Nấu chay: Bí đỏ hấp và bài thuốc

bihap 002

Món này làm cực kỳ đơn giản, nghe tên là biết làm liền.   DS được chị bạn đạo cho nửa trái bí hữu cơ, hấp ăn thôi mà nó rất ngọt, ăn như mình ăn khoai lang vậy.  DS để nguyên nửa trái hấp khoảng 20 phút cho vừa chín tới.  Hấp lâu bí bị mềm ăn mau ngán.  Hấp xong mới cắt ra từng miếng, bỏ ruột, lấy hột đem đi nướng ăn.  Vì là bí hữu cơ nên không gọt vỏ.  Hấp xong rồi mới cắt ra từng miếng dễ hơn là cắt bí còn sống.  Các bạn cũng có thể lấy bí hấp nấu canh hay làm món gì mà mình thích, rất tiện.

Dưới đây là phần trích trong sách Món ăn bài thuốc của Dược sĩ Bùi Kim Tùng vài điều về bí đỏ.

Bí đỏ tên khoa học là Cucurbia pepo, họ Bầu bí.

A.  Đọt bí

Đọt bí ngô dùng làm rau ăn: xào, um (xào nước) hay nấu canh.  Đọt bí có tính thanh nhiệt; nhuận tràng do chất xo kích thích nhu động ruột.

Món chay đọt bí đỏ xào với cà chua có tính thanh nhiệt, nhuận tràng.  Đây là một kết hợp đồng vận vì cả hai đều có tính chống oxy-hóa, chống lão hóa.  Khi trời nắng nóng nên ăn món này.

B.  Hoa bí

Hoa bí cũng thanh nhiệt nhuận tràng nhưng hơi chát nên có tính thu sáp nhẹ.  Thu sáp nên cầm mồ hôi, cố tinh.

Hoa bí có beta-carotene, một chất tiền sinh tố A.  Vào cơ thể, beta-caroten sẽ chuyển hóa thành vitamin A với hiệu suất khoảng 25%.  Hoa bí um cà chua là món ăn chay có tính thanh nhiệt.  Lycopen của cà chua giúp tăng hấp thụ caroten vào máu.  Beta-caroten và lycopen chống lão hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.

C.  Quả bí non

Đồng bào khẩn hoang thường trồng các cây ngắn ngày như ngô, khoai mì, bí đỏ…  Quả bí đỏ non dùng thay rau, luộc hoặc nấu canh; nhưng ăn nhiều bị tiêu chảy.  Đọt bí làm rau ăn an toàn hơn quả non.

D.  Quả bí chín

100g quả bí chín sinh 25-30 calori.  Thành phần: 90% nước, 8% glucid, 1% protein, 19mg photpho, 430mg kali, 23mg calci, 17 mg manhê, 0,5mg sắt, 8mg vitamin C (15% nhu cầu hàng ngày), 22mcg folacin (11%), 1mg beta-caroten.

Quả bí đỏ làm nhiều món ăn: luộc, xào, canh, chè, cháo, và các món ăn chay:

Em về Bình định cùng anh,
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

d.1- Thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch.

Vào mùa nóng nực nên ăn bí đỏ.

d.2-Quáng gà, khô mắt.

Quáng gà là nhìn không rõ khi thiếu ánh sáng, lạng quạng như con gà vào lúc sẩm tối.  Thiếu vitamin A sinh bệnh khô mắt, quáng gà nhưng dư Vitamin A cũng bị độc. 

Beta-caroten của bí đỏ vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A.  Cơ thể là một bộ máy tuyệt vời, nó chỉ chuyển hóa caroten thành vitamin A khi cần thiết.  Một khi  đã đủ nhu cầu nó không thể chuyển hóa nữa, vì thế ăn bí đỏ không sợ dư thừa vitamin A, khá an toàn.

Rất hiếm khi dư caroten tới độ vàng da, chỉ cần ngưng ăn một thời gian là cơ thể tự đào thải.

Nên ăn cà chua, lycopen trong cà chua giúp tăng hấp thụ caroten vào máu.  Beta-caroten và lycopen cùng thuộc nhóm carotenoid, chúng có khả năng chống oxy-hóa, chống lão hóa, ngăn chận các bệnh tim mạch và ung thư.  Hãy dùng thực phẩm có beta-caroten mà tránh dùng hóa chất tinh khiết.

d.3-Giảm thân trọng.  Bí rợ có khả năng sinh nhiệt thấp nên dùng vào thực đơn giảm thân trọng.

Ăn cho sướng miệng đã thèm,
Phát phì to béo chòm chèm cái lu.
Nhịn ăn nhịn uống mệt đừ,
Mà sao mỡ bụng, mỡ lườn vẫn dư.

