Nữ Chủ Hiền Thục - Thích Đạt Ma Phổ Giác

   Chữ sân trong Hán cổ biểu hiện một môi trường sống, như khi con người cảm thấy không hài lòng, vừa ý, bực tức, xung đột, bất bình dẫn đến mâu thuẫn đối kháng, gây hận thù và làm khổ đau cho nhau. Sự tức giận của con người có nhiều cấp độ khác nhau, như nói lời mỉa mai, cay cú, hằn học, mắng chửi, giận dữ, quát tháo, hờn mát, oán thù, đánh đập, chửi bới, hù dọa, triệt tiêu và hủy diệt nhau.

   Thuở xưa, tại thành Xá vệ có một nữ chủ nổi tiếng với một đức tính hiền lành, dễ thương, không bao giờ biết giận dữ với ai. Bà có người giúp việc siêng năng, cẩn thận, luôn làm vuông tròn mọi việc chu đáo. Vì nghe mọi người ca ngợi về bà nên cô giúp việc muốn xem bà có thực như lời tán thán hay không?

   Sáng hôm sau, cô cố tình ngủ dậy thật trễ, liền bị bà gọi dậy và quở mắng một trận. Để xác định tâm bà chủ thêm một lần nữa, hôm sau cô dậy trễ hơn, và lúc này, bà mới nỗi cơn tam bành thực sự. Để biết bà chủ của mình chắc chắn có giận dữ và phẫn nộ hay không, nên lần sau cô càng dậy trễ hơn, và hậu quả xảy ra thật đáng tiếc. Bà chủ lấy then cài cửa đánh mạnh vào đầu khiến cô lỗ đầu, máu chảy cùng mình. Cô vừa chạy vừa la lên rằng: mọi người hãy nhìn đây, bà chủ của tôi quá hiền thục nên tôi mới bị đánh như thế này!

   Sân hận là âm Hán Việt, là từ ngữ chỉ chung cho loại phiền não có tính cách bốc lửa. Sân có nghĩa là nóng giận, mỗi khi có sự việc bất bình không được hài lòng, vừa ý là nó bộc phát mạnh ra bên ngoài. Hận có nghĩa là hờn mát âm ỉ sôi sục bên trong, nói cho đủ là giận hờn. Một khi con người sân hận, cộng với giận hờn mà không đủ khả năng hóa giải, thì lâu ngày trở thành thù ghét, do đó lúc nào cũng muốn tìm cách trả thù hay rửa hận.

   Giận là lời nói tắt của từ nóng giận, hờn là từ nói tắt của chữ hờn mát, gọp chung lại là giận hờn.

   Sân hận nghĩa là giận hờn. Khi chúng ta giận hờn ai đó mà cứ ghìm mãi trong lòng thì lâu ngày trở nên thù hằn, ghét bỏ, âm ỉ tìm cách trả thù thích đáng, khi có cơ hội là ra tay liền. Giận hờn là một thói quen xấu có tính cách hại người, hại vật, dù nặng hay nhẹ thì chắc chắn cũng làm tổn hại đến người xung quanh. 

   Nói về thói quen sân hận này thì bản thân tôi cũng là đại Trương Phi, một nhân vật trong Tam Quốc. Khi xưa tôi nói năng hằn học lớn tiếng, mỗi lời thốt ra đều kèm theo tiếng chửi thề. Mẹ tôi đã phải nhắc nhở, chỉ dạy nhiều lần mỗi khi tôi nói chuyện chửi thề như vậy. Mãi đến khi xuất gia vào Thiền Viện Thường Chiếu tu học, cố tật ấy mới giảm thiểu đi nhiều. Không phải ai khi đã thức tỉnh chỉ một lúc là các tập khí, thói quen xấu dứt trừ được hết. Kết quả còn tùy theo sự huân tập tật xấu nhiều hay ít của mỗi người. Tuy nhiên, có tu có sửa là có giảm bớt. Nhiều người bên ngoài cứ nghĩ rằng quý Thầy tu là phải hoàn thiện về mọi mặt để làm gương cho nhân thế, nhưng thực tế muốn chuyển hóa những thói quen tập khí xấu cũng cần phải có thời gian lâu dài.

   Tu có nghĩa là sửa, như chiếc xe hư tùy theo mức độ nặng nhẹ mà sửa nhiều hay ít. Cũng vậy, mọi người đều có sự huân tập thói quen tốt và xấu khác nhau, người thì nặng về tham dục, người thì nặng về si mê, người thì nặng về sân hận, còn tôi thì nặng cả ba, nên từ 7 tuổi đã bắt đầu dính mắc vào những chuyện vu vơ, vớ vẫn. Hiện tại tôi có nhân duyên được xuất gia tu hành, nhưng để chuyển hóa những thói quen đó thật khó khăn vô cùng, phải trầy da, tróc vẫy như chú cá bị sa lưới, bắt vào giỏ. Trên lý lẽ, mọi việc dường như rất dễ dàng, nhưng thực tế mọi chuyện không đơn giản tí nào. Đành rằng quay đầu là bờ, nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy bờ, còn phải gắng lội mới tới bờ được. Nếu ngay nơi đó chúng ta tự mãn nghĩ rằng đã xong, thì thời gian qua rồi cũng đâu vào đấy.

   Bản thân tôi là một bằng chứng thiết thực. Tuy có chút giác ngộ, thấm nhuần được nỗi khổ, niềm đau, biết được tác hại của si mê chấp ngã, nhưng tôi vẫn không đủ sức làm chủ bản thân mỗi khi gặp những nghịch cảnh, chướng duyên ngăn ngại. Tôi vẫn nóng giận vì bị thói quen thâm căn cố đế đó sai xử. Những lúc tỉnh giác mới biết mình còn kém dở rất nhiều nên trong lòng luôn sanh tâm hổ thẹn. Thói quen sân hận của chúng tôi vẫn còn bùng mạnh mỗi khi gặp việc bất bình xảy ra. Cho nên vì vậy, những quyển sách tôi viết ra đây có hai điểm đặc biệt xin được bật mí cùng các bạn. Một là cảm hứng từ sự an vui hạnh phúc, hai là trong trạng thái buồn chán bất mãn một việc gì đó mà cũng viết được thành sách.

   So ra, với ngài Khuất Nguyên khi xưa tôi tự thấy mình còn quá dỡ tệ, tự dặn lòng phải cố gắng chuyển hóa sửa sai. Ngài Khuất Nguyên thấy thế gian này đều đục cả nên trầm mình dưới sông mà chết, để lại dư âm, tiếng xấu muôn đời. Tôi bây giờ đầy đủ phúc duyên được gặp thầy lành bạn tốt nhắc nhỡ chỉ dạy, nên có phần thuận lợi về mọi mặt để tu hành, chuyển hóa, những thói quen xấu vì vậy đã giảm bớt rất nhiều. Ấy thế mà tôi vẫn trầy da, tróc vẫy, lơ là một chút là tập khí nóng giận lại bộc phát như thường.

   Này các bạn! Tôi vẫn biết hiện tại mình còn quá nhiều tập khí, nên nói ra đây một chút tâm tình để chúng ta cùng thông cảm và tha thứ cho nhau. Ta phải cố gắng tiến tu với tâm bền bỉ lâu dài, đừng để tháng ngày buông xuôi vô ích, như chiếc lục bình trôi theo dòng nước thì uổng phí một thân người. Các bậc Thánh nhân, các vị Bồ tát thành tựu đạo pháp là vì các Ngài siêng năng tinh cần, tích cực khắc phục diệt trừ thói xấu từ khi còn nhỏ dại trong từng phút giây, nên lớn lên dù Phật sự nhiều nhưng các ngài vẫn làm chủ bản thân, không để các tạp niệm chi phối dù tốt hay xấu nên vẫn an vui, tự tại. Chúng ta vì nhiều kiếp tu ít mà muốn hưởng thụ nhiều, nên phước mỏng, nghiệp dày do đó dễ dàng bị thói quen xấu sai xử, nhưng ta cũng đừng vì thế mà thất chí nản lòng. Như con rùa từng bước chậm chạp nhưng đều đặn đi tới, tuy tốn nhiều thời gian, công sức mà lòng ta lúc nào cũng cố gắng quyết chí, kiên trì, bền bỉ thì thói quen xấu dù có bằng trời cũng sẽ hết theo thời gian.

   Chúng ta hãy nên cảm thông cho người quá nóng giận, mà nói lời căm tức hay thù ghét. Vì quá đau khổ nên người ấy mất tự chủ nói ra những lời chua chát, đắng cay khiến cho người khác khó chịu mà tìm cách lánh xa. Muốn chuyển hóa cơn sân hận, ta cần phải thực tập hạnh lắng nghe, với tâm buông xả, không chấp trước. Khi mình lắng nghe với tấm lòng rộng mở sẽ làm người khác bớt khổ, có cơ hội tâm sự, trình bày, giảm bớt mặc cảm tội lỗi mà không rơi vào trạng thái cô đơn, tuyệt vọng. Nếu ta một bề chỉ biết lắng nghe mà không phán xét, nghi ngờ, trách móc. Ai thường xuyên thực tập hạnh lắng nghe sâu sắc với tâm từ bi rộng mở, thì có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và si mê của họ.

   Có hai vợ chồng nhiều năm đã tan vỡ hạnh phúc, không thể ngồi lại cùng nhau để chia sẻ hay hóa giải mọi điều. Ai cũng nghĩ mình đúng, người sai, nên dù ở chung một nhà mà không ai chịu nói chuyện, hể gặp mặt nhau thì lạnh lùng như sắt đá. Tuy sống không hạnh phúc, nhưng họ vẫn chịu đựng như thế suốt một thời gian dài, không dám ly dị vì sợ  ảnh hưởng đến con cái. Hôm đó, cô vợ buồn quá và vô cùng tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết, bèn điện thoại cho một người bạn nói rõ sự tình. Người bạn khuyên cô hãy đến Thiền Viện tham quan một chuyến biết đâu mọi chuyện sẽ được tốt đẹp hơn. Dù đang trong cơn tuyệt vọng, nhưng nghe lời khuyên nhủ của bạn nên cô cũng sắp xếp thời gian để đến Thiền Viện.

   Đây cũng là một nhân duyên lớn vì hôm đó nhằm ngày giảng pháp hàng tháng tại Thiền Viện. Cô được nghe bài pháp thoại “hạnh phúc và khổ đau” suốt hơn một giờ đồng hồ, nhờ vậy cô đã nhận ra sai lầm lớn lao là chính mình làm cho mình đau khổ, và cũng làm cho người xung quanh đau khổ. Trong nhiều năm qua, chính cô đã làm tình cảm vợ chồng lâm vào cảnh bế tắc, không ai muốn nói chuyện với ai. Tuy hai người sống chung một mái nhà, ăn chung mâm, ngủ chung phòng nhưng phòng the gối chiếc lạnh lùng, tình cảm nguội dần nên đắng cay, đau khổ vô cùng.

   Suốt thời gian dài trong sáu năm trời, hai người thỏa thuận cùng đi dự đám cưới, tiệc mừng sinh nhật, nhưng khi về nhà thì mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống. Họ sống giống như người câm mà không biết ra dấu. Nhìn bên ngoài ai cũng tưởng gia đình hạnh phúc, nhưng bên trong lại không khác chốn ngục tù. Họ đâu biết rằng nỗi khổ niềm đau hai người ngày thêm lớn mạnh, vì họ diễn xuất khéo nên ai cũng thầm ước ao được như họ. Nhưng trên thực tế thì lại hết sức phũ phàng, họ đang sống trong khổ đau tuyệt vọng.

   Chúng ta chỉ luôn bảo vệ sĩ diện bản ngã của riêng mình, nên đã cam tâm đành lòng sống giả để che mắt mọi người. Vì sống với nhau mà không biết cảm thông và tha thứ, do đó nỗi khổ niềm đau bị đè nén lâu ngày nên hai vợ chồng rơi vào trạng thái cô đơn tuyệt vọng. May nhờ người bạn là Phật tử thuần thành, nên khéo léo khuyên nhủ cô đến Thiền Viện được nghe pháp mà hồi tâm, tỉnh trí.

    Phật pháp quá mầu nhiệm và siêu thoát, nhờ vậy cô quay lại chính mình trở về với đời sống thực tại, mà phá tan bao thành trì cố chấp từ xưa nay. Cô cảm thấy lòng hân hoan, vui mừng phấn khởi vì cửa giải thoát mở ra bao năm nhưng chính cô đã tự mình khóa lại. Hồi tưởng về những tháng năm đau khổ, nghĩ tới đây cô ân hận đủ điều. Giờ chỉ còn chờ ông xã đi làm về để thổ lộ tâm tình với lòng ăn năn, hối lỗi bằng trái tim hiểu biết.

   Chiều hôm đó, anh chồng về sớm hơn mọi bữa, cô mới nói, “anh yêu dấu của em, bao năm qua em đã lỡ lầm làm anh cho đau khổ, xin anh mở lòng rộng lượng cảm thông và tha thứ cho em, em còn non dại, còn khờ khạo lắm, nên đã làm anh buồn và đau khổ vì em. Xin anh hãy vì hạnh phúc  gia đình từ bi mở rộng tấm lòng thương yêu mà tha thứ cho em, hỡi anh yêu dấu!”. Anh chồng đã gần 6 năm trời chưa bao giờ nghe được một lời nói yêu thương, ngọt ngào như thế nên anh nghĩ chắc mình đang nằm mơ, nhưng không ngờ đây lại là sự thật.

   Lời nói ngọt ngào và yêu thương ấy như rót mật vào lòng, anh như người chết đi sống lại, cảm thấy mình trẻ lại hơn 20 tuổi, rồi bất giác ôm chầm lấy vợ mà hai hàng lệ rơi. Rồi hôm đó hai người quấn quít bên nhau suốt cả đêm để cùng tâm sự, giải bày.

   Để duy trì và bảo vệ hạnh phúc gia đình, ngoài tình yêu lứa đôi ta còn các mối quan hệ khác như người thân, bạn bè, con cái. Muốn giữ được tổ ấm thật sự trong hôn nhân quả thật là rất khó. Phàm đã làm người khó ai có thể hoàn hảo tất cả về mọi mặt, nên ta cần phải biết cảm thông và tha thứ vì những điều khiếm khuyết của nhau.

     Nếu không có lòng khoan dung, độ lượng, cảm thông, tha thứ cho nhau, hạnh phúc dễ đổ vỡ, lụy tàn. Cuộc sống gia đình không có niềm vui, hạnh phúc yêu thương sẽ đưa đến sự mệt mỏi, chán chường. Từ đó, ta không tôn trọng nhau, ta ích kỷ, hẹp hòi và hay so đo, tính toán. Nên mọi khổ đau đều bắt nguồn từ việc không cảm thông là vậy.    

   Nếu có hiểu biết, ta sống có cảm thông, có yêu thương, biết chấp nhận thói xấu của người, biết nhường nhịn, chia sẻ, lắng nghe, thì trái tim sẽ bao bọc trái tim, hạnh phúc vì thế sẽ được viên mãn, lâu bền.

   Tại sao ta hay giận hờn hoặc trách móc lẫn nhau mà không có sự thông cảm, sẻ chia, để đến nỗi cùng sống chung một mái nhà, mà ta lạnh lùng, dửng dưng như không quen biết. Nhớ lại cách nay hơn 20 năm trước, khi mới quen nhau, yêu nhau thì tình yêu thật thơ mộng biết bao. Bởi vậy mới nói, tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ, đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

   Tại sao khi mới biết yêu, trái tim ta màu xanh nhưng khi đã thành vợ chồng với nhau thì trái tim ta lại dần xám xịt. Ta trở nên héo khô, cằn cỗi, trở nên cô đơn tuyệt vọng đến nỗi phải trầm mình xuống sông như người thiếu phụ Nam Xương mà tôi đã đọc được. Người chồng hay vợ không vừa ý trong công việc hoặc oan ức điều gì thì cả hai bên phải khéo léo chuyển biến tâm trạng tiêu cực của mình sang hướng khác, không nên giận cá chém thớt, trút đổ bực bội, vô lý với người kia. 

   Một số người căng thẳng công việc bên ngoài nhưng về nhà lại vô cớ trút giận lên chồng, vợ, con cái khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng, chán chường. Tốt hơn hết, nếu gặp phải điều này, ta nên tâm sự cùng nhau để loại trừ những ấm ức trong lòng. Hôn nhân không chỉ là cùng nhau xây dựng ngôi nhà mà còn là việc chia sẻ tâm tư, và trải lòng với nhau. Dân gian có câu : đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Ta sống với nhau đâu chỉ có tình yêu trên thể xác mà còn cần phải trách nhiệm tinh thần. Nếu ta chỉ biết tình yêu trên thể xác thì chẳng qua là sự lợi dụng lẫn nhau mà thôi chứ đâu có tình yêu đích thực. Việc thiếu cảm thông và an ủi sẻ chia bằng tình yêu thương chân thật, ta sẽ dễ dàng gây đau khổ cho nhau.

    Biết cảm thông, tha thứ những khiếm khuyết hiện tại là biện pháp tốt nhất để điều hòa mối quan hệ vợ chồng. Thông cảm và chấp nhận bỏ qua những khiếm khuyết của nhau, thực tế là một phương pháp điều hòa thích hợp, thông qua đó sẽ hóa giải những căng thẳng, mâu thuẫn hoặc xung đột giữa chồng và vợ. Ta hãy nên sống bằng trái tim hiểu biết để mở rộng tấm lòng yêu thương với nhau nhiều hơn.

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-125_4-17286_5-50_6-2_17-286_14-1_15-1/

Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang