Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn lại bà con thân thuộc
thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau khổ, trong vòng lẩn quẩn
của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà đạo Phật gọi là từ bi...
Thương ghét
Ða số người thường, suốt ngày sống trong
sự thương ghét. Người nào vừa ý, hợp ý mình thì thương, kẻ nào trái ý
mình thì ghét. Thương thì chăm lo, chiều chuộng, ôm giữ. Ghét thì hất
hủi, xa lánh, đẩy ra. Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn
cũng méo. Thương thì thương cả đường đi, ghét thì ghét cả tông ti họ
hàng. Tất cả những nghiệp ân oán, oan gia đều do thương ghét mà ra, bởi
vì thương là biểu lộ của tâm tham, ghét là sự biểu lộ của tâm sân. Do đó
thương ghét càng nhiều thì tham, sân càng tăng và đương nhiên dẫn đến
đau khổ và bất an.
Khi chúng ta bắt đầu biết đạo thì tập
diệt trừ tánh tham và sân vì đó là nguyên nhân của đau khổ. Nhờ từ bỏ
tánh tham, sân nên tâm trở nên bình đẳng, không thương người này, ghét
người kia. Nhờ tâm bình đẳng nên bớt luyến ái gia đình, vợ chồng, con
cái, cha mẹ và bớt thù ghét người dưng nước lã, kẻ thù. Nếu tiếp tục tu
hành như vậy, từ bỏ tham, sân thì tâm càng trở nên bình an, vắng lặng.
Đến đây, nếu không khéo thì sẽ trở nên gỗ đá, cây khô, không còn tình
người. Do đó cần phải bước qua giai đoạn kế tiếp là quay lại nhìn chúng
sinh.
Khi tâm được bình an, vắng lặng, nhìn
lại bà con thân thuộc thì thấy mọi người đều mải mê lặn hụp trong đau
khổ, trong vòng lẩn quẩn của thương ghét, từ đó khởi lên tình thương mà
đạo Phật gọi là từ bi. Tình thương này không còn bóng dáng của tâm tham
nên không có ái luyến, dính mắc. Tính chất của nó hoàn toàn khác hẳn
với cái thương (có tham) của phàm phu. Đây là loại tình thương của
Bồ-tát, người đã hiểu đạo và tu tập để thoát ra ngoài vòng thương ghét
thường tình thế gian. Vì thế sau khi hiểu đạo thì chỉ còn tình thương.
Thấy ai cũng là bà con thân thuộc của mình từ nhiều kiếp, và thấy ai
cũng đáng thương hết.
Ghim trong lòng
Khi
bị người nào đó nói hay làm gì trái ý, tổn thương thì chúng ta thường
nhớ dai và nhớ hoài. Khi ngồi yên hoặc có dịp thì trong tâm lại đem
những lời nói, hành động, cử chỉ của người đó chiếu lại và ta ngoan
ngoãn ngồi xem chăm chú. Tệ hơn nữa, sau mỗi lần như vậy, sự buồn giận
của ta càng tăng và tiếp tục oán hận người đó. Nhiều khi sự việc đó đã
xảy ra cả chục năm trước, bây giờ người kia đã thay đổi tính tình hoặc
đã chết rồi, nhưng cuốn phim cũ trong tâm ta mỗi lần chiếu lại, nó vẫn
mới tinh như các phim đĩa DVD hiện nay. Nực cười thay, chúng ta không
nhận ra điều làm mình khổ không phải người kia mà là chính mình. Chính
mình cho phép cái tâm lôi phim cũ ra chiếu, chính mình suy nghĩ, nhớ
hoài chuyện cũ.
Dù người khác có mắng chửi, hạ nhục, đối
xử tệ bạc với mình hôm qua hay hôm kia, nhưng nếu bạn lỡ uống nhằm
"thuốc lú" quên hết thì hôm nay đâu có khổ. Không biết bạn có đồng ý
chăng? Nếu đồng ý thì nên quay trở về điều chỉnh, dạy dỗ cái tâm của
mình đừng cho nó tự tung tự tác muốn nhớ nghĩ cái gì thì nghĩ, nhất là
hay nhớ nghĩ những điều sai quấy của người khác. Bởi vì mỗi khi tâm nhớ
nghĩ điều sai quấy của người khác thì ai khổ trước? Mình khổ trước hay
người kia?
Ngày hôm qua, ông A, bà B đã mắng chửi,
hay đánh ta một roi. Ngày hôm nay, nếu ta nhớ nghĩ lại hành động của họ
và đau khổ tiếp, đó tức là ta tự mắng chửi và lấy roi đánh mình thêm
lần nữa. Và nếu ta cứ tiếp tục nhớ nghĩ và buồn khổ hoài thì có phải là
tự mình mắng chửi, hành hạ mình không? Cái này ngoài đời gọi là "thú đau
thương". Khi thích cái gì thì muốn có hoài, như thích hút thuốc thì tìm
thuốc hút và khi được hút thì sung sướng nên gọi là thú. Thích uống
rượu mà được đi nhậu là một cái thú. Nhưng khi có được những cái "thú"
đó, thay vì sung sướng thì lại đau khổ, nên gọi là "thú đau thương".
Quá khứ đã qua rồi, bây giờ chỉ còn là
ký ức. Chúng ta không thể nào quên hoàn toàn quá khứ, dù muốn dù không
nó đã in vào tâm thức, nhưng đừng để cho nó làm mình đau khổ.
Khi lái xe hơi bạn nhìn về phía trước
hay nhìn kính chiếu hậu? Đương nhiên không ai nhìn vào kính chiếu hậu
hoài vì sẽ gây ra tai nạn mà chỉ liếc nhìn một chút trước khi muốn lách
hoặc vượt qua an toàn. Cũng thế bạn hãy nên nhìn về phía trước, nhìn tới
tương lai. Chỉ khi nào cần tìm kiếm điều gì trong quá khứ thì có thể
quay lại liếc nhìn, và nhớ nhìn trong giây lát thôi.
Giả dụ trong quá khứ người kia đã làm
khổ bạn thật, và khi nhớ lại dù trong giây lát thôi cũng đủ làm cho bạn
khổ sở, khó chịu, vậy sao bạn không uống thuốc "Hỷ Xả"? Chỉ cần đứng
trước bàn Phật nói to lên rằng: "Ông A, bà B, đã làm con đau khổ trong
quá khứ, nhưng hôm nay đây con phát nguyện tha thứ và hỷ xả cho họ, bởi
vì làm người ai mà chẳng lầm lẫn". Làm một lần chưa hết thì làm nhiều
lần cho tới khi nào nhớ lại chuyện cũ mà tâm bình thản như nhớ chuyện
của ai khác chứ không phải chuyện của mình thì xem như thuốc "Hỷ Xả" đã
có công hiệu. Nên nhớ ngay cả bệnh nhẹ như nhức đầu sổ mũi cũng phải
uống thuốc nhiều lần mới hết, đâu phải chỉ uống một viên là hết bệnh,
huống chi bệnh "ghim trong lòng" là một bệnh phiền não thâm căn cố đế
của con người, đâu thể phát nguyện suông vài lần là hết được.
Tâm thích nếm mùi
Tâm tuy vô hình chất, nhưng nó lại hay
thích nếm mùi kinh nghiệm vật chất, nó thích nhìn ngắm các màu sắc xinh
đẹp qua cửa con mắt, thích nghe những âm thanh êm dịu qua lỗ tai, thích
ngửi mùi thơm qua lỗ mũi, thích nếm các vị ngon qua cái lưỡi, và thích
xúc chạm khoái lạc qua thân thể. Nói cách khác là tâm rất thích đi tìm
cảm thọ qua năm giác quan. Từ sự đi tìm cảm thọ mà tâm bị mắc kẹt, trói
buộc vào vật chất.
Theo kinh Khởi Thế Nhân Bổn, tổ tiên của
loài người là chư thiên ở Quang Âm Thiên (Abhassara) tái sinh. Ban đầu
họ có thân bằng ánh sáng, phi hành trong không gian, tự nuôi sống bằng
hỷ lạc, không cần ăn uống. Lúc đó mặt đất có màu sắc giống như đề hồ và
hương vị ngon ngọt như mật ong. Trong số các chúng sinh này, có người
tò mò lấy ngón tay quẹt miếng đất và nếm thử. Liền khi ấy, mùi vị của
đất thấm vào thân và tham ái khởi lên. Rồi các chúng sinh khác thấy vậy
cũng bắt chước làm theo, lấy tay quẹt đất và nếm mùi vị. Dần dần, vì
tham ăn vỏ đất ngọt bùi, thân thể của họ trở nên trọng trược, và mất đi
ánh sáng. Ban đầu không cần ăn mà vẫn sống bằng ý hỷ, nhưng từ khi
thưởng thức mùi vị của đất, khởi lòng tham ái, thân bị mất ánh sáng, họ
bắt đầu lấy vỏ đất làm thức ăn trong một thời gian khá lâu, thân thể của
họ trở thành cứng rắn và sinh ra hình dáng sai biệt. Những người có sắc
đẹp thì khởi tâm kiêu ngạo về sắc đẹp của mình và khinh chê kẻ khác. Do
sự kiêu ngạo của họ mà vỏ đất ngọt bùi biến mất, thay vào là một loại
nấm đất hiện ra khắp nơi. Loại nấm này có màu sắc như đề hồ và hương vị
như mật ong. Các chúng sinh trên mặt đất khi ấy phải tự nuôi sống bằng
thứ nấm đất này. Càng ăn nấm đất thì thân thể của họ trở nên cứng rắn
hơn và hình sắc lại càng sai biệt nhiều hơn. Những người có sắc đẹp
khinh chê người không có sắc đẹp: "Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không
có sắc đẹp bằng chúng ta". Do kiêu ngạo và kiêu mạn về sắc đẹp của họ
nên nấm đất biến mất. Khi nấm đất biến mất thì có cỏ và cây leo hiện
ra. Loại cây leo này cũng có màu sắc, mùi vị như đề hồ, và chúng sinh
khi ấy phải tự nuôi sống bằng cây leo trong một thời gian dài.
Cứ như thế, càng ăn đồ từ mặt đất thì
thân thể của họ càng trở nên cứng rắn và hình dáng lại càng sai biệt. Có
sai biệt thì tâm phân biệt khởi lên so sánh đẹp xấu rồi sinh kiêu mạn,
khinh chê kẻ khác nên cộng nghiệp xấu làm thức ăn ngon ngọt ban đầu biến
mất và hiện ra các thức ăn sau nhỏ dần. Sau một thời gian dài ăn cây
leo và tạo nghiệp kiêu mạn thì cây leo biến mất và lúa mọc ra khắp nơi.
Lúa ban đầu không có vỏ cám, chỉ toàn mùi thơm và trơn láng. Chúng sinh
chỉ việc nhổ lúa chín và ăn liền, không cần phải nấu nướng. Nơi nào lúa
được nhổ ăn ban sáng thì đến chiều đã mọc lại ngay, không cần phải cày
bừa hay trồng trọt. Càng ăn lúa thì thân thể càng trở nên cứng rắn hơn
trước và hình dáng lại càng sai biệt. Tới thời kỳ này thì hình sắc và
tánh tình nam nữ thành hình sai biệt rõ ràng. Do hình sắc nam nữ sai
biệt như vậy, nên họ nhìn nhau lâu thì tình dục khởi lên, ái luyến đối
với thân thể bắt đầu.
Bản kinh còn dài, ở đây tôi không muốn
lập lại, nếu cần biết thêm thì bạn có thể tìm chánh kinh tra cứu. Điều
chính yếu muốn nói lên ở đây là tiến trình biến đổi từ thân ánh sáng,
cấu tạo bởi các nguyên tử thanh nhẹ, đến thân xác thịt thô kệch, cấu tạo
bởi những nguyên tử nặng trọc, được khởi đầu chỉ vì tâm tham ái.
Khi tâm thích nếm mùi, đi tìm cảm thọ
vật chất (thỏa mãn các giác quan) thì đi theo chiều xuống (hướng hạ), từ
nhẹ tới nặng, từ ánh sáng trở thành vật chất. Khi tâm từ bỏ chạy theo
cảm thọ vật chất thì sẽ đi ngược trở lên (hướng thượng), từ nặng tới
nhẹ, từ vật chất trở về ánh sáng.
Có những người tu Tịnh Độ, thường niệm
danh hiệu đức Phật A-di-đà mà không biết từ bỏ dục lạc thế gian, ưa
thích tài sản, vật chất, luyến ái gia đình vợ con thì khó hy vọng được
Ngài tiếp dẫn. Bởi vì đức Phật A-di-đà (Amitabha) có nghĩa là Vô Lượng
Quang, nói cách khác Ngài chính là Ánh Sáng Vô Lượng. Người còn nhiều
tham dục, tâm u ám, đen tối, nặng trược làm sao tương ưng với ánh sáng
trong nhẹ mà đi về cõi ánh sáng?
http://www.daophatngaynay.com/vn/Tap-chi-Dao-Phat-Ngay-Nay/Bai-viet-chon-loc/10539-Tam-su-dinh-mac.html
0 comments