Đừng nhịn ăn mà chỉ tiết thực, giảm chất béo.  Thân trọng giảm từ từ an toàn hơn là xuống nhanh; vì xuống nhanh rồi sẽ lên trở lại. Thân trọng giảm nhanh khiến da nhăn nhúm như cụ già:

Ông trăng mới bảo ông trời
Đàn bà hạ giới sống đời như tiên.
Ông trời mới bảo ông trăng
Đàn bà hạ giới mặt nhăn như tiều (khỉ).

d.4-Phòng chống tim mạch

Mập phì cần giảm cân đã đành, còn người bệnh tim mạch cũng phải ăn kiêng để giảm cân là sao?  Sự kết đọng chất béo làm thành mạch máu mất tính đàn hồi nên huyết áp tăng.  Vết đọng này kéo theo xơ động mạch, thành mạch dày thêm và mạch máu giảm khẩu độ, tuần hoàn trì trệ dẫn tới thiểu năng động mạch vành.  Máu nhiễm mỡ cũng tạo thuận lợi cho sự kết đọng tiểu cầu, sản sinh ra máu cục; máu cục làm tắc nghẽn mạch máu tim gây nhồi máu cơ tim; nó vào não gây tai biến mạch máu não.  Rõ ràng việc ăn kiêng giảm mỡ là biện pháp phòng chống các bệnh tim mạch.

Xơ động mạch do lipoprotein LDL oxy hóa.  Beta-caroten trong bí đỏ có khả năng chống oxy hóa.

Trong thời gian điều trị bệnh tim mạch bằng các chất “ức chế men chuyển”, ăn ít bí đỏ (do có nhiều kali).  Đây là phản ứng tương tác giữa thuốc và thức ăn, được đề cập trong sách Kết hợp thuốc của DS.  Bùi Kim Tùng.

d.5-Trị bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có liên quan gì đến mỡ đâu mà cũng phải kiêng mỡ và giảm thân trọng?  Sự kết đọng chất béo vào thành động mạch ngăng chận khuếch tán glucoz, ức chế hoạt tính của các “chất vận chuyển glucoz”.  Máu nhiễm mỡ làm cho tuần hoàn trì trệ, tạo thuận lợi cho việc liên kết protein-glucoz; dưới dạng liên kết đại phân tử, glucoz không thể thoát ra ngoài mạch.  Đây là các nguyên nhân khiến glucoz-huyết tăng ở những người mập phì bị bệnh tiểu đường loại II (không phụ thuộc insulin).

Beta-caroten chống oxy hóa lipoprotein LDL, ngăn chặn xơ động mạch nghĩa là giúp cho glucoz dễ khuếch tán ra khỏi mạch máu.  Beta-caroten còn chống lão hóa, mà lão hóa là một trong những nguyên nhân của bệnh tiểu đường.

Bí đỏ lại có ít chất bột nên rất thuận lợi cho thực đơn người bệnh tiểu đường.

d.6-Nhuận tràng

Quả bí non nhuận tràng mạnh hơn bí chín.  Người mập phì thường táo bón.  Ăn bí đỏ giảm cân lại nhuận tràng.

d.7-Khi bị sạn thận, hãy ăn bí đỏ và cà rốt để bổ sung vitamin A nhằm giúp ống tiểu không khô rít.

E-Hạt bí.

100g hạt bí (phần ăn được) sinh 541 calori, có 25g protein, 46g chất béo, gamma tocopherol, delta-phytosterol và một aminoacid riêng biệt là cucurbitin.  Các delta phytosterol (24-alkylsterols) bao gồm cholesterol, isofucosterol, sitosterol, stigmasterol,  isoavenasterol, spinasterol (theo Herbel medicines 1999).

e.1-Hạt dưa ngày tết.  Chất béo sinh 765 năng lượng của hạt bí đỏ, chia ra 15% do acid béo bão hòa, 35% do acid béo nhiều nối đôi, 23% do acid béo một nối đôi.  Với thành phần này, chất béo trong hạt bí ngô tốt hơn hạt dưa nhưng không bằng hạt hướng dương.  Trong dịp tết, hãy thay tập quán cắn hạt dưa bằng hạt bí đỏ, vừa tốt hơn, dễ cắn hơn và không có phẩm màu (tác nhân ung thư).

e.2-Trị giun sán.  Y học dân gian dùng hạt bí để trị giun sán.  Mỗi lần dùng khoảng 30g hạt bí rang bỏ vỏ, ăn vào sáng sớm.  Không nhịn ăn cũng được nhưng nhịn ăn vẫn tốt hơn.  Một giờ sau uống thuốc xổ càng tốt.  Nên dùng vài ba lần cho hết hẳn trứng ký sinh trùng.

Dịch chiết cồn hạt bí đỏ diệt được sán sơ mít Toenia saginata và Toenia solium; nó chỉ tác dụng vào trứng và đốt sán nhưng chưa đủ hiệu lực làm tê liệt đầu sán, hãy kết hợp với Bình lang (hạt cau) thì kết quả hoàn chỉnh 95%.  Để diệt sán xơ mít, uống 90-120g hạt bí rang (đã bỏ vỏ), kết hợp với hạt cau.  Thuốc hiệu lực trong vòng 40-60 phút.

Dịch chiết nước trị được giun đũa và giun kim.  Cucurbitin trong hạt bí đỏ trừ được giun đũa và giun kim với nồng độ 1/4.000 (Fang SD, Acta Chim Sin 1962).  Hiện chưa rõ hoạt chất trị xán xơ mít là cucurbitin hay chất khác. 

Chen Z đã báo cáo rằng hạt bí đỏ có khả năng diệt Schistosomia, cả ấu trùng lẫn trưởng thành (Acta Pharm Sin 1980).

Chúc các bạn làm được nhiều món ngon với bí đỏ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Diệu Sương

Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang