Có nhiều người thắc mắc và nghi ngờ rằng Phật còn sân hận, bất bình nên mới quở trách và đuổi hai vị Xá lợi Phất, Mục kiền Liên cùng năm trăm đệ tử. Vậy là Phật vẫn còn phiền não hay sao?
Cuộc đời đức Phật có khi ngài ở một mình nơi thất vắng, cũng có khi ở cùng đại chúng tùy duyên phương tiện để hóa độ chúng sinh được lợi lạc lâu dài. Một hôm, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, dẫn năm trăm đệ tử vừa mới xuất gia đến đảnh lễ, mong cầu sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn. Vì hội chúng này không giữ oai nghi tế hạnh, ồn ào, náo nhiệt, nên đức Phật bảo Ngài A Nan cùng Xá Lợi Phất mời họ đi chỗ khác, cả hai vị thượng thủ cũng cùng đi với họ. Một số người đọc kinh thấy câu chuyện trên thì cho rằng Phật còn bất bình, sân hận nên mới tỏ thái độ và cư xử như vậy.
Thật sự, Đức Phật là bậc vô thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, đương nhiên không còn phiền não tham sân si chi phối. Ngài lúc nào cũng an nhiên, thanh tịnh sáng suốt, không vui mừng, không sầu muộn, không thương, không ghét, và luôn bình đẳng với tất cả mọi người. Đặc điểm này không khác gì như đất. Như chúng ta biết, đất có bao giờ bất bình hay hờn giận ai đâu? Hay đất cũng có tâm thương yêu hoặc oán thù ai khác? Chuyện đó chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra. Chúng ta đào xới, bươi móc đất tung tóe, đất cũng chẳng giận, chẳng hờn và chẳng trách một ai. Tâm của Phật cũng tuyệt vời như thế! Nhưng đất là vật vô tri, còn Phật là người có biết, vậy làm sao có thể giống nhau được?
Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, đức Phật thường trú trong đại định nên luôn an nhiên, thanh tịnh, sáng suốt, bình lặng như quả đất vậy. Ngài thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, nhưng không khởi niệm dính mắc vào bất cứ vật gì. Khi ngài khởi niệm muốn tế độ chúng sinh, mà các tân Tỳ kheo ồn ào nên Phật đuổi để răn dạy vì lợi ích chính họ, chứ không vì Phật sân hay tức giận, bất bình. Phật vì lòng từ bi thương xót, muốn răn dạy các đệ tử mà thôi. Như nước trong bình nhờ gạn lọc sạch cáu cặn nên dù lắc lư bình không vì thế mà vẩn đục trở lại.
Tâm Phật cũng vậy. Ngài tùy duyên hóa độ chúng sinh nên khi cần thiết vẫn phải dùng phương tiện thiện xảo để điều phục mọi người. Cũng như biển lớn không bao giờ dung chứa xác chết. Dù có hàng trăm, hàng ngàn xác chết trôi nổi bồng bềnh giữa biển cả mênh mông, sóng cũng tìm cách đánh dạt vào bờ, không dung túng hay thiên vị một ai. Tâm Phật cũng như biển lớn không bao giờ sân giận, hay vui mừng hoặc thương ghét điều gì. Vì phương tiện tiếp chúng, độ tăng, Phật muốn 500 vị Tỳ Kheo ý thức rõ con đường tu hành nên Người mới đuổi nhằm sách tấn, chỉ dạy họ.
Chúng ta quả thật có phúc duyên lớn lao mới được thừa hưởng những lời dạy vàng ngọc quý báu của Phật gần ba ngàn năm nay. Lời dạy của Người thật sự đã giúp cho nhân loại biết sống yêu thương, bằng trái tim hiểu biết, cảm thông, tha thứ, khoan dung và độ lượng với nhau. Nhưng vì chúng sinh bị vô minh ngăn ngại, nên đắm say, mê muội đủ điều. Vì ta chấp cuộc sống này là thật, chấp mọi thứ thật có nên cứ mãi gây thù, chuốc oán cho nhau. Nếu ai cũng biết siêng học lời Phật dạy, tinh cần quán chiếu, suy xét tường tận, nhằm ứng dụng vào đời sống thường ngày thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Do đó, đạo Phật là đạo của con người, là đạo của tình thương, vì con người nên sống có yêu thương và hiểu biết, vì con người nên cùng nhau chia vui, sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha.
Chính vì vậy, năm 1999, Hội đồng liên hiệp quốc đã sáng suốt chính thức công nhận đại lễ Phật đản là lễ hội văn hóa của loài người trên thế giới này. Chúng ta hãy vui mừng vì nhân loại đã có quyết định sáng suốt đó. Đâu thể nào có một đấng tối cao ban phước giáng họa được. Hạnh phúc hay đau khổ đều là do con người tự gieo tạo mà thôi. Nhân quả công bằng và chi phối tất cả. Mình làm lành thì được hưởng quả báo tốt đẹp, an vui. Mình làm ác thì phải chịu quả báu sa đọa khổ đau.
Một hôm, trên đường đi giáo hóa, các tu sĩ Bà la môn thấy đệ tử của mình theo Phật quá nhiều. Vì tức giận nên họ chặn đường để chửi mắng Phật. Phật vẫn bình thản, an nhiên thong dong đi đều từng bước như không có chuyện gì xảy ra. Họ đi theo sau, cứ mắng chửi hoài mà không thấy Phật phản kháng gì hết, nên bực tức chạy lên trước chặn Phật lại hỏi rằng?
_ Này Cồ Đàm, ông có điếc không?
_ Cồ Đàm, ông nghe ta nói gì không? Sao ông cứ làm thinh hoài vậy?
_ Lúc bấy giờ Phật mới ôn tồn hỏi ông Bà la môn rằng:
_ Thí như nhà ông có đám giỗ, ông làm tiệc mời bạn bè, người thân tới dự, nhưng họ không đến thì thức ăn đó thuộc về ai?
_ Dĩ nhiên là thuộc về tôi, chứ về ai.
_ Cũng vậy, từ sáng sớm đến giờ ông theo sau chửi ta, nhưng ta không nhận thì đâu có lỗi gì?
Nếu có phước, bạn được ngồi trên người, thì bạn không nên dùng uy quyền thế lực để chèn ép người, mà hãy nên mở rộng tấm lòng từ bi hỷ xả để đối xử với người. Nếu không may mà bạn đứng dưới người, thì không nên sanh tâm ganh ghét, tật đố mà hãy giữ mình đoan chánh, đặng đem sự đoan chánh ấy mà đối xử với mọi người. Đức hạnh là phẩm chất cao quý của người tu hành, có khả năng nhiếp phục nhân loại để tạo nên một gia đình an vui, hạnh phúc, một xã hội hòa bình, một quốc gia thịnh vượng và một thế giới an lành.
Qua câu chuyện trên, vì tâm ganh tị, tật đố mà vị Bà la môn đánh mất đi phẩm chất tốt đẹp của mình bằng thái độ không văn hóa tí nào. Tuy họ đi theo sau chửi Phật, mà Phật vẫn ung dung như không có chuyện gì. Người không hề tỏ chút thái độ phản kháng hay giận hờn, vẫn bình thản từng bước thảnh thơi cho đến khi ông Bà la môn không còn lý lẽ gì bắt bí. Chính sự ôn tồn, từ ái của Phật qua những câu đáp đã khiến ông Bà la môn chợt thức tỉnh lỗi lầm. Tuy điều ông dành cho Phật là lòng sân hận, sự ganh ghét, tâm đố kỵ, tính hờn mát, nhưng Phật không nhận mà còn trải lòng cảm thông và thương tưởng đến ông. Chính vì vậy mà ông ăn năn, phát tâm sám hối và xin quy y Phật.
Chúng ta thấy, tuy bị mắng chửi nhưng Phật bình tĩnh, an nhiên không nói một lời, mặc tình ai mắng gì thì mắng, Phật vẫn biết, vẫn nghe nhưng không dính mắc bất cứ lời nào.
Còn chúng ta thì sao? Chỉ cần ai đó ở tít đằng xa nói tới tên mình thì bắt đầu có chuyện, mình sẽ hằn học, tranh cãi hơn thua để rồi hai bên kẻ tám cân, người chín lạng ăn thua đủ với nhau, để cuối cùng chó thì giạt móng còn nai thì le lưỡi.
Đức Phật luôn dùng trí tuệ soi sáng nên biết chúng sinh vì vô minh mê muội che lấp mới thốt ra những lời chửi mắng như vậy, Người thấy họ thật đáng thương hơn là đáng ghét. Người tu hành cũng giống như người học trò đi học, học cấp một thì bài thi dễ, cấp hai khó hơn chút, còn cấp ba lại khó hơn nữa. Đến khi đậu được tiến sĩ thì càng bị khảo nhiều hơn.
Người tu Phật mới tu thì thử ít, tu lâu ngày thì bị khảo nhiều, tu càng cao thì khảo đảo càng lắm chứ đừng nói tu lâu mọi việc sẽ được hanh thông. Còn ta thì sao, chỉ cần ai đó chê một chút thôi, chưa nói gì đến chửi là ta đã nỗi tam bành lục tặc lên rồi. Thế mới thấy người tu càng lâu càng phải biết nhẫn nhục.
Đức Phật của chúng ta đâu có nói đạo lý gì cao siêu. Người chỉ răn dạy ta biết mở rộng lòng từ bi cao cả để nhiếp phục chúng sinh bằng thái độ im lặng như chánh pháp. Sự sân hận, hờn mát chỉ khiến cho cả hai bên càng thêm gây thù chuốc oán vì hơn thua, tranh đấu, để cuối cùng chỉ làm khổ đau cho nhau.
Để được sống yêu thương và hạnh phúc bằng trái tim hiểu biết, ta cần phải thường xuyên quán chiếu, soi sáng để không dính mắc điều gì. Sự ràng buộc bởi tham lam, sân hận, si mê, kiêu căng, tật đố thù ghét và tuyệt vọng chỉ khiến con người thêm loạn động, mệt mỏi và căng thẳng. Khi các độc tố ấy đã ăn sâu vào cơ thể, nó sẽ làm cho ta bực bội, tức tối, cau có, giận hờn, mỗi khi có chuyện không vừa ý hài lòng mà gây tổn hại cho nhau.
Ngày xưa Phật đã bị nhiều người mắng chửi, vu oan giá họa, phao du hủy nhục những chuyện xấu xa không thực có cũng vì tâm ganh tị tật đố và sự nóng giận của chúng sinh. Tuy vậy mà Người vẫn bình tĩnh, an nhiên, không oán giận, không ghét bỏ mà còn từ bi mở rộng tấm lòng thương yêu chân thành đến với họ. Người con Phật muốn được bình an hạnh phúc lâu dài, cần phải cố gắng nỗ lực tu tập nhiều hơn để chuyển hóa cơn nóng giận thành trí tuệ từ bi.
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-17286_5-50_6-2_17-286_14-1_15-1/
0 comments