Ốc đảo tự thân – Khai Thị Tâm Trí

ayya-khemaokPHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

Chương 1
Nương Trú Tam Bảo
Một Tình Cảm Yêu Thương

   Nương trú vào đấng Giác ngộ (Phật), vào giáo lý (Pháp) và các vị thánh đệ tử  (Tăng) có một ý nghĩa rất sâu xa.  Nương trú là tựa vào, ẩn náu ở một nơi an toàn.  Trên cõi đời này không có mấy nơi có thể đưọc coi là an toàn.  Đúng vậy, có thể nói khó tìm đưọc một nơi nương trú hoàn toàn yên ổn ở thế giới này.   Những chốn nương trú vật chất bên ngoài đều có thể bị tiêu hủy, phá hoại, biến mất.  Chỉ có Phật -Pháp-Tăng là nơi nương trú tinh thần vững chắc, một thiên đàng không có sóng gió.  Ngoài biển khơi, sóng, gió, bão tố làm cho con thuyền khó thể lứơt sóng.  Nhưng khi con thuyền đã tìm đưọc nơi trú ẩn ở bến cảng, nơi mặt nưóc yên tĩnh, có nghĩa là nó đã tìm đưọc chốn để thả neo.  Đó là ý nghĩa của sự nương trú vào Phật-Pháp-Tăng.

   Cuối cùng chúng ta cũng đã tìm đưọc nơi an trú: ở giáo lý dạy rằng mọi khổ đau, phiền não của chúng sanh đều có thể đoạn diệt.  Chắc chắn như thế.  Giáo lý, hay Pháp này đã đưọc Đức Thế Tôn nói, đã đưọc các vị đại đệ tử của Ngài quán chiếu.  Pháp Phật sẽ soi đường cho chúng ta.  Tăng ở đây hàm chỉ các vị đã đưọc giác ngộ dựa trên giáo lý của Phật, không cứ chỉ những người mặc áo tu.  Khi đã tin hiểu rằng phiền não có thể đưọc tiêu trừ, và tin rằng Phật pháp có thể giúp ta thực hiện đưọc điều ấy, thì sự an trú trong tam bảo càng thêm có ý nghĩa.

Tự  quy y Phật
Tự quy y Pháp. 
Tự quy y Tăng.

   Khi chúng ta chấp nhận quy y tam bảo, lòng ta sẽ tràn đây sự biết ơn, quy kính, dốc toàn tâm toàn lực đến Phật-Pháp-Tăng.  Chúng ta đầy lòng biết ơn vì nhờ đấy, phiền não của ta có thể đưọc đoạn trừ; ta nguyện đi trọn con đường Phật dạy; ta hàm ân những người đã dâng trọn cuộc đời cho Phật pháp.

   Quy y tam bảo là việc làm quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta.  Tất cả mọi hành động, mọi nghĩ suy của ta sau đó đều dựa vào, đều vì Phật-Pháp-Tăng.  Ta có thể vác bao tảng đá nặng trên vai vì tam bảo, mà vẫn thấy chúng nhẹ tênh.  Nhưng nếu ta phải làm công việc đó vì ai sai bảo, vì tiền bạc, thì ta sẽ thấy nặng nề, chán nản biết bao.  Ta sẽ sẳn sàng làm tất cả mọi việc vì lý tưởng cao đẹp nhất, giúp con người đưọc giải thoát lên một cõi tốt đẹp hơn.  Khi ta đã biết cuộc đời này có biết bao phiền não, khổ đau, ta sẽ sẳn sàng buông bỏ chúng.

   Tất cả chúng ta, những người đã quy y Tam bảo đều vui mừng đưọc an trú -với tất cả sự hiến dâng, lòng tràn đầy ân sủng, kính trọng- ở nơi Người đã đạt đến đỉnh cao nhất của trí tuệ, và Người đó đã sẵn lòng truyền dạy lại cho chúng ta con đường đi đến  đích giống như Người.

