Lược sử đức Phật Thích Ca Mâu Ni
(Từ đản sinh đến thành đạo)
A. Mở Đề
Cuộc đời đức Phật Thích Ca là một tấm gương sáng. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi sư im lặng của Ngài đều là những bài học quý báu. Vì vậy, người Phật tử cần phải học hỏi và tìm hiểu ý nghĩa thâm thúy của đời Ngài để đem áp dụng vào cuộc sống.
B. Chánh Đề
I. Ý nghĩa việc đản sinh của đức Phật Thích-ca:
-Đản sinh (giáng sanh, thị hiện): sự ra đời vui vẻ, đem lại an lạc cho cuộc sống.
Đức Phật là một con người như tất cả con người, con người có bao nhiêu sự đau khổ phiền não nổi niềm sầu muộn ưu tư , thì Đức Phật cũng đã có như thế, nên cảm thông được tất cả.
Khi đức Phật sanh ra 1 tay chỉ trời, 1 tay chỉ đất, bước bảy bước trên 7 hoa sen: "Trên trời, dưới trời chỉ TA là trên hết, ba cõi đau khổ ta sẽ làm cho được an."
TA: chân ngã, tâm thanh tịnh, chân thật có sẵn nơi mọi người, cái đó là cao tột, tối thượng.
Số 7:
Không gian có 4: Đông, Tây, Nam, Bắc
Thời gian có 3: quá khứ, hiện tại, vị lai
Chân lý sự thật chứng ngộ vượt qua không gian thời gian, đúng với mọi lúc mọi nơi.
Hoa sen ở trong bùn mà không bị nhiễm ô
-Hình ảnh tay chỉ trời, tay chỉ đất, đi bảy bước trên hoa sen: sự thật mà đức Phật chứng ngộ siêu việt không gian và thời gian.
II. Hoàn cảnh và dòng dõi:
Đức Phật đản sinh ở xứ Trung Ấn Độ, hiện là nước Népal, một nước ở ven sườn dãy Hy Mã Lạp Sơn, một dãy núi đẹp và cao nhất thế giới. Song thân Ngài là vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da. Ngài thuộc dòng dõi Thich Ca.
Một hôm hoàng hậu Ma-da nằm mộng, thấy con voi trắng sáu ngà từ trên hư không đi xuống, lấy ngà khai hông bên phải của bà mà đi vào. Bà đem điềm chiêm bao ấy thuật lại cho vua Tịnh Phạn nghe. Vua ra lệnh mời các thầy đoán mộng. Các nhà tiên tri đoán rằng: "Hoàng hậu sẽ sinh một quý tử tài đức song toàn". Vua Tịnh Phạn mừng rỡ vì ngôi báu từ đây sẽ có người truyền nối.
Voi trắng 6 ngà:
Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Trắng: thanh tịnh. Đức Phật đã viên mãn lục độ vạn hạnh ở trong cái tâm thanh tịnh.
Đến sáng ngày mồng 08 tháng 04 âm lịch (trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm-tỳ-ni, cách thành Ca-tỳ-la-vệ 15 km, Hoàng hậu Ma-da đang ngoại cảnh, trông thấy cành hoa Vô Ưu mới nở thơm ngát, bà đưa tay phải với hái, ngay lúc ấy thì thái tử đản sinh.
Vua Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết, mời các vị tiên tri đến xem tướng thái tử. Trong số ấy, có đạo sĩ A-tư-đà tu ở núi Hy Mã Lạp, tiên đoán rằng: “Vì thái tử có 32 tướng tốt xuất hiện, nên sẽ trở thành một vị Thánh”.
Tiên A Tư Đà xem tướng thái tử rồi bật khóc. Ông nói sau này Thái tử sẽ thành bậc giác ngộ cứu cánh trọn vẹn, Pháp âm của ngài vang khắp mọi nơi mà ông không còn sống để lắng nghe giáo pháp nhiệm mầu của đức Phật.
Vua Tịnh Phạn muốn đổi số mạng con mình, nên đặt tên cho thái tử là Tất Đạt Đa. Theo tiếng Phạn, Tất Đạt Đa có nghĩa là: “Kẻ sẽ giữ chức vụ mà mình phải giữ”.
Sau khi sinh thái tử được bảy ngày, hoàng hậu Ma-da qua đời. Vua Tịnh Phạn giao thái tử cho em gái hoàng hậu là Ma-ha Ba-xà-ba-đề nuôi dưỡng.
III. Tài năng và đức hạnh:
Càng lớn, diện mạo thái tử càng khôi ngô, tài năng càng phát lộ. Ngài có sức khỏe hơn người, trí thông minh xuất chúng, từ nghề văn đến nghiệp võ. Dù thế, Ngài vẫn không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp. Bởi thế, Ngài được trên vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể vì.
Một hôm vào lễ Hạ Điền, Thái tử được vua cha và quan tham dự, Thái tử thấy những luống cày có sâu bật lên chim bay tới ăn, rồi chim nhỏ lại ăn chim lớn. Thấy được chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau. Có chí xuất gia.
IV. Những ràng buộc ngăn chí xuất gia:
Càng thương yêu, quý trọng con, vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ con mình sẽ không ở lại với mình, mà sẽ xuất gia tìm đạo để thành vị Thánh, Ngài tìm mọi cách để giữ thái tử. “Ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị. Trong cung của phụ vương ta, các hồ nước được xây lên. Trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả đều phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng là không từ Kasi đến.
Khăn của ta, áo cánh, áo lót, áo khoác bằng vải Kasi. Đêm và ngày, một lọng trắng được che trên đầu ta để tránh xúc chạm nóng, bụi, cỏ hay sương. Ba lâu đài được xây dựng cho ta: một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và tại lâu đài mùa mưa ta được các nhạc công đàn, múa hát xung quanh ta…”.
Thái tử bị bắt buộc phải lập gia thất với công chúa con vua Thiện Giác là Da-du-đà-la và có một con là La-hầu-la.
Dạo bốn cửa thành: Khi về, thái tử yêu cầu vua cha 4 điều. Nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, ở lại lo cho dân, cho nước. Bốn điều ấy là:
1. Làm sao cho con trẻ mãi không già.
2. Làm sao cho con mạnh mãi không đau.
3. Làm sao cho con sống hoài không chết.
4. Làm sao cho mọi người hết khổ.
Bốn điều này làm vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào.
V. Xuất gia tìm đạo:
Vượt thành, quyết tâm xuất gia tìm đạo. Ngày mồng 08 tháng 02, lúc 19 tuổi, Ngài phát tâm xuất gia và vượt thành tìm đạo.
Trời tối nhân gian mờ mịt quá
Giờ này thái tử định đi đâu?
Chính đời mờ mịt nên ta phải…
Đi để tìm ra ánh đạo mầu!
Ngài đã trải qua 5 năm tìm thầy học đạo, 6 năm tu khổ hạnh ở núi Tuyết.
VI. Thành đạo:
Cuối cùng Ngài đến dưới gốc cây Tất-bát-la (Bồ-đề) ở thôn Già-da, chỉ gốc cây và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo thì dù xương tan thịt nát, ta quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Đến đêm thứ 49, khi sao mai vừa mọc, Ngài chứng được đạo quả, thành Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Đó là ngày 08 tháng 12. Năm ấy, đức Thế Tôn 30 tuổi.
Kinh Pháp Cú số 153, 154 đã ghi lại một trong những Phật ngôn đầu tiên mà Ngài đã thốt lên trong thời gian này:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng không gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay, phải tái sinh.
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta được tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong.
Thế giới ba ngàn chuyển động kinh
Đêm đen tỉnh mịch thấy tâm mình
Chúng sanh cõi nước từ đâu đến
Thấu rõ ba đời kiếp chúng sanh
Hư không rực sáng ánh hào quang
Vạn loại vang ca khúc khải hoàng
Thiên ma dục giới đều quy phục
Dưới bóng từ quang muôn chứa chang
Thử hỏi ai tìm chân lý đạo
Bên dòng sông lặng chẳng riêng ta
VII. Ý nghĩa cao cả trong sự xuất gia tìm đạo:
Trong xã hội, các anh hùng cái thế lập được nhiều chiến công trên chiến trường, nhưng ít ai thắng được dục vọng của chính mình. Đức Phật đã thắng cả ngoại cảnh lẫn nội tâm, đã thắng được giặc ma vương dục vọng. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đại Hùng, Đại Lực.
Ngài chiến đấu không vì quyền lợi riêng của chính mình hay tình cảm nhỏ hẹp, Ngài chiến đấu vì tất cả chúng sinh. Đức Phật thật xứng đáng với danh hiệu Đại Từ, Đại Bi.
Ngài từ bỏ thứ mà người đời cho là quý báu, sống một đời kham khổ, đạm bạc, thiếu thốn giữa rừng thiêng nước độc, không một phút giây nào hối tiếc. Ngài xứng đáng với danh hiệu là Đại Hỷ, Đại Xả.
Đại từ đại bi thương chúng sanh
Đại hỷ đại xả cứu muôn loài
Tướng đẹp chói sáng tự trang nghiêm
Tất cả chúng con đều cúi lạy
C. Kết luận
Qua đời sống của đức Phật từ khi sơ sinh cho đến thành đạo, chúng ta cần phải: Phát tâm Bồ-đề rộng lớn, nguyện vì đời, muôn loài mà tu hành, chứ không phải ích lợi riêng cho bản thân. Phát tâm dõng mãnh, tích cực trong sự tu hành; một khi vào đường đạo, dù gặp nguy nan, hiểm trở khó khăn cũng nhất thiết không thối lui quay gót. Chúng ta phải tập cho được tính kiên trì như đức Phật khi ngồi thiền định dưới gốc Bồ-đề.
0 comments