Pháp Môn Nhẫn Nhục - Hòa Thượng Tuyên Hóa


Quý vị nên biết rằng Sư Phụ nầy của quý vị rất nghiêm khắc, chứ không ngọt ngào gì đâu. Có lúc tôi nghiêm khắc đến nỗi đệ tử tôi phải chảy cả nước mắt, nước mũi nữa đó. Nay tôi xin kể cho quý vị biết là tôi làm sao mà học được cái tánh như thế.

Khi mười sáu tuổi, tôi đã bắt đầu giảng kinh Kim Cang. Trong kinh có nói về một vị tiên nhẫn nhục, vị nầy dù bị vua Ca Lợi chặt đứt cả tứ chi mà vẫn không hề sanh tâm sân hận. Sau khi đọc câu chuyện đó, tôi bèn phát nguyện học theo và một lòng nhất tâm tu pháp môn nhẫn nhục.

Tôi biết tánh mình bẩm sinh là nóng nảy và cang cường bướng bỉnh. Cho nên tôi phải tu pháp môn nhẫn nhục là thích hợp nhất. Nhưng một khi tôi hạ quyết tâm, thì bao nhiêu khảo nghiệm thử thách từ bốn phương tám hướng ào ào kéo tới. Có người xưa nay chưa từng mắng tôi, giờ nầy cũng mắng tôi; người vốn chưa hề đánh tôi, giờ đây cũng đánh tôi. Bạn bè trước đây vốn đối xử với tôi rất tốt, kết quả lại chuyên môn công kích tôi. Thế nên tôi tự xét rằng: “Mình giảng kinh Kim Cang cho người ta, trong kinh có nói về ông tiên nhẫn nhục bị cắt đứt cả tay chân mà không sanh lòng sân hận. Hiện nay những người nầy chỉ chửi mắng mình, công kích mình, chớ họ chưa đến đổi chặt đứt tay chân của mình, nếu mình không thể nhẫn nhục thì làm sao mình còn giảng được kinh Kim Cang nữa đây?”

Vì thế tôi bèn hạ quyết tâm là phải nhẫn nhục. Bất luận những ai đối với tôi không tốt, thậm chí là họ muốn hại tôi, tôi cũng đều nhịn nhục hết. Kết quả là tôi không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động. Kỳ thật những người nầy không phải muốn đến hại tôi, mà trái lại họ giáo hóa tôi, xem tôi có chịu nổi mấy thứ khảo nghiệm đó không. Ai mắng tôi thì tôi hướng về người đó khấu đầu đảnh lễ. Có ai đánh tôi thì tôi ngủ ngay một giấc cho họ xem. Lúc còn ở nhà, tôi vẫn thường thường bị mấy thứ như thế đả kích. Nhưng sau khi xuất gia, các bậc thiện tri thức cũng lại tới lui không dứt. Ôi thôi những vị xuất gia trước sau, tả hữu bao quanh bên tôi, chẳng một ai xem tôi ra gì. Họ đều coi tôi như cái gai trước mắt, đều muốn ức hiếp tôi. Có ông thầy khi thấy tôi thắp hương bèn mắng lớn: “Chú mà xuất gia cái gì? Thắp một cây nhang cũng không biết. Thật là đần độn! Còn dám nói tới xuất gia nữa sao!”

Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng: “A! Khảo nghiệm lại đến nữa rồi. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt đứt tay chân mà không sân hận. Còn hiện nay mình chưa bị như thế mà. Được rồi! Thì cứ khấu đầu đảnh lễ ông ta!” Thế là tôi đến trước mặt thầy đó khấu đầu cúi lạy để cám ơn ông ta đã giúp đỡ tôi. Lúc bấy giờ, bất luận là những bậc “thiện tri thức” xuất gia hay tại gia, họ đã không ngừng đến giúp đỡ tôi như thế, nhưng lòng tôi đối với họ vẫn không một mảy may sân hận. Mỗi lần như vậy, tôi đều hồi quang phản chiếu: “Nhất định là lúc xa xưa mình đã không hề giúp họ, trái lại hôm nay họ lại giúp mình, vậy mình phải cảm tạ họ mới phải chớ!”

Bây giờ các vị đã hiểu rõ chưa? Sư Phụ của quý vị là ông thầy như thế đó. Là ông thầy chuyên môn tu hạnh nhẫn nhục, chuyên môn bị người ta ức hiếp. Tôi chuyên môn nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn, nhường những cái người ta không thể nhường. Con người như vậy thì có lợi lộc gì? Nhưng quý vị đã quá bất hạnh, vì gặp phải một người chẳng có ích lợi. Vậy sao quý vị vẫn còn muốn học tập theo cái ông Sư Phụ ngu si nầy? Nhưng khi quý vị đã theo tôi rồi, tôi cũng không thể không kể lại chuyện quá khứ từng trải của tôi, là tôi đã đến từ con đường tu hạnh nhẫn nhục đó.

Quý vị học Phật, không nên nghe cho nhiều Phật Pháp rồi lại không chịu thực hành, mà hãy nên cung hành một cách thực tiễn. Quý vị nên tự bản thân y chiếu và cố gắng áp dụng theo những điều răn dạy của đức Phật.

Chúa Giê-Su đề xướng chủ thuyết “Ái địch” là yêu thương kẻ thù địch. Đối với người không tốt với ta, thì ta lại càng phải yêu thương người đó.

Còn Phật giáo chủ trương “Oán thân bình đẳng,” là dù thân hay thù, mình cũng đều xem như nhau. Lòng nhân từ của chúng ta đối với ai cũng nên bình đẳng, không phân biệt thân sơ, khinh trọng. Nếu người học Phật không thể thực sự hành theo, thế thì học đến bao giờ cũng chỉ là học cạn cợt bên ngoài, chứ không thể nào đạt được sự lợi ích chân thật!

Hãy nhớ kỹ! Nhớ kỹ! Bước đầu học Phật nhất định là phải tu nhẫn nhục! Cứ kể như là có người muốn giết mình, mình cũng không nên có tâm sân hận. Thậm chí là nếu so với chỗ tu hành của ông tiên nhẫn nhục, chúng ta lại càng phải tiến hơn một bước. Nhưng đó cũng không phải có ý nói: “Ông tiên tu nhẫn nhục bị chặt đứt tay chân mà không khởi tâm sân hận, vậy bây giờ anh có thể chặt thân thể của tôi đi, tôi cũng không sân hận đâu!” Đó là bắt chước người ta, chứ không phải là từ ý của mình, như vậy là bị hạng nhì rồi. Không những tay chân mình dù có bị chặt, mình chẳng giận hờn, thậm chí nếu thân bị bằm tan xương thịt nát, mình cũng không nên sân hận! Bởi vậy khi có người phỉ báng tôi, hoặc giả đối xử không tốt với tôi, tôi cũng chẳng giận hờn.

Nhẫn Là Bảo Vật Vô Giá

Đã là Phật tử, chúng ta nhất định phải biết nhẫn. Nhẫn cái gì? Là nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn. Có người nói: “Tôi thật là nhịn hết nổi rồi!” Nếu chúng ta nhịn hết nổi, tức là không thể “hết” được. Hết cái gì? Là hết nghiệp chướng. Nếu nghiệp không tiêu, tình chưa không, tức là còn có sanh tử. Cho nên nói: “Nghiệp bất trọng, bất sanh Ta-bà. Ái bất đoạn, bất sanh Tịnh độ.” Chừng nào nghiệp tận, tình không, đến lúc đó chúng ta mới hết sanh tử và được giải thoát thật sự.

Người tu hành nên có công phu tu nhẫn nhục. Nhẫn đói, nhẫn khát, chịu gió, chịu mưa, chịu nóng, chịu lạnh, đến nỗi phải nhẫn sự chửi mắng, và nhẫn sự đánh đập luôn. Những cảnh nầy đều là thử thách. Như tôi thường nói: “Tất cả là khảo nghiệm, xem bạn sẽ làm sao? Đối cảnh mà không biết, phải luyện lại từ đầu.” Dù gặp nghịch cảnh như thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên tiếp nhận với tâm lý “nghịch lại thuận thọ.” Chúng ta đừng để cảnh giới xoay chuyển, hoặc dựng cờ trắng mà đê đầu xin hàng phục. Người xưa nói: “Việc nhỏ mà không nhịn tức sẽ làm hư chuyện lớn.” Nhẫn nhịn là bảo vật vô giá: “Nhịn giây lát, gió yên sóng lặng; lui một bước, biển rộng trời xanh.”

Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một hôm Ngài đi ngang qua bờ sông và thấy một con dã can (thuộc loài lang sói), muốn ăn thịt con rùa. Nhưng con rùa thì rút đầu, thụt cả chân tay vào trong cái mai, rồi nó nằm yên không động đậy một lúc thật lâu. Dã can vì không có tâm kiên nhẫn nên bỏ đi, còn rùa nhờ có lòng nhẫn nại mà bảo tồn được sanh mạng. Đức Phật nói với Tôn giả A Nan rằng: “Người tu hành cũng nên như vậy.” Bậc cổ đức nói: “Gần đây tôi mới học được cách của con rùa, lúc nào đáng rút đầu thì hãy rút đầu.”

Trong lúc nóng giận mà quý vị nhịn được, thì quý vị sẽ miễn lo âu cả trăm ngày. Nếu người ta chửi mình, xem như mình đang thưởng thức một bài hát đang thịnh hành. Nếu có người đánh mình, xem như mình đi đường vô ý va vào cột cửa. Nếu quý vị quán tưởng như thế, dù là giáo mác gì cũng tự nhiên biến thành ngọc lụa. Nếu không, ngọn lửa vô minh nổi cơn lôi đình sẽ bốc cao ba trượng, mà phát thành một trận đại chiến. Kết quả hai bên đều bị thương, không những tổn thương tình cảm, lại còn mất cả nhân cách và bị người ta chê bai là mình thiếu tánh điềm tĩnh.

Cho nên nói: “Thọ tận thiên hạ bá ban khí, dưỡng tựu hung trung nhất đoạn xuân,” tức là chịu được hết trăm lần lời chỉ trích của thiên hạ, sẽ nuôi dưỡng thành khúc nhạc xuân trong tâm ta. Chúng ta có thể lấy những lời vàng ý ngọc nầy để làm câu châm ngôn cho mình.

Trích: Khai Thị 6

Hòa Thượng Tuyên Hóa

http://www.tinhdo.net/khaithi/43-hoathuongtuyenhoa/361-nhan.html
Chủ đề: , ,

2 comments

  1. chị CN, bài này QUÁ QUÁ hay :-)
    bài nào của HT đọc hoài hoài vẫn chưa đã :-)
    Mới đây dỗ của ngài, Chùa Vạn Phật đông ngập phật tử đó chị. Sắp hàng mệt nghỉ để xem xá lợi của ngài :-)

    ReplyDelete
    Replies
    1. vậy là bumble bee cũng có đi Vạn Phật thường lắm hả? :-)

      Delete

Lên đầu trang