   Khi chúng ta cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn, kính trọng, phục nguyện thì lòng ta cũng đầy yêu thương.  Sự thương yêu và kính trọng luôn đi đôi với nhau trên con đường tâm linh.  Trong bất cứ mối liên hệ nào, cũng không thể thiếu những tình cảm này, riêng với các vấn đề tâm linh, thì tình cảm này lại càng cần thiết hơn vì nó liên quan đến sự hiện hữu của ta.  Ta cần phải dốc cả tâm trí vào đó.  Trí để hiểu biết và tâm để thương yêu, nếu không đưọc như thế thì ta cảm thấy khập khểnh như người đi một chân.  Sự hài hoà giữa tâm và trí giúp bưóc ta đi thêm vững chãi.

   Thiếu tinh tấn trong tu tập sẽ khiến ta sinh lòng chán nản, hoài nghi:  Không biết con đường đạo ta chọn theo có đúng không?  Tất cả những việc ta đang theo đuổi có ý nghĩa gì không?  Sao ta phải hành động khác với mọi người?  Lòng hoài nghi phát khởi vì chúng ta không đặt hết tình cảm vào việc tu tập, thực hành giáo lý của đức Phật.  Ta cần vững chãi, dốc hết cả tâm trí vào mọi hành động của mình.

   Trong thế giới loài người, chúng ta luôn bị phiền não bởi bao vấn đề, luôn gặp bao chưóng ngại, luôn sợ hãi cho chính bản thân và cho những người ta thương yêu.  Tìm đưọc một nơi an trú, một chốn nương thân trong những hoàn cảnh đó, là một điều quý báu.  Không ai có thể phủ nhận điều đó.

   Chúng ta gọi Phật-Pháp-Tăng là tam bảo (Tiratana) vì ta quí báu họ như những bảo vật.  Sự quí báu không ở báo thân của Đức Phật hay của tăng đoàn mà bởi những gì họ nhắc nhở ta nhớ đến, sự thức tỉnh Giác Ngộ, cao cả hơn tất cả những ham muốn, ước ao tầm thường của nhân loại.

   Biết nương trú nơi tam bảo không chỉ quí báu mà còn chứng tỏ là chúng ta đã có nghiệp lành.   Nhưng nhân lành chỉ kết quả ngọt khi chúng ta quy y Tam bảo với tất cả tấm lòng thành, chứ không phải bằng lời nói thôi.

   Phần đông chúng ta đều có kinh nghiệm yêu thương.  Ta biết cảm giác đó kỳ diệu thế nào.  Đến với Phật-Pháp-Tăng, chúng ta cũng có đưọc tình cảm phấn chấn đó, vì tất cả ở trong tim ta.  Vì tình thương ta dành cho Phật-Pháp-Tăng, bất cứ điều gì ta làm là làm cho Tam bảo, vì Tam bảo nên việc gì cũng thành dễ dàng.  Tinh tấn trở thành một điều tự nhiên, ta không cần một động lực nào thúc đẩy.  Vì ta có phương hướng, có niềm tin, tất cả mọi hành động  của ta đều xuất phát từ tấm lòng.

   Đức Phật đã dạy rằng ta có thể chấm dứt mọi khổ đau, phiền não trong ta, đoạn trừ đưọc mọi lo lắng, sợ hãi, bất an.  Khi đã chọn con đường đi đến giải thoát mọi khổ đau (dukkha), chúng ta sẽ tìm đưọc sự thanh tịnh để trở thành một bộ phận của tăng đoàn của Đức Phật.  Nếu chúng ta có thể hiểu việc nương trú, quy y Tam bảo với ý nghĩa như thế, thì việc làm đó mới thật sự mang lại lợi ích cho ta.

   Trí tuệ có ba cấp bậc.  Thứ nhất là sự hiểu biết ta có đưọc nhờ nghe, đọc.  Sau đó khi ta thấm nhuần những điều hiểu biết đó vào tâm, ta biến chúng thành ngọn đuốc soi sáng cho hành động, lời nói, ý nghĩ của ta.  Và cuối cùng khi mọi lời nói, việc làm, ý nghĩ của ta đã đưọc thanh tịnh hoá, thì ta sẽ đưọc trí tuệ vô lượng, đỉnh cao nhất của trí tuệ. 

   Tất cả chúng ta, ai cũng đã được  nhìn thấy hình tượng của Đức Phật.  Nhưng không ai thực sự biết đưọc, thấy đưọc Phật như thế nào vì lúc đó chưa có máy ảnh, chưa có ai vẽ lại hình ảnh của Ngài.  Các hình tượng bây giờ chỉ là biểu tượng của người nghệ sĩ về cái đẹp và lòng từ bi.

   Chúng ta do đó có thể tạo dựng hình ảnh của Đức Phật trong tâm mình, tùy theo cảm nhận của chúng ta về cái đẹp, và sự toàn vẹn.  Ta có thể tạo nên những hình ảnh đẹp nhất về Đức Phật trong ta.  Điều đó làm tăng trưởng tình thương cho bản thân, và cũng giúp ta thương yêu người khác, khi nhớ rằng có thể họ cũng mang trong lòng một hình ảnh về Đức Phật đẹp đẻ như thế.  Dầu ngôn ngữ, hình dạng của họ có khác ta, họ vẫn mang trong tim bản tánh thiện.

   Nếu chúng ta không thực tập yêu thương những người ta tiếp xúc hằng ngày, ta đã bỏ phí đi bao niềm vui trong đời.  Nếu chúng ta có tâm rộng lượng, cởi mở, ta sẽ luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. 

   Hơn thế nữa, khi chúng ta dành tình thương của mình cho tam bảo, ta sẽ không bao giờ cảm thấy thất vọng, khổ đau như với những tình yêu thế tục.  Người ta yêu sẽ không quay lưng hay phụ tình ta.  Tình thương ta dành cho Tam bảo, cũng không phải là thứ tình yêu hời hợt, nông cạn, càng kính tin Tam bảo, bao chân trời hy vọng càng mở rộng ra trước mắt ta.  Khi chúng ta giác ngộ giải thoát, thì tâm chúng ta chính là tâm của Phật-Pháp-Tăng.

   Tình cảm ta dành cho Tam bảo luôn bền vững, dài lâu, vì nó không phụ thuộc vào việc đối tượng phải ở mãi với chúng ta, phải luôn hoàn hảo trong mắt ta.  Đó là một mối liên hệ toàn bích, khó thể tìm trong thế giới loài người này hay ở một cõi nào khác.  Chúng ta thật may mắn biết bao có đưọc duyên lành:  Quy y Tam bảo.

   Chúng ta cần phải biết ơn nghiệp lành đã khiến ta có mặt ở đây, giây phút này.  Chánh pháp luôn hỗ trợ cho người hành pháp.  Chúng ta đưọc bảo vệ vì hành động của ta hướng thiện, vì ta đã tìm đưọc con đường đưa đến giải thoát.  Đó là sự an trú duy nhất ta có thể tìm đưọc.

Chương 2
Pháp Của Đấng Giác Ngộ

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp mới đưọc gặp 
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn

   Câu đầu của bài kinh này nói lên lòng tin chân thật vào Pháp -không phải là một lòng tin mù quáng, không xét suy, nhưng là một liên hệ tâm linh đầy tin cậy.  Khi chúng ta trung thành với ai, đó là vì ta tin tưởng vào người đó, ta dâng hiến cả cuộc đời mình cho người đó, mở lòng mình ra vì người đó.  Điều này càng đúng hơn khi chúng ta đặt niềm tin vào Phật Pháp.  Ngay cả khi có những điều ta chưa hoàn toàn hiểu, ta vẫn không suy suyển lòng tin.

   Pháp Phật sâu mầu làm sao.  Đó là những định luật thiên nhiên ở quanh ta, trùm phủ ta.  Nếu ta có thể cảm nhận đưọc Pháp là sâu mầu, vẹn toàn, thì ta là người may mắn biết bao vì ta còn tìm ra đưọc trong vũ trụ này một điều hoàn toàn duy nhất.   Ngoài ra không có gì hoàn hảo, cũng không có gì gần đến chỗ hoàn hảo.  Nếu ta có thể đặt hết cả lòng tin yêu vào Pháp, tin tửơng mãnh liệt vào sự sâu mầu, hoàn hảo của Pháp thì ta đã tìm ra đưọc những gì không thể so sánh, nghĩ bàn.

   Nhưng hiểu đưọc nghĩa của Pháp hoàn toàn tùy thuộc vào từng cá nhân.  Dù Phật đã giảng Pháp bằng lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh, nhưng mỗi người phải tự hiểu bằng chính cái nhìn nội tâm của mình.

   “Trăm ngàn muôn kiếp” có nghĩa là không bao giờ ta có thể quên Phật pháp, ta cảm nhận Pháp trong từng giây phút sống.  Sự cảm nhận này giúp ta kiểm soát từng hành động, lời nói của mình trước khi chúng trở thành lời nói, hành động không hay.  Khi chúng ta nhận thấy mình có những tánh thiện, hãy nuôi dưỡng, vun trồng chúng; với tánh xấu, phải chuyển đổi, thay bằng tánh tốt.   Khi ta tin và nghĩ tất cả mọi suy nghĩ của mình đều đúng, tức là ta không biết Pháp.  Không có gì hoàn toàn đúng, chỉ là những cái đến, rồi đi của mọi việc.

   Ta cũng không cần Đức Phật phải còn tại thế mới có thể hành theo giáo lý của Ngài.  Có người cảm thấy cần phải tìm đưọc thầy tốt hay pháp tu hoàn hảo, mới có thể tu đưọc.  Điều đó khó thể có đưọc.  Các Pháp thay đổi không ngừng, không có gì cố định.  Khi ta bám víu vào đó, coi chúng là ngã, hay ngã sở, thì ta sẽ nghe theo bất cứ điều gì tâm sai bảo ta, không phân biệt phải trái.  Ta sẽ bám víu vào thân, cảm thọ, suy tưỏng, coi đó là ta, là của ta.  Điều ta cần làm là hãy nép qua một bên, làm người quan sát tất cả mọi chuyển biến trong ta.

   Hiểu được Pháp, ta sẽ biết hướng vào nội tâm.  Khi ta đến với Phật pháp, không phải là để chiêm ngưỡng chánh điện, bái lạy hình tượng Phật lộng lẫy trên tòa sen mà là để cảm nhận vạn pháp sâu mầu tràn dâng trong ta.  Cấu uế cũng như sự thanh tịnh đầy trong tâm trí ta.  Các pháp, là các vị thầy của ta, đều đến rồi đi, chẳng bao giờ dừng.  Tất cả những giờ phút tỉnh thức của ta đều có thể là những vị thầy truyền pháp cao siêu, nếu ta biết nhìn chúng như thế.

   Tâm ta luôn bận rộn nhớ tưởng, dự tính điều này, điều nọ, mơ mộng, phán đóan.  Chúng ta cũng có thể khiến thân mình bận rộn như thế bằng cách khiến nó lượm những hòn đá nhỏ, liệng xuống hồ nước cả ngày như thế.  Nhưng với thân, ta thấy làm thế là vô ích, lãng phí sức lực, nên ta khiến nó làm những việc lợi ích hơn.  Ta cũng có thể làm như thế với tâm.  Thay vì suy nghĩ điều này, thứ kia, khiến cho bao phiền não trổi dậy, ta cần hướng tâm đến những việc làm hữu ích hơn, như là quán chiếu về những cái ta ghét, những thứ ta thương, các ái dục, cũng như lòng sân hận, tư tưởng, quan điểm của ta, soi rọi lại chính bản thân mình.

