Vấn Đạo Ngài Ajahn Chah

VẤN  ĐẠO NGÀI  AJAHN  CHAH
(Questions & Answers with Ajahn Chah)
Sưu tập:  The Sangha,  Bung Wai  Forest Monastery (Wat Pah Pong), Thailand 
Việt dịch : Trần Như Mai

Lời giới thiệu của người dịch : Ngài Ajahn Chah ( 1918-1992)  là một trong những vị thiền sư danh tiếng và được kính trọng bậc nhất ở Thái Lan. Ngài thọ giới Tỷ-kheo vào tuổi 20, theo truyền thống khổ hạnh Sơn Lâm (Forest Sangha), thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy. Ngài tu tập dưới sự hướng dẫn của một số thiền sư danh tiếng đương thời, trong đó Ngài Ajahn Mun là vị thầy có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với ngài. Sau nhiều năm hành đạo   trong các vùng rừng núi như một vị du tăng, cuối cùng Ajahn Chah dừng chân để thiết lập tu viện Wat Pah Pong tại một vùng quê thuộc miền Đông Bắc Thái Lan. Ngài trở thành một vị thiền sư danh tiếng thế giới qua đường lối tu tập theo truyền thống khổ hạnh của những vị khất sĩ trong rừng. Ngài đã thu hút một số tu sĩ Tây phương theo học với ngài, và đến năm 1975 ngài thiết lập Tu viện Wat Pah Nanachat dành cho thiền sinh Tây phương, cách tu viện Wat Pah Pong không xa, do vị đại đệ tử người Mỹ của ngài là Ajahn Sumedho làm trụ trì.  Năm 1979, chi nhánh tu viện đầu tiên theo truyền thống của ngài là Chithurst Buddhist Monastery được thiết lập tại Sussex, Anh quốc. Ngài Ajahn Chah cũng đã từng đi hoằng pháp ở Âu châu, Bắc Mỹ, Canada và Anh quốc.  Ngày nay có hơn 200 chi nhánh tu viện của ngài khắp Thái Lan , 15 chi nhánh và 10 Trung tâm tu học dành cho Phật tử ở nhiều nước  trên thế giới. Lời giảng dạy của ngài được các đệ tử sưu tập và xuất bản, và được các Phật tử đón nhận như là cẩm nang tu hành theo truyền thống khổ hạnh Sơn Lâm, thuộc Phật giáo Nguyên Thủy.  Những tuyển tập các bài pháp thoại nổi tiếng của ngài  là :  Mặt Hồ Tĩnh Lặng (A Still Forest Pool), Hương Vị Giải Thoát (A Taste of Freedom), No Ajahn Chah  (Không Có Ajahn Chah), Thấy Đạo ( Seeing the Way), Con Đường An Lạc ( The Path to Peace)….

Sau đây là tập hợp một số câu hỏi các thiền sinh Tây phương  và một số thiền sinh khác đã tham vấn ngài Ajahn Chah, do chư tăng Chùa Bung Wai, thuộc Tu viện Wat Pah Pong - Thái Lan tuyển chọn và ấn hành, được đăng tải trên trang mạng BuddhaNet’s Magazine Articles.

________________________

Hỏi : Bạch Thầy, con đã nỗ lực hết sức trong thiền tập, nhưng hình như kết quả chẳng đi đến đâu cả.

Ajahn Chah : Điều này rất quan trọng. Đừng cố gắng đi đên đâu trong thiền tập. Chính cái ham muốn được giải thoát và giác ngộ sẽ là dục vọng ngăn cản bạn đi đến giải thoát. Bạn có thể nỗ lực hết sức như bạn muốn, hành trì đêm ngày, nhưng nếu tâm bạn vẫn còn ham muốn đạt đến một điều gì, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy an tịnh. Năng lượng của ham muốn này sẽ là nguyên nhân tạo ra nghi ngờ và bất an. Cho dù bạn hành thiền lâu dài và tinh tấn đến đâu đi nữa, trí tuệ không bao giờ khởi sinh từ lòng ham muốn. Bởi vậy, chỉ cần buông xả. Hãy quan sát thân và tâm với sự tỉnh thức nhưng đừng cố gắng đạt một cái gì cả. Thậm chí đừng dính mắc với việc tu tập để được giác ngộ.

Hỏi : Còn vấn đề giấc ngủ thì sao ? Con nên ngủ bao lâu ?

Ajahn Chah : Đừng hỏi tôi, tôi không thể trả lời được. Đối với một số người thì ngủ trung bình 4 giờ một đêm là tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải quan sát và tự biết mình. Nếu bạn cố gắng ngủ quá ít, cơ thể sẽ cảm thấy không thoải mái và sẽ khó duy trì được chánh niệm. Còn ngủ quá nhiều sẽ đưa đến một cái tâm uể oải lờ đờ. Hãy tìm sự quân bình tự nhiên cho chính mình. Cẩn thận quan sát thân tâm và theo dõi nhu cầu giấc ngủ của bạn cho đến khi bạn tìm được mức độ tốt nhất cho mình. Nếu bạn thức dậy sớm và rồi sau đó lại  rơi vào giấc ngủ ngắn ban ngày, thì đó là điều phiền trược. Hãy thiết lập chánh niệm ngay khi bạn thức giấc.

Hỏi : Còn vấn đề ăn thì sao ? Con nên ăn bao nhiêu ?

Ajahn Chah : Hãy xem thức ăn của bạn như là thuốc vậy. Có phải bạn đã ăn quá nhiều đến nỗi bạn chỉ cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn và có phải bạn đang càng ngày càng mập ra ? Hãy dừng lại, quan sát thân và tâm của chính mình. Không cần phải nhịn ăn! Thay vào đó, hãy thử nghiệm với số thực phẩm bạn ăn và tìm ra sự quân bình tự nhiên cho cơ thể bạn. Đặt tất cả thức ăn vào bình bát theo cách hành trì của chư tăng, rồi bạn có thể dễ dàng xét đoán được số lượng thực phẩm bạn cần dùng. Tự quan sát mình thật kỹ trong khi ăn và tự biết chính mình. Điểm cốt lõi trong việc hành trì của chúng ta chỉ có thế. Không cần phải làm gì đặc biệt cả. Chỉ việc quan sát. Quan sát chính mình. Quan sát tâm. Rồi bạn sẽ biết mức quân bình tự nhiên cho việc hành trì của chính mình.

Hỏi : Có phải tâm của người Á châu khác với tâm của người Tây phương ?

Ajahn Chah : Căn bản là không. Nhìn bên ngoài thì phong tục tập quán và ngôn ngữ  có vẻ như khác nhau, nhưng tâm con người có những đặc tính tự nhiên giống nhau đối với tất cả mọi dân tộc. Tham dục và sân hận đều giống nhau trong tâm của một người Á đông hay người Tây phương. Đau khổ và sự chấm dứt đau khổ cũng giống nhau đối với tất cả mọi người.

Hỏi : Có nên đọc thật nhiều và nghiên cứu kinh điển như một phần của việc hành thiền ?

Ajahn Chah : Chúng ta không thể tìm thấy Phật pháp trong kinh sách. Nếu bạn thật  sự muốn tự mình thấy được những gì Đức Phật đã thuyết giảng, bạn không cần phải bận tâm đến kinh sách. Hãy quan sát tâm của bạn. Quan sát để thấy cảm thọ sinh diệt như thế nào, các niệm sinh diệt như thế nào. Đừng dính mắc với bất cứ cái gì. Chỉ cần tỉnh giác về bất cứ điều gì đang xảy ra. Đây là con đường đi đến chân lý của Đức Phật. Hãy tự nhiên. Mọi việc bạn làm trong cuộc sống đều là cơ hội để hành thiền. Tất cả đều là Pháp. Khi bạn làm việc nhà, hãy cố gắng tỉnh thức. Nếu bạn đi đổ ống nhổ hay chùi nhà vệ sinh, đừng cảm thấy rằng bạn đang ban ân huệ cho ai đó. Đổ ống nhổ cũng là Pháp. Đừng nghĩ rằng chỉ khi nào  bạn ngồi yên lặng với chân bắt chéo mới là hành thiền. Một số bạn đã than phiền là không có đủ thì giờ để thiền. Vậy bạn có đủ thì giờ để thở không ? Thiền chính là sự tỉnh thức, tự nhiên trong bất cứ việc gì bạn làm.

Hỏi : Tại sao chúng con không được tham vấn hằng ngày với quý thầy ?

Ajahn Chah : Khi nào các bạn cần hỏi gì, các bạn cứ tự nhiên đến hỏi quý thầy bất cứ lúc nào. Nhưng chúng ta không cần tham vấn hằng ngày ở đây. Nếu tôi trả lời mọi câu hỏi vụn vặt của bạn, bạn sẽ không bao giờ hiểu được tiến trình của sự hoài nghi trong tâm mình. Điều cần thiết là bạn phải biết quan sát chính mình, tự vấn chính mình. Mỗi vài ngày bạn hãy lắng nghe cẩn thận các bài thuyết giảng, rồi so sánh lời giảng ấy với việc hành thiền của bạn. Chúng có giống nhau không ? Chúng có khác nhau không ? Tại sao bạn có những điều hoài nghi ? Ai đang hoài nghi ? Chỉ bằng cách tự quan sát bạn mới có thể hiểu được.

Hỏi : Đôi lúc con quan ngại về vấn đề giới luật của tỷ kheo. Nếu con vô tình giết chết côn trùng, như vậy có mang tội không ?

Ajahn Chah : Giới luật (sila) là cần thiết cho việc tu tập của chúng ta. Nhưng các bạn không nên bám chặt vào giới luật một cách mù quáng. Trong vấn đề giết thú vật hay vi phạm các giới luật khác, điều quan trọng là sự cố ý. Hãy tự biết tâm của mình. Bạn không nên quan ngại quá mức giới luật của Tỷ kheo. Nếu giới luật được sử dụng đúng đắn, nó hổ trợ cho việc tu tập, nhưng có một số tu sĩ quá lo âu với các giới luật nhỏ nhặt đến nỗi họ không thể ngủ yên. Giới luật không phải để mang theo bên mình như một gánh nặng. Trong việc tu tập của chúng ta ở đây, nền tảng là giới luật, giới luật đúng đắn cọng với những qui định và việc hành trì  của Tỷ kheo. Sẽ có lợi ích lớn nếu chúng ta luôn luôn tỉnh giác và thận trọng đối với những qui định hổ trợ cũng như 227 giới căn bản. Giới luật làm cho cuộc sống chúng ta rất đơn giản. Không cần phải băn khoăn về việc phải hành xử như thế nào, nhờ vậy bạn khỏi cần phải suy nghĩ và thay vào đó chỉ cần tỉnh thức. Giới luật cho phép chúng ta sống chung hòa hợp, và tăng chúng vận hành mọi việc êm xuôi.  Nhìn bên ngoài mọi người có dáng vẻ và động tác giống nhau. Giới luật và đức hạnh là bậc thang để tiến lên định và tuệ. Bằng cách áp dụng đúng đắn những qui định và giới luật Tỷ kheo, chúng ta bắt buộc phải sống đơn giản, giới hạn những vật sở hữu. Như vậy ở đây chúng ta thực hiện đầy đủ việc tu hành theo lời  Phật dạy : không làm các điều ác, hãy làm các việc lành, chỉ sống đơn giản với những nhu cầu căn bản, giữ tâm ý thanh tịnh. Nghĩa là, tỉnh giác với thân và tâm trong mọi tư thế : đi, đứng, nằm, ngồi, và tự biết chính mình.

Hỏi : Con có thể làm gì về vấn đề  hoài nghi ? Đôi lúc con rất khổ sở vì bị ám ảnh bởi những  hoài nghi về việc hành thiền, về sự tiến bộ của chính mình, hay về vị thầy.

Ajahn Chah : Hoài nghi  là điều tự nhiên. Mọi người đều khởi đầu bằng sự hoài nghi. Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ các hoài nghi. Điều quan trọng là bạn không nhận diện mình với những hoài nghi ấy, nghĩa là đừng mắt kẹt trong đó. Việc này sẽ làm tâm bạn xoay trong các vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt. Thay vào đó, hãy theo dõi toàn bộ diễn tiến của hoài nghi, của thắc mắc. Hãy xem ai đang hoài nghi. Xem các hoài nghi ấy sinh diệt như thế nào. Rồi bạn sẽ không còn là nạn nhân của những hoài nghi ấy nữa. Bạn sẽ đứng bên ngoài  hoài nghi và tâm của bạn sẽ được an tịnh. Bạn sẽ thấy các tất cả các niệm sinh diệt như thế nào. Chỉ cần buông xả những gì bạn đang dính mắc. Hãy buông xả các mối hoài nghi và chỉ cần quan sát theo dõi chúng. Đây là cách để chấm dứt hoài nghi.

Hỏi : Còn các phương pháp hành thiền khác thì sao ? Lúc này hình như có quá nhiều vị thầy và quá nhiều hệ thống thiền tập khác nhau đến nỗi chúng con cảm thấy hoang mang ?

Ajahn Chah : Cũng giống như đi xuống phố. Người ta có thể đi xuống phố từ phía bắc, phía đông nam, hay từ nhiều con đường khác nhau. Thường thì những hệ thống đó chỉ khác nhau bên ngoài. Dù bạn đi đường này hay đường kia, nhanh hay chậm, nếu bạn giữ vững chánh niệm thì tất cả đều giống nhau. Có một điểm chính yếu mà tất cả các phương pháp thiền tập tốt cuối cùng đều phải hướng đến – đó là không dính mắc.  Cuối cùng thì tất cả hệ thống thiền tập đều phải được buông xả. Thiền sinh cũng không dính mắc với vị thầy. Nếu một hệ thống thiền tập hướng đến buông xả, không dính mắc, thì đó là một phương pháp tu tập đúng. Bạn có thể mong muốn du hành đây đó để  thăm viếng các vị thầy khác và thử thực hành các hệ thống khác. Một số các bạn đã làm như vậy. Đây là một mong muốn tự nhiên. Bạn sẽ khám phá ra rằng với cả ngàn câu hỏi được đặt ra và kiến thức về nhiều hệ thống khác nhau sẽ không mang lại chân lý cho bạn. Cuối cùng bạn sẽ cảm thấy buồn chán. Bạn sẽ thấy rằng chỉ bằng cách dừng lại và quan sát tâm của mình bạn mới có thể tìm thấy những gì Đức Phật đã dạy. Không cần phải đi tìm bên ngoài bạn. Cuối cùng bạn phải trở về trực diện với bản tâm của mình. Ở đấy bạn mới có thể hiểu được Pháp.

Hỏi : Rất nhiều lần con thấy hình như nhiều vị sư ở đây chẳng tu tập gì cả. Họ có vẻ cẩu thả và không giữ được chánh niệm. Điều này đã làm con rất phiền muộn.

Ajahn Chah : Quan sát phê phán người khác là không đúng. Điều này chẳng giúp ích gì cho việc hành thiền của bạn cả. Nếu bạn cảm thấy bực mình, hãy theo dõi sự bực mình ấy trong tâm bạn. Nếu giới luật của kẻ khác không tốt hoặc nếu những vị sư ấy không tốt, thì đó không phải là công việc của bạn để phê phán họ. Bạn sẽ chẳng tìm thấy trí tuệ từ việc quan sát người khác. Giới luật Tỷ-kheo là một dụng cụ để sử dụng cho việc hành thiền của bạn. Đó không phải là vũ khí bạn dùng để chỉ trích hay bắt lỗi người khác. Không ai có thể tu tập thay cho bạn, cũng như bạn không thể tu thế cho bất cứ ai. Chỉ cần tỉnh giác với những việc bạn làm. Đó là cách tu tập đúng đắn.

Hỏi : Con đã hết sức thận trọng trong việc thực hành chế ngự các căn. Con luôn luôn nhìn xuống và giữ chánh niệm với từng hành động nhỏ của mình. Thí dụ, khi ăn, con mất nhiều thì giờ và cố gắng theo dõi từng động tác : nhai, nếm, nuốt…vv.  Con thực hành mỗi động tác rất ý tứ và thận trọng. Con tu tập như vậy có đúng không ?

Ajahn Chah : Chế ngự các căn là việc tu tập đúng đắn. Chúng ta phải tỉnh giác về việc này suốt ngày, nhưng đừng quá mức ! Hãy đi đứng, ăn uống và hành động một cách tự nhiên. Và rồi phát triển chánh niệm tự nhiên về những gì đang xảy ra trong tâm bạn. Đừng thúc ép việc hành thiền hay tự ép mình vào những khuôn mẫu vụng về. Đây cũng là một hình thức của tham ái. Hãy kiên nhẫn. Kiên trì và nhẫn nhục chịu đựng là cần thiết. Nếu bạn hành động tự nhiên và luôn luôn tỉnh giác, trí tuệ sẽ đến một cách tự nhiên.

Hỏi : Con có cần ngồi thiền trong những khoảng thời gian rất dài không ?

Ajahn Chah : Không, ngồi hằng giờ liên tục không cần thiết. Một số người nghĩ rằng bạn càng  ngồi lâu thì trí tuệ bạn càng sáng tỏ. Tôi đã từng thấy gà mái ngồi trên ổ của chúng cả mấy ngày liên tục ! Trí tuệ đến từ sự tỉnh giác trong mọi tư thế. Việc hành thiền của bạn nên bắt đầu ngay từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng.  Và việc này phải tiếp tục cho đến khi bạn đi ngủ. Đừng quan tâm về việc bạn có thể ngồi bao lâu. Điều quan trọng chỉ là ở chỗ bạn giữ vững chánh niệm, dù bạn đang làm việc hay ngồi hay đi vào phòng tắm. Mỗi người có một nhịp độ sinh hoạt tự nhiên của riêng mình. Trong số các bạn, có người sẽ chết ở tuổi năm mươi, có người ở tuổi sáu lăm, có người ở tuổi chín mươi. Cũng vậy, việc hành thiền của các bạn sẽ không giống nhau. Đừng suy nghĩ hay lo âu về chuyện này. Hãy cố gắng tỉnh giác và để mọi việc diễn tiến một cách tự nhiên. Rồi tâm của bạn dần dần lắng yên  trong mọi hoàn cảnh. Tâm của bạn sẽ tĩnh lặng như mặt nước hồ trong vắt trong khu rừng thanh vắng. Rồi tất cả mọi loài thú quí hiếm kỳ diệu sẽ đến uống nước trong hồ. Bạn sẽ thấy rõ ràng bản chất của vạn pháp trong thế giới này. Bạn sẽ thấy nhiều pháp tuyệt diệu và lạ kỳ sinh rồi diệt. Nhưng tâm bạn vẫn tĩnh lặng. Nhiều vấn đề sẽ khởi sinh và bạn sẽ nhìn thấy thấu suốt mọi chuyện ngay tức khắc. Đây là hạnh phúc của một Bậc Giác Ngộ.

Hỏi : Con vẫn còn rất nhiều vọng niệm. Tâm của con cứ chạy lăng xăng mãi cho dù con vẫn cố gắng giữ chánh niệm.

Ajahn Chah : Đừng lo âu về chuyện này. Cố gắng giữ tâm bạn vào giây phút hiện tại. Cho dù có niệm gì khởi lên trong tâm, chỉ cần theo dõi nó. Hãy buông xả ngay. Thậm chí đừng mong ước thoát khỏi mọi niệm. Rồi tâm của bạn sẽ đạt đến trạng thái tự nhiên. Đừng phân biệt tốt hay xấu, nóng hay lạnh, nhanh hay chậm. Không có tôi cũng không có bạn, không có cái ngã nào cả. Cứ xem tất cả sự vật đúng như chúng đang hiện hữu. Khi bạn đi khất thực, không cần làm điều gì đặc biệt. Chỉ cần đi và nhìn những gì trước mặt. Không cần phải bám chặt vào lối sống cô lập hay ẩn cư. Cho dù ở đâu, hãy tự biết chính mình bằng cách sống tự nhiên và theo dõi mọi niệm. Nếu nghi ngờ khởi lên, hãy theo dõi chúng đến  rồi đi. Điều này rất đơn giản. Đừng giữ lại cái gì cả. Cũng giống như bạn đi xuống một con đường, thỉnh thoảng bạn sẽ gặp một vài chướng ngại vật. Khi bạn cảm thấy phiền não, chỉ cần quan sát chúng và vượt qua bằng cách buông xả chúng. Đừng nghĩ về những chướng ngại mà bạn đã vượt qua. Đừng lo âu về những gì chưa xảy đến. Hãy giữ tâm vào giây phút hiện tại. Đừng quan ngại về quảng đường dài hay đích đến.  Mọi vật đang thay đổi. Dù bạn đi ngang qua bất cứ cái gì, đừng dính mắc với nó. Cuối cùng tâm của bạn sẽ đạt đến mức thăng bằng tự nhiên và lúc đó việc hành thiền của bạn sẽ tự động diễn ra. Tất cả các pháp đều tự chúng sinh và diệt.

Hỏi : Thầy có bao giờ xem  Pháp Bảo Đàn của Lục tổ Huệ Năng ?

Ajahn Chah : Trí tuệ của Lục tổ Huệ Năng thật sắc bén. Đó là những lời giáo huấn rất thâm sâu, kẻ sơ cơ không dễ gì hiểu được. Nhưng nếu bạn tu tập với giới luật của chúng tôi và với lòng kiên nhẫn, nếu bạn thực hành không dính mắc, cuối cùng bạn sẽ hiểu. Có lần một đệ tử của tôi ở trong một túp lều cỏ. Vào mùa mưa ấy, trời thường mưa và một ngày kia một cơn gió mạnh đã thổi bay mất nửa mái lều. Người đệ tử đó cũng chẳng buồn sửa chữa, cứ để mưa rơi vào lều. Nhiều ngày trôi qua, tôi hỏi người ấy về túp lều, người ấy trả lời anh ta đang thực hành ‘ không dính mắc ’. Đây là ‘ không dính mắc mà thiếu trí tuệ ’. Cũng giống như  tâm xả của một con trâu nước. Nếu bạn sống đức hạnh và đơn giản, nếu bạn kiên nhẫn và không vị kỷ, bạn sẽ hiểu được trí tuệ của Lục tổ Huệ Năng.

Hỏi : Thầy đã dạy rằng Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền Quán (Vipassana ) là giống nhau. Xin thầy vui lòng giải thích thêm ?

Ajahn Chah : Thật đơn giản. Thiền Chỉ và Thiền Quán kết hợp với nhau trong thiền tập. Trước tiên, tâm được lặng yên nhờ bạn cột tâm vào một đối tượng thiền tập. Tâm được lặng yên  chỉ khi nào bạn ngồi nhắm mắt. Đây là Thiền Chỉ / Định  ( Samatha) và cuối cùng nhờ Định này làm nhân duyên cho Thiền Quán / Tuệ ( Vipassana) khởi sinh . Rồi sau đó tâm bạn được tĩnh lặng dù bạn ngồi nhắm mắt hay đi dạo trong một thành phố náo nhiệt. Giống như thế này : trước kia bạn là một đứa trẻ, bây giờ bạn là một người trưởng thành. Vậy đứa trẻ và người trưởng thành ấy có phải là một người hay không ? Bạn có thể nói,‘ đúng là một người’ ; hoặc nếu bạn nhìn vấn đề theo cách khác, bạn có thể nói, ‘ hai người ấy khác nhau ’. Cũng vậy, Thiền Chỉ và Thiền Quán cũng có thể được xem như riêng biệt.  Hay cũng giống như thức ăn và phân. Thức ăn và phân cũng có thể xem như giống nhau và cũng có thể gọi là khác nhau. Đừng chỉ tin vào những gì tôi nói, hãy hành thiền và tự bạn sẽ nhận thấy. Không cần làm gì đặc biệt. Nếu bạn quan sát định và tuệ sinh khởi như thế nào, bạn sẽ tự mình biết được sự thật. Thời buổi này nhiều người  cứ bám vào chữ nghĩa. Họ bảo họ tu theo pháp Thiền Quán / Thiền Minh Sát  (Vipassana) và họ xem thường Thiền Chỉ/ Định ( Samatha). Hoặc họ gọi họ tu theo pháp Thiền Chỉ (Samatha), và họ nói cần phải tu Chỉ/ Định trước khi tu Quán/Tuệ. Tất cả đều khờ dại ! Đừng bận tâm suy nghĩ về vấn đề này theo kiểu ấy. Chỉ cần thực hành và bạn sẽ tự mình thấy được sự thật.

Hỏi : Có cần thiết phải nhập định trong việc hành thiền của chúng ta không ?

Ajahn Chah : Không. Nhập định không cần thiết. Bạn cần phải thiết lập một mức độ an định và nhất tâm có chừng mực. Rồi bạn dùng mức độ này để quan sát chính mình. Không cần gì đặc biệt. Nếu nhập định đến với bạn lúc hành thiền thì cũng tốt. Chỉ cần đừng nắm giữ nó. Một vài người quá quan tâm về định. Vui đùa với định có thể rất thú vị. Nhưng bạn phải biết những giới hạn đúng mức. Nếu bạn có trí tuệ, bạn sẽ biết những công dụng và giới hạn của định, cũng như bạn biết những giới hạn giữa trẻ con và người lớn.

Hỏi : Tại sao chúng ta tuân theo những qui luật khổ hạnh, chẳng hạn, chỉ ăn trong bình bát ?

Ajahn Chah : Giới luật khổ hạnh giúp chúng ta cắt đứt phiền não. Bằng cách tuân theo những giới luật như là chỉ ăn trong bình bát, chúng ta sẽ tỉnh giác hơn về việc xem thức ăn như  thuốc chữa bệnh. Nếu chúng ta dứt sạch phiền não, thì ăn như thế nào không thành vấn đề. Nhưng ở đây chúng ta dùng hình thức này để đơn giản việc tu tập của chúng ta. Đức Phật đã không áp dụng giới luật khổ hạnh cho tất cả tăng chúng, nhưng Ngài đã cho phép áp dụng giới luật ấy đối với những vị nào muốn tu tập thật nghiêm túc. Giới luật này cọng thêm với những qui định bên ngoài của chúng ta sẽ giúp chúng ta  gia tăng quyết tâm và sức mạnh tinh thần. Những qui định này là để bạn giữ gìn cho chính mình. Đừng quan sát xem người khác tu tập như thế nào. Hãy quan sát tâm của bạn và thấy những gì có lợi lạc cho chính mình. Qui định bảo rằng chúng ta phải nhận bất cứ cái ‘ cốc ’ nào dành cho chúng ta, cũng là một qui định hữu ích, nó giúp cho tăng chúng khỏi bị dính mắc vào chỗ ở. Nếu họ đi xa rồi trở về, họ phải nhận một cái ‘cốc ’khác. Đây là đường lối tu tập của chúng ta – không dính mắc với bất cứ cái gì.

Hỏi : Nếu bỏ tất cả thức ăn vào bình bát là quan trọng, tại sao trên cương vị  bậc thầy, chính ngài lại không làm như vậy ? Ngài có cảm thấy điều quan trọng là vị thầy phải làm gương cho đệ tử ?

Ajahn Chah : Vâng, đúng vậy, vị thầy phải làm gương cho đệ tử. Tôi không quan tâm khi bạn chỉ trích tôi. Cứ hỏi bất cứ điều gì bạn muốn. Nhưng điều quan trọng là bạn đừng bám víu vào vị thầy. Nếu bề ngoài tôi là người thật hoàn hảo, điều đó thật kinh khủng. Tất cả các bạn sẽ quá dính mắc với tôi. Ngay cả Đức Phật thỉnh thoảng cũng bảo các đệ tử làm như thế này và chính Ngài lại làm khác đi. Những hoài nghi về vị thầy cũng giúp ích cho bạn. Bạn phải quan sát phản ứng của chính mình. Bạn có nghĩ là tôi có thể lấy một ít thức ăn trong bình bát của tôi đặt vào dĩa để cho một vài cư sĩ đang làm việc quanh chùa ? Trí tuệ phải do chính bạn quan sát và phát triển. Hãy học những điều tốt đẹp ở vị thầy. Hãy tỉnh giác về việc tu tập của chính mình. Nếu tôi nghỉ ngơi trong lúc tất cả các bạn phải ngồi thiền, điều này có làm bạn tức giận không ? Nếu tôi gọi màu xanh là màu đỏ hoặc gọi đàn ông là đàn bà, đừng có làm  theo tôi một cách mù quáng. Một trong những vị thầy của tôi ăn rất nhanh, và gây nhiều tiếng động trong khi ăn. Tuy nhiên, vị ấy lại bảo chúng tôi phải ăn  chậm rãi và ăn trong chánh niệm. Trước đây tôi thường quan sát vị thầy ấy và cảm thấy rất phiền muộn. Tôi cảm thấy  khổ sở nhưng vị ấy thì không ! Tôi chỉ quan sát hình tướng bên ngoài. Sau đó tôi mới hiểu được điều này. Một số người lái xe rất nhanh nhưng thận trọng. Một số người khác lái xe chậm và lại gây nhiều tai nạn. Đừng bám chặt vào qui luật hay hình tướng bên ngoài. Nếu bạn quan sát người khác nhiều nhất là 10% thời gian và quan sát chính mình 90% , đấy là bạn tu tập đúng đắn. Trước kia tôi thường quan sát vị thầy của tôi là ngài Ajahn Tong Raht và có rất nhiều hoài nghi đối với ngài. Thậm chí  người ta còn nghĩ rằng ngài điên. Ngài thường làm những việc rất kỳ lạ hay tỏ ra rất khắc nghiệt đối với đệ tử của ngài. Bên ngoài hình tướng ngài có vẻ nóng giận, nhưng bên trong tâm ngài trống không. Không có ai trong đó cả. Ngài thật đặc biệt. Ngài giữ tâm trong sáng và giữ chánh niệm cho đến lúc viên tịch.

Nhìn hình tướng bên ngoài  là sinh tâm  so sánh, phân biệt. Bạn sẽ không tìm thấy hạnh phúc bằng cách đó. Bạn cũng không tìm thấy an lạc nếu chỉ dùng thì giờ để tìm kiếm một người hoàn hảo hay một vị thầy hoàn hảo. Đức Phật dạy chúng ta hãy nhìn vào  Giáo Pháp, vào chân lý, chứ đừng nhìn vào người khác.

Hỏi : Làm thế nào để chúng con có thể vượt qua  dục vọng trong lúc tu tập ? Đôi lúc con cảm thấy như thể con là nô lệ cho những khao khát tình dục của mình.

Ajahn Chah : Phải làm quân bình dục vọng bằng cách quán bất tịnh. Tham đắm thân xác là một cực đoan và ta phải ghi nhớ trong tâm một cực đoan đối nghịch. Hãy quán chiếu thân thể như một tử thi và nhìn thấy quá trình tan rã của những bộ phận thân thể như phổi, lá lách, mở, phân…vv.  Hãy ghi nhớ những điều này và quán tưởng về sự ghê tởm của thân xác khi dục vọng khởi lên. Việc này sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn thèm khát dục vọng.

Hỏi : Còn sân hận thì sao ? Con phải làm gì khi cơn giận khởi lên ?

Ajahn Chah : Bạn phải sử dụng lòng từ bi. Khi trạng thái giận dữ khởi lên trong lúc hành thiền, hãy làm quân bình tâm bằng cách phát triển những tình cảm từ ái. Nếu có ai làm điều gì xấu hay nổi giận, chính bạn đừng nổi giận. Bởi vì nếu bạn nổi giận, bạn còn ngu muội hơn người kia. Hãy tỏ ra có trí tuệ. Luôn nhớ đến hạnh từ bi, vì người kia đang đau khổ. Hãy tưới tẩm tâm bạn với lòng từ, xem người đó như là một huynh đệ thân thiết của bạn. Hãy tập trung tư tưởng vào lòng từ bi như một đề mục của thiền định. Trải rộng tâm từ ra khắp muôn loài chúng sanh trên thế giới. Chúng ta chỉ có thể dùng đức từ bi để vượt qua hận thù.

Đôi lúc bạn có thể thấy các vị sư khác hành xử không tốt. Bạn có thể cảm thấy chán ghét. Điều này là tự mình chuốc lấy khổ đau không cần thiết. Đó chưa phải là Giáo Pháp của chúng ta. Bạn có thể nghĩ như thế này : ‘ Vị sư này không tu hành đàng hoàng như mình. Họ không phải là những thiền giả nghiêm túc như chúng tôi. Những vị này không phải là những nhà sư tốt.’ Đó là một phiền não lớn về phần bạn. Đừng so sánh làm gì. Đừng sanh tâm phân biệt. Hãy buông xả kiến chấp của bạn và quan sát ý kiến của mình và quan sát tự thân. Đây mới là Giáo Pháp của chúng ta. Bạn không thể làm cho mọi người hành xử giống như bạn muốn hoặc hành xử giống bạn. Mong muốn này chỉ làm bạn khổ. Đây là một lỗi thông thường của các thiền giả, nhưng quan sát người khác không giúp bạn phát triển trí tuệ. Chỉ cần nhìn lại chính mình và những cảm thọ của mình. Đây là cách giúp bạn hiểu được vấn đế.

Hỏi : Con cảm thấy buồn ngủ hết sức. Điều này khiến con khó có thể ngồi thiền.

Ajahn Chah : Có nhiều cách vượt qua cơn buồn ngủ. Nếu bạn ngồi trong bóng tối thì hãy di chuyển sang chỗ sáng sủa. Mở mắt ra, đứng dậy và đi rửa mặt hoặc đi tắm. Nếu bạn buồn ngủ, hãy thay đổi tư thế. Đi bộ thật nhiều, đi giật lùi.  Nỗi lo sợ bị vấp phải vật gì đó sẽ làm bạn tỉnh ngủ. Nếu những biện pháp này thất bại thì hãy đứng yên, giữ tâm trí sáng suốt và tưởng tượng không gian đang tràn ngập ánh sáng ban ngày. Hay đến ngồi trên một vách đá cao hay bên miệng giếng sâu, bạn sẽ không dám ngủ ! Nếu tất cả biện pháp trên đều không có kết quả thì chỉ cần đi ngủ là xong ! Nằm xuống cẩn thận và cố gắng tỉnh giác cho đến khi bạn chìm vào giấc ngủ. Rồi đến khi bạn thức dậy, hãy ngồi dậy ngay. Đừng nhìn đồng hồ rồi lăn ra ngủ nữa. Bắt đầu giữ chánh niệm ngay sau khi thức dậy. Nếu bạn thấy ngày nào mình cũng buồn ngủ thì cố gắng ăn ít hơn, quan sát chính mình. Ngay khi bạn thấy chỉ cần ăn năm muỗng nữa là no thì dừng lại, rồi uống nước cho đến khi thấy đủ no. Hãy đi vào ngồi thiền. Theo dõi cơn buồn ngủ và cơn đói. Bạn phải biết cách làm quân bình việc ăn uống của mình. Khi thiền tập tiến triển, bạn sẽ thấy tự nhiên có năng lượng nhiều hơn và ăn ít hơn. Nhưng bạn phải tự điều chỉnh để  thích nghi.

Hỏi : Tại sao ở đây chúng ta phải lễ lạy rất nhiều ?

Ajahn Chah : Lễ lạy rất quan trọng. Đó là hình thức bên ngoài và cũng là một phần của việc tu tập. Hình thức này phải được thực hiện đúng đắn. Đưa trán cúi xuống chạm sàn. Đặt cùi chỏ gần đầu gối và hai lòng bàn tay úp trên sàn cách nhau khoảng 8cm. Lễ lạy chậm rãi, giữ chánh niệm về thân. Đây là một liều thuốc tốt để chữa bệnh ngã mạn của chúng ta. Chúng ta phải lễ lạy thường xuyên. Khi bạn lễ lạy ba lần, bạn có thể  ghi nhớ đức hạnh của Phật, Pháp và Tăng, đó là, đức hạnh của tâm thanh tịnh, quang minh và an lạc. Như vậy chúng ta dùng hình tướng bên ngoài để tự rèn luyện mình. Thân và tâm trở nên hòa hợp. Đừng phạm phải sai lầm là cứ theo dõi xem người khác lễ lạy như thế nào. Nếu các chú tiểu còn cẩu thả hay các vị sư già có vẻ thiếu chánh niệm, thì phê phán họ không phải là việc của bạn. Nhiều người có thể khó rèn luyện hơn người khác. Một số người học nhanh nhưng một số khác học chậm. Phê phán người khác chỉ làm tăng lòng ngã mạn của bạn.Thay vào đó hãy quan sát chính mình. Lễ lạy thường xuyên để dẹp bỏ lòng ngã mạn của bạn. Những người đã thật sự hòa hợp với Giáo Pháp thì vượt ra khỏi hình tướng bên ngoài. Tất cả mọi việc họ làm là một hình thức lễ lạy. Khi đi, họ cũng giữ chánh niệm như lễ lạy; khi ăn, họ cũng ăn trong chánh niệm như  lễ lạy…  Đó là vì họ đã vượt qua được tâm vị kỷ.

Hỏi : Vấn đề lớn nhất đối với  các vị đệ tử mới của thầy là gì ?

Ajahn Chah : Ý kiến, quan điểm và nhận xét  về mọi việc. Về chính họ, về việc hành thiền, về những lời dạy của Đức Phật. Nhiều người đến đây có địa vị cao trong  xã hội. Họ là những thương gia giàu có, những người tốt nghiệp đại học, những giáo sư và viên chức chính phủ. Tâm trí  họ đầy ắp ý kiến về mọi việc. Họ quá thông minh nên không muốn lắng nghe người khác. Giống như nước trong một cái tách, nếu cái tách chứa đầy nước dơ bẩn  thì nó vô dụng. Chỉ khi nào nước cũ được đổ đi thì cái tách mới dùng được.  Bạn phải giải trừ mọi kiến chấp trong tâm lúc ấy bạn mới thấy được chân lý. Việc hành thiền của chúng ta vượt ra ngoài  sự  thông minh và ngu đần. Nếu bạn nghĩ : ‘ Tôi thông minh, tôi giàu có, tôi quan trọng, tôi hiểu rất rõ Phật Pháp’, bạn đã che lấp chân lý vô ngã (Anatta). Tất cả những gì bạn thấy là cái ngã, là tôi, là của tôi. Nhưng  Phật pháp là buông bỏ cái ngã, là Không, là  Niết Bàn.

Hỏi : Những phiền não như tham và sân chỉ là hư vọng hay có thật ?

Ajahn Chah : Cả hai. Những phiền não chúng ta gọi là dục vọng hay tham, sân hay si, đó chỉ là những cái tên bên ngoài, chỉ là hình tướng. Cũng như ta gọi cái tô lớn, nhỏ, đẹp, hay là gì đó…Đấy không phải là thực tại. Đó là khái niệm chúng ta tạo ra từ  tham ái. Nếu chúng ta muốn một cái tô lớn, chúng ta gọi cái tô này nhỏ. Lòng tham ái khiến chúng ta sinh tâm phân biệt. Tuy nhiên, chân lý chỉ là cái đang có mặt. Hãy nhìn sự vật theo cách này. Bạn có phải là một người nam ? Bạn có thể trả lời ‘ phải ’. Đây chỉ là hình tướng bề ngoài. Thật ra bạn chỉ là một sự kết hợp của tứ đại hay là một tập hợp của các uẩn đang thay đổi không ngừng. Nếu tâm được giải thoát, nó sẽ không còn phân biệt. Không lớn không nhỏ, không có tôi không có bạn. Không có gì cả. Chúng ta nói là Anatta hay là vô ngã. Thật ra cuối cùng không có ngã

(atta) cũng không có vô ngã ( anatta).

Hỏi : Xin ngài giải thích thêm một chút nữa về nghiệp ?

Ajahn Chah : Nghiệp là hành động. Thân, khẩu, ý, tất cả đều tạo nghiệp nếu chúng ta chấp thủ. Chúng ta tạo nên thói quen, và những thói quen này có thể làm chúng ta khổ trong tương lai. Đó là kết quả của sự chấp thủ của chúng ta, của những phiền não trong quá khứ. Tất cả mọi sự dính mắc đều tạo nghiệp. Giả sử bạn là một tên trộm trước khi trở thành một nhà sư. Bạn đã ăn trộm, đã làm nhiều người khác khổ, đã làm cha mẹ bạn khổ. Bây giờ bạn là một nhà sư, nhưng khi bạn nhớ lại bạn đã làm người khác khổ như thế nào, bạn cảm thấy mình tội lỗi và chính bạn thấy đau buồn ngay lúc này. Nên nhớ, không phải chỉ có thân, mà khẩu và ý đều có thể tạo nhân cho các quả trong tương lai. Nếu bạn đã làm một việc tốt trong quá khứ và bây giờ nhớ lại, bạn vẫn cảm thấy sung sướng. Trạng thái hạnh phúc này là kết quả của nghiệp quá khứ. Khi quan sát kỹ ta sẽ thấy tất cả các pháp đều do duyên sinh – kể cả những nhân duyên  lâu dài và nhân duyên trong giây phút. Nhưng bạn không cần bận tâm suy nghĩ về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Chỉ cần quan sát thân tâm và  phải tự mình hình dung ra nghiệp. Hãy quan sát tâm mình. Hãy hành thiền và bạn sẽ thấy rõ điều này.  Tuy nhiên, cần bảo đảm rằng bạn không xen vào nghiệp của người khác. Đừng dính mắc và đừng quan sát nghiệp của người khác. Nếu tôi uống thuốc độc thì tôi đau đớn. Bạn không cần chia sẻ việc đó với tôi ! Hãy đón nhận những điều tốt đẹp mà vị thầy đã trao truyền cho bạn. Rồi bạn sẽ được an tịnh, tâm của bạn sẽ giống như tâm của vị thầy. Nếu bạn quan sát, bạn sẽ thấy điều đó. Ngay cả nếu bây giờ bạn không hiểu, khi bạn hành thiền, điều này sẽ trở nên rõ ràng, bạn sẽ tự mình biết rõ. Đây gọi là thực hành Pháp. Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ chúng ta thường kỷ luật chúng ta và hay tức giận vì chúng ta. Thật ra các bậc cha mẹ muốn giúp chúng ta. Bạn phải nhận ra  điều đó sau một thời gian dài.  Cha mẹ và thầy cô giáo chỉ trích chúng ta làm chúng ta buồn bực. Sau này chúng ta mới hiểu tại sao. Sau một thời gian dài hành thiền bạn sẽ hiểu. Những người quá thông minh thường bỏ cuộc sau một thời gian ngắn. Họ không bao giờ chịu học hỏi. Bạn phải gác bỏ sự thông minh của mình qua một bên. Nếu bạn nghĩ bạn hơn người khác, bạn sẽ chỉ thấy khổ mà thôi. Thật đáng thương ! Không cần phải buồn phiền làm gì, chỉ cần quan sát.

Hỏi : Từ ngày trở thành một nhà sư, đôi lúc con cảm thấy hình như những khó khăn và đau khổ của con lại gia tăng ?

Ajahn Chah : Tôi biết một số các bạn đã từng có cuộc sống vật chất thoải mái và tự do ngoài đời. So sánh với bây giờ,  bạn phải sống đời  khổ hạnh. Rồi trong lúc tu tập, tôi thường bảo các bạn ngồi thiền và chờ đợi hằng giở. Thức ăn và khí hậu cũng khác với xứ sở của bạn.  Nhưng  mọi người ở đây đều phải trải qua một số vấn đề như vậy. Đây là sự đau khổ dẫn dắt bạn đi đến chấm dứt khổ. Qua đó bạn sẽ học được nhiều điều. Khi bạn tức giận và cảm thấy tội nghiệp cho mình, đây là một cơ hội tốt để hiểu tâm của bạn. Đức Phật dạy rằng phiền não là thầy của chúng ta. Tất cả đệ tử của tôi cũng giống như con tôi. Trong tâm tôi chỉ có lòng từ ái và mối quan tâm đến sự an vui của các đệ tử. Nếu tôi có vẻ như đang làm cho các bạn khổ, đó cũng vì tôi muốn những điều tốt đẹp cho các bạn. Tôi biết một số bạn có trình độ học vấn cao và có kiến thức rộng. Những người ít học và ít hiểu biết thường dễ tu tập hơn. Nhưng cũng giống  như các bạn Tây phương có một căn nhà thật lớn để lau chùi dọn dẹp ; khi bạn đã lau chùi  nhà xong, bạn sẽ có một không gian lớn để sinh hoạt. Bạn có thể sử dụng căn bếp, thư viện, phòng khách. Bạn phải kiên nhẫn. Kiên trì và nhẫn nhục chịu đựng rất cần thiết cho việc tu tập của chúng ta. Khi tôi còn là một  nhà sư trẻ, tôi không gặp nhiều khó khăn như các bạn. Tôi nói tiếng nước tôi và ăn thực phẩm của quê hương mình. Cho dù như vậy, đôi lúc tôi  cảm thấy tuyệt vọng, tôi muốn hoàn tục  hay thậm chí muốn tự tử. Đau khổ này là do những tri kiến sai lầm. Tuy nhiên, khi bạn thấy được chân lý, bạn sẽ được giải thoát khỏi những kiến chấp và quan điểm. Mọi việc sẽ trở nên an tịnh.

Hỏi : Trong lúc hành thiền con đã đạt được trạng thái tâm thật an tịnh. Bây giờ con nên làm gì nữa ?

Ajahn Chah : Điều này tốt. Hãy giữ tâm thật an định . Sử dụng cái định này để quan sát thân và tâm. Khi tâm bất an, bạn cũng phải quan sát. Rồi bạn sẽ nhận biết tâm an tịnh đích thực là như thế nào. Tại sao? Vì bạn sẽ thấy được tính vô thường. Ngay cả tâm an tịnh cũng được xem là vô thường. Nếu bạn dính mắc với những trạng thái an tịnh của tâm, bạn sẽ đau khổ khi những trạng thái này không còn nữa. Hãy buông bỏ mọi thứ, ngay cả sự an tịnh.

Hỏi : Con nghe thầy nói là thầy sợ những đệ tử quá siêng năng tinh tấn, có phải không ?

Ajahn Chah : Đúng thế. Tôi sợ. Tôi sợ họ quá nghiêm túc, họ cố gắng quá mức, nhưng không có trí tuệ. Họ tự thúc đẩy mình vào những khổ đau không cần thiết.  Một số đệ tử quyết tâm đạt được giác ngộ. Họ nghiến răng chịu đựng và luôn luôn phải vật lộn với chính mình. Như vậy là nỗ lực quá mức.  Là người ai cũng giống nhau, con người không hiểu được bản chất của vạn pháp. Tất cả các hành, tâm và thân đều vô thường. Chỉ cần quan sát và đừng chấp thủ. Một số đệ tử khác nghĩ rằng họ biết nhiều; họ chỉ trích, quan sát, phê phán. Như vây cũng được, hãy để mặc họ với những ý kiến của họ. Tâm phân biệt này rất nguy hiểm, cũng giống như lái xe trên một con đường có khúc quanh thật bất ngờ; nếu chúng ta nghĩ người khác xấu hơn, tốt hơn, hay bằng chúng ta, chúng ta lái xe lệch khỏi khúc quanh (như vậy rất nguy hiểm). Nếu chúng ta sanh tâm phân biệt, thì chúng ta chỉ khổ mà thôi.

Hỏi : Con đã hành thiền nhiều năm. Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, tâm con lúc nào cũng rộng mở và an tịnh. Bây giờ con muốn quay trở lại và hành trì những trạng thái thiền định cao hơn hay nhập định, như vậy có được không ?

Ajahn Chah : Tốt thôi. Đó là một sự rèn luyện tâm linh rất có lợi. Nếu bạn có trí tuệ, bạn sẽ không quá quan tâm về các trạng thái định. Cũng giống như muốn ngồi thiền trong những khoảng thời gian dài.  Điều này tốt cho việc luyện tập, nhưng thật ra, hành thiền là một công phu  tách biệt với bất cứ tư thế nào . Thiền là vấn đề nhìn thẳng vào tâm. Đây là trí tuệ. Khi bạn đã quan sát và hiểu rõ tâm, bạn sẽ có trí tuệ để hiểu những giới hạn của định, hay của kinh sách. Nếu bạn đã hành thiền và hiểu được thế nào là ‘ không chấp thủ ’, lúc đó bạn có thể quay trở lại đọc kinh sách. Kinh sách cũng giống như món ngọt ăn tráng miệng, chúng có thể giúp bạn dạy người khác. Hay bạn có thể quay trở lại hành trì nhập định. Lúc này bạn đã có trí tuệ để hiểu là không được nắm giữ bất cứ cái gì.

Hỏi : Xin thầy vui lòng tóm tắt lại một số điểm chính của buổi tham vấn này ?

Ajahn Chah : Bạn phải tự quan sát mình. Biết mình là ai. Biết thân và tâm mình chỉ bằng cách quan sát. Trong lúc ngồi thiền, lúc ngủ, lúc ăn, hãy biết giới hạn của mình. Hãy sử dụng  trí tuệ. Việc tu tập không phải là để đạt được bất cứ cái gì. Chỉ cần tỉnh thức với những gì đang xảy ra. Tất cả viêc hành thiền của chúng ta là nhìn thẳng vào tâm. Bạn sẽ nhận biết khổ, nguyên nhân của khổ và sự chấm dứt khổ. Nhưng bạn phải kiên nhẫn, cần nhiều kiên trì và nhẫn nhục chịu đựng. Dần dần bạn sẽ biết được nhiều điều. Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài nên ở lại với thầy của họ ít nhất năm năm. Bạn phải học giá trị của hạnh bố thí, nhẫn nhục và sự thuần thành. Đừng hành trì quá khắt khe. Đừng mắc kẹt với hình tướng bên ngoài. Quan sát người khác là một thói xấu. Chỉ cần  sống tự nhiên và quan sát tâm. Giới luật Tỷ kheo và kỷ luật tu viện là rất quan trọng, chúng  tạo nên một môi trường đơn giản và hòa hợp. Hãy thi hành giới luật thật tốt, nhưng nên nhớ, điều cốt lõi của giới luật tỷ kheo là theo dõi ý thức, quan sát tâm mình. Bạn phải có trí tuệ, đừng sanh tâm phân biệt. Bạn có bị phiền não khi thấy một cây nhỏ trong rừng không cao và thằng như những cây khác không ? Như vậy là ngốc nghếch. Đừng phê phán người khác, có nhiều hạng người khác nhau. Không cần phải mang gánh nặng muốn thay đổi tất cả những người đó. Vì thế, hãy kiên nhẫn, hành trì giới luật. Sống đơn giản tự nhiên và quan sát tâm. Đây là đường lối tu tập của chúng ta. Con đường này sẽ đưa bạn đến vị tha và an tịnh.

Sources: Buddhanet’’s Magazines Articles

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-80_4-17677_5-50_6-3_17-106_14-1_15-1/

Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang