Bài 4: Quy y Tam Bảo
A-Mở Bài:
Người sống trên đời như đi trong đêm tối, cần phải có ánh đèn sáng suốt soi đường dẫn lối. Tam bảo chính là ngọn đèn tỏa sang giúp chúng ta đi đến chỗ an vui.
B- Thân Bài:
I. Định nghĩa:
1. Quy y là trở về nương tựa.
2. Tam bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng
a. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn từ bi và trí tuệ viên mãn rốt ráo. Ngài là bậc nhất thiết trí, nhất thiết kiến, bậc tri đạo, khai đạo, thuyết đạo.
b. Pháp là những phương pháp tu hành chấm dứt khổ đau, đạt đến an lạc giải thoát.
c. Tăng là một đoàn thể tu hành từ bốn người trở lên phải hòa hợp cùng chia sớt cho nhau về vật chất lẫn tinh thần theo sáu pháp hòa kính (thân hòa cùng ở chung, miệng hòa không tranh cãi, ý hòa cùng vui vẻ, kiến thức hòa cùng giãi bày, giới hòa cùng tu hành, lợi hòa cùng chia sẻ).
Tăng còn có ba ý nghĩa:
Một là chuyên gia về Phật học, đầy đủ hạnh vi diệu, hạnh chất trực, hạnh như lý, hạnh chân chánh.
Hai là người chỉ đạo tín ngưỡng, có tâm nguyện giáo hóa, chuyên lòng dốc sức cứu độ chúng sanh.
Ba là người kế thừa chánh pháp, làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài là nhiệm vụ chính yếu của Tăng già.
Người đời:
Vội vội vàng vàng khổ nhọc cầu
Mưa mưa nắng nắng trải xuân thu
Hôm hôm sớm sớm lo sanh kế
Lãng lãng quên quên bổng bạc đầu
d. Phật, Pháp, Tăng được gọi là ba món châu báu (Tam bảo), vì có sáu ý nghĩa: Hy hữu (hiếm có), Ly cấu (lìa sự nhơ bợn), Thế lực (có sức mạnh), Trang nghiêm, Tối thắng, Không thay đổi (theo Luận Bảo Tánh).
3. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật Pháp Tăng
Chỉ có Tam bảo mới là nơi nương tựa vững chắc nhất. Con người vì sợ hãi bất an mà đến quy y thần núi, rừng cây, đền miếu nhưng đó chẳng phải là chỗ nương tựa an ổn, chỗ quy y tối thượng, ai quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên.
Trái lại quy y Phật Pháp Tăng phát trí tuệ chân chánh, hiểu thấu bốn lẽ thật: biết khổ, biết nhân khổ, biết khổ diệt và biết tám chi thánh đạo, diệt trừ hết khỗ não, đó là chỗ quy y an ổn, là chỗ quy y tối thượng. Ai quy y được như vậy, giải thoát hết khổ đau" (Pháp cú câu 188-192)
0 comments