   Khi tâm tự quán chiếu, nó không tạo tác các pháp.  Nó không thể làm cả hai việc cùng một lúc.  Và càng tự quán sát, tâm càng trở nên khách quan hơn.  Đó là lý do tại sao Đức Phật  dạy rằng chánh niệm là phương pháp hữu hiệu nhất để thanh tịnh hóa tâm.  Sự quán sát rõ ràng, không ngừng nghỉ về các hiện tựơng (pháp) dấy khởi trong tâm, dần dần sẽ cho ta thấy chúng chỉ là kết quả của những biến động của thân tâm.  Nhưng muốn được như thế ta phải là một quan sát viên cần mẫn, nếu không ta sẽ khó thể nhận biết những khía cạnh này của thân tâm, và sẽ không thể biết pháp luôn chuyển hóa, dù ta đã bước vào con đường đạo.

   Hơn nữa, mỗi người phải tự cảm nhận Phật Pháp cho riêng mình.  Chúng ta có thể đọc tụng kinh điển, nghe thuyết giảng, nhưng nếu ta không tự thân theo dỏi, quán sát những sự ứng hiện của vạn pháp, ta sẽ không thể hiểu Pháp của Đức Phật.  Vì pháp chỉ có thể đưọc hiểu bằng nội tâm sâu lắng của riêng mỗi chúng sanh.  Mỗi người phải tự trãi qua kinh nghiệm đó.  Thiền quán giúp ta soi rõ nội tâm để biết tại sao ta ưa thích điều này, ghét bỏ điều kia.  Chỉ có như thế mới giúp ta hiểu đưọc pháp.  Thiền quán cũng giúp ta có khái niệm rõ ràng về vô thường (anicca), vì những điều ta thích hay không thích đều luôn thay đổi.  Ta sẽ thấy cả thân và tâm đều làm ta đau khổ (dukkha).

   Khi tâm ta không vận hành bằng một sự tỉnh thức trong sáng, thấu đáo, nó sẽ tạo nên đau khổ.  Chỉ có những tâm trong sạch, không tính toán là tránh đưọc nhiều phiền não, khổ đau.  Thân có thể gây đau khổ cho ta bằng nhiều cách vì thân không bao giờ chịu ngồi yên.  Biết rõ điều đó, sẽ cho ta thêm nghị lực để tự tìm hiểu pháp cho chính mình.

   Trí tuệ phát xuất từ bên trong, bằng chính những kinh nghiệm hiểu biết của bản thân mỗi người.  Chỉ có kiến thức hay nghe từ người khác không chưa đủ.  Trí tuệ cũng đồng nghĩa với sự trưởng thành, nhưng không do tuổi tác đem lại.  Tuy rằng một số kinh nghiệm sống cũng có ích, nhưng không phải là điều kiện tất yếu.  Trí tuệ là sự hiểu biết của nội tâm, tạo cho ta niềm tự tin.  Ta không cần phải có sự tán thán, khen thưởng của bất cứ ai; chỉ tự chính ta biết mình như thế.

   Đi theo con đường Đạo cũng giống như đi trên sợi dây cheo leo.  Ta phải khéo léo để giữ cân bằng, vì mỗi lần hụt bước là mỗi lần nguy hiểm cho tánh mạng.  Khi mới bắt đầu, ta còn chưa biết cách giữ thăng bằng.  Ta nghiêng qua ngã lại, quay bên nọ bên kia.  Ta cảm thấy bị hạn chế, gò bó trên sợi dây đó, không đưọc sống, chạy nhảy theo ý mình.  Vì để đi đưọc trên sợi dây đó, ta cần rất nhiều chánh niệm.  Những sự ràng buộc lúc đầu khiến ta cảm thấy khó chịu, nhưng sau này nó giúp ta đi được trọn con đường.

Cũng thế, muốn giữ đưọc chánh pháp trong tâm, ta cần phải luôn thức tỉnh.  Sự tỉnh thức đó giúp ta nhận ra ‘Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn”.  Không có của cải thế gian nào có thể sánh với giá trị của Phật pháp.  Và mỗi chúng ta đều có thể làm chủ của báu vật vô giá này.  Chúng ta có duyên lành mới được gặp Phật pháp.  Mỗi sáng khi thức dậy, hãy tự nhắc nhở mình rằng:  Do duyên lành từ nhiều kiếp, tôi mới được tu học theo giáo lý của Đức Phật.

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-8063_5-50_6-1_17-543_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark

Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang