Thể của Mình
Hỏi: Tôi có hai câu hỏi. Đầu tiên là: Liệu ông có thể nói thêm một chút về cách chăm sóc cơ thể hay không? Ông đã đề cập rằng chúng ta cần thư giãn cơ thể, nhưng có lẽ ta cần làm thêm vài điều nữa. Và câu hỏi thứ hai là: Nguồn gốc của tất cả những phóng tưởng này là gì? Ví dụ, người này đang nói chuyện bên trong đầu của chúng ta – vì sao điều đó xuất hiện?
Alex: Tất nhiên, có nhiều kỷ luật mà ta có thể ứng dụng cho sức khỏe thể chất. Ví dụ, nền y học Phật giáo mà các bạn tìm thấy trong truyền thống Tây Tạng có liên hệ rất nhiều đến việc cân bằng các năng lượng trong cơ thể. Nói chung, chế độ ăn uống và hành vi của mình ảnh hưởng rất nhiều đến các năng lượng và sức khỏe của chúng ta – hành vi như khi ra ngoài trời lạnh mà bạn không mặc đủ ấm, thì bạn sẽ bị bệnh. Chúng ta đang nói về loại hành vi ấy. Hoặc làm việc quá sức – loại hành vi này sẽ làm bạn bệnh.
Chúng ta cũng nỗ lực duy trì ý thức về tình trạng của cơ thể mình. Nội tâm của bạn càng trở nên tĩnh lặng bao nhiêu, thì bạn càng có ý thức cao bấy nhiêu, không chỉ về tình trạng của tâm mình mà còn về tình trạng năng lượng trong cơ thể bạn. Khi bạn để ý năng lượng của mình rất căng thẳng, ví dụ như – bạn có thể cảm thấy điều đó với mạch đập rất nhanh và v.v… - thì có những điều rất căn bản mà bạn có thể làm, thậm chí chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn. Chẳng hạn, chúng ta có thể ngừng uống cà phê và trà đậm, và có thể dùng những thực phẩm nặng bụng hơn để hạ năng lượng xuống, như thực phẩm béo – phô mai hay bất cứ món nào. Và hãy giữ ấm; đừng ra gió hay nơi nào có luồng gió. Đừng ở bên cạnh những máy móc có điện năng cao, kêu rít lên như thế này: “Bzzzzrrrrr”. Các thứ này sẽ làm rối loạn năng lượng nhiều hơn. Hãy ở trong một môi trường yên tĩnh. Thế nên có một cấp độ thực hành như thế.
Truyền thống Tây Tạng tự nó không nhấn mạnh vào những bài thể dục, hoặcloạivận động cơ thểtheo cách mà bạncó với võ thuật trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa hay Nhật Bản, chẳng hạn vậy. Nhưng tất nhiên là nhiều loại võ thuật khác nhau như thái cực quyền, khí công, đại loại như thế, có thể rất hữu ích. Chúng cũng là những phương pháp phát triển sự tập trung, thông qua chánh niệm về các cử động của bạn. Những bài thể dục mà người Tây Tạng tập thì vi tế hơn, liên quan đến việc vận hành các hệ thống năng lượng theo một cách khác, không phải theo phương pháp của võ thuật. Nó có cách thức khác một chút, thiên về yoga hơn. Như vậy, đó là cách các bạn chăm sóc cơ thể.
Nguồn Gốc của Giọng Nói trong Đầu Chúng Ta
Về nguồn gốc của giọng nói trong đầu ta, nó liên quan tới bản chất của tâm và hơi phức tạp một chút. Trong đạo Phật, khi nói về tâm, không phải ta đang nói về một vật nào đó. Chúng ta đang nói về hoạt động tinh thần, và hoạt động tinh thần ấy liên hệ với sự suy nghĩ, với tri kiến, với những cảm xúc. Nó vô cùng rộng lớn. Điều đang diễn ra trong hoạt động ấy chính là có sự sinh khởi của một loại tâm ảnh ba chiều (mental hologram) nào đó. Ví dụ, khi chúng ta nhìn thấy một cái gì đó, ánh sáng chạm vào võng mạc, gây ra những xung điện và phản ứng hóa học trong các tế bào thần kinh, kết quả là một loại tâm ảnh ba chiều nào đó phát sinh ra để phản ảnh một vật gì hiện ra như thế nào trong tâm ta. Nhưng đó thật sự là một tâm ảnh ba chiều. Nó xuất xứ từ tất cả những hóa chất và xung điện này.
Tuy nhiên, những ảnh ba chiều không chỉ là về thị giác. Các tâm ảnh này cũng có thể là tiếng động, như các từ ngữ. Chúng ta không nghe cả một câu trong cùng một lúc – bạn nghe từng phần nhỏ của nó, trong từng khoảnh khắc một –thế nhưng, có một tâm ảnh ba chiều của nguyên câu nói và bạn hiểu được nghĩa của nó. Tương tự như thế, có những tâm ảnh ba chiều dưới dạng của các cảm xúc, của các tư tưởng, và cũng có những tâm ảnh dưới dạng của lời nói – đó là giọng nói này. Những điều này chỉ sinh khởi thế thôi. Có một sự nhận thức nào đấy liên quan trong đó. Vì vậy, đó là ý nghĩa của sự nhìn thấy, hay suy nghĩ, hay cảm giác. Nó là như thế. Và hoạt động tinh thần ấy đang diễn tiến mà không có một “cái tôi” tách biệt khỏi nó đang theo dõi hay kiểm soát nó và khiến nó xảy ra. Nó chỉ diễn ra như thế. Thế rồi một phần của tâm ảnh ba chiều đó là những tư tưởng về “tôi” – “Giọng nói ấy là tôi.” Ai đang suy nghĩ? Tôi đang suy nghĩ. Không phải là bạn đang suy nghĩ – mà tôi đang suy nghĩ. Nhưng đó chỉ là một phần trong toàn bộ tiến trình của những bức ảnh ba chiều này thôi.
Nguồn gốc của giọng nói này trong đầu chúng ta là gì? Nó chỉ là một trong những đặc trưng của hoạt động tinh thần. Nó không nhất thiết là cách thức vận hành của toàn bộ hoạt động tinh thần. Giọng nói không diễn ra trong mọi lúc, và tôi hồ nghi về việc con giun đất đang suy nghĩ bằng giọng nói. Tất nhiên giun đất cũng có bộ não, có tâm thức, nhìn thấy các thứ và làm các việc.
Đúng ra, khi chúng ta nghĩ về điều đó thì nó bắt đầu trở nên rất thú vị. Một bức ảnh ba chiều về âm thanh của một giọng nói là một hình thức truyền đạt thông tin nào đó, có phải không? Nó là một loại hình thức của khái niệm để diễn đạt hoặc truyền thông một tư tưởng dưới dạng âm thanh tinh thần của các từ ngữ. Câu hỏi thú vị là: Một người nào đó bị điếc và câm bẩm sinh, và hoàn toàn không có khái niệm gì về âm thanh – vậy thì họ có giọng nói trong đầu họ không, hay họ suy nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu? Đó là một câu hỏi rất thú vị. Tôi chưa bao giờ tìm ra câu trả lời cho điều đó.
Thế thì dù đó là một giọng nói, ngôn ngữ ký hiệu, hay bất cứ điều gì – hay là cách con giun suy nghĩ – thì sự ảo giác là có một “cái tôi” tách biệt đằng sau nó, “cái tôi” ấy đang nói chuyện, đang ngồi ở bànđiều khiển, và thông tin đang hiện ra trên màn hình của đôi mắt, chúng có máy vi âm và chúng đang nói chuyện, rồi sau đó, chúng nhấn nút để tay và chân di chuyển. Đây hoàn toàn là một ảo giác. Nhưng nó là một loại ảo tưởng về “cái tôi” đang ngồi ở bàn điều khiển, vốn là đối tượng của ý nghĩ, “Ồ, người ta sẽ nghĩ gì về tôi?” và “Tôi nên làm gì đây?” Đó là những gì chúng ta lo lắng, về “cái tôi” này ở bàn điều khiển.
Khi chúng ta nhận ra rằng “cái tôi” này giống như một ảo giác, thì không có gì để lo lắng nữa. Chúng ta cứ nói, chúng ta cứ hành động. Dĩ nhiên đó là tôi: Tôi đang nói chuyện, tôi đang hành động. Và nếu người ta không thích điều đó, thì họ cứ việc không thích. Vậy thì đã sao? Đức Phật đã không làm vừa lòng tất cả mọi người. Không phải ai cũng thích Đức Phật, vậy thì tôi mong đợi điều gì cho tôi? Ta chỉ dùng sự hiểu biết, lòng từ ái và bi mẫn, rồi thì ta hành động. Nó là như vậy đó. Đừng lo lắng là: “Họ sẽ nghĩ gì về tôi?” Việc thực hành thì không đơn giản như cách nói về nó.
Kiểm Soát Bản Thân Khi Người Khác Đang Giận Dữ
Hỏi: Khi người khác nổi giận với chúng ta, làm cách nào để kiểm soát bản thân mình?
Alex: Điều cơ bản là ta xem họ như một đứa trẻ. Khi đứa trẻ hai tuổi nổi giận với ta, lúc ta nói rằng, “Đến giờ đi ngủ rồi”, và nó nói rằng, “Con ghét mẹ. Mẹ thật là đáng ghét”, rồi làm om sòm cả lên, thì ta có nổi giận không? Vâng, một số người sẽ nổi giận; nhưng đó chỉ là một đứa trẻ hai tuổi, thì bạn mong đợi điều gì? Bạn sẽ cố gắng làm cho đứa trẻ mới biết đi ấy bình tĩnh lại. Hãy nhẹ nhàng như cách bạn đối xử với một đứa trẻ hai tuổi. Hãy thử nghĩ xem: Bạn sẽ đối phó ra sao với một đứa trẻ hai tuổi như vậy? Thường thì khi một đứa trẻ hai tuổi đang làm trận quá đáng, nếu bạn ẵm nó lên, ôm và âu yếm nó, thì nó sẽ dịu xuống, có phải không? La hét nó chỉ khiến nó khóc nhiều hơn thôi. Vậy thì người lớn cũng tương tự như thế - họ là những đứa trẻ lớn xác.
Tôi nghĩ chúng ta có thể dừng ở đây. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Tóm Tắt Tiểu Sử của Alexander Berzin
Alexander Berzin sinh năm 1944 tại Paterson, New Jersey, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng Cử nhân năm 1965 của Khoa Nghiên Cứu Đông phương học, tại Đại Học Rutgers, liên kết với Đại Học Princeton. Ông nhận bằng Thạc sĩ năm 1967 và bằng Tiến sĩ năm 1972 của Khoa Ngôn Ngữ học Viễn Đông (Hoa ngữ) và Nghiên cứu Ấn ngữ cùng Phạn ngữ, tại Đại học Harvard. Từ năm 1969 đến 1998, ông sống lâu nhất ở Dharamsala, Ấn Độ, thoạt đầu như một học giả của chương trình Học Bổng Fulbright, nghiên cứu và tu tập với các đạo sư từ cả bốn truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Vị thầy chính của ông là Tsenzhab Serkong Rinpoche, Đạo Sư Đối Tác Tranh Luận và Trợ Giáo của Đức Dalai Lama. Ông phụng sự ngài như một thông dịch viên và thư ký trong chín năm, tháp tùng với ngài trong vài chuyến du hành khắp thế giới. Đôi khi, ông cũng phụng sự Đức Dalai Lama như một thông dịch viên.
Là một thành viên sáng lập Văn Phòng Phiên Dịch của Thư Viện Văn Học Tây Tạng và Văn Khố, ông Berzin đã khai triển một thuật ngữ học mới cho việc phiên dịch Tạng ngữ ra Anh ngữ, đặc biệt cho những danh từ Tạng ngữ chuyên môn thường bị hiểu sai lạc. Ông đã cộng tác với những thông dịch viên của nhiều ngôn ngữ khác, giúp họ tu chỉnh và phát triển thuật ngữ học của họ theo cùng các nguyên tắc trên.
Từ năm 1983, ông Berzin đã du hành vòng quanh thế giới, giảng dạy các khía cạnh đa dạng về thực hành và triết lý của Phật giáo, cũng như lịch sử Tây Tạng - Mông Cổ và lý thuyết chiêm tinh - y học, tại các trung tâm Phật giáo và trường đại học ở hơn bảy mươi quốc gia. Những chuyến đi của ông chủ yếu nhắm vào các thế giới cựu cộng sản và cộng sản hiện thời, Mỹ châu La tinh, Phi châu, Trung Á, và Trung Đông. Bên cạnh nhiều tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản của ông, nhiều bải giảng của ông đã được xuất bản bằng các ngôn ngữ địa phương ở những vùng nói trên.
Ông Berzin đã hoạt động như một thành viên liên lạc không chính thức của một vài dự án quốc tế về văn hóa Tây Tạng - Mông Cổ, như chương trình cứu trợ y học Tây Tạng dành cho các nạn nhân ở Chernobyl với Bộ Y Tế Nga và một dự án ở Mông Cổ của Gere Foundation, chuyên sản xuất sách Phật giáo bằng ngôn ngữ thông tục để giúp phục hồi nền văn hóa truyền thống của Mông Cổ. Ông cũng góp phần vào việc thiết lập và xúc tiến cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Hồi giáo.
Năm 1998, ông Berzin trở lại phương Tây để có điều kiện thuận lợi hơn cho việc viết lách. Đôi khi ông cũng đi xa và giảng dạy giáo pháp tại một số trung tâm Phật giáo, nhưng ông dành nhiều thời giờ nhất vào việc soạn thảo những tài liệu chưa xuất bản cho trang mạng Berzin Archives. Ông hiện đang sống ở thủ đô Bá Linh, nước Đức.
0 comments