Phật Pháp: Niềm Tin trong Phật giáo

ngonngu1
Người Phật tử vẫn có cả một kho tàng giáo lý nhiệm mầu để dâng hiến cho cuộc đời những niềm tin yêu và hạnh phúc mới. Người Phật tử tin Phật là Đấng giác ngộ đã thành, bởi vì năm pháp tu Ngũ căn của Ngài kiểm chứng được.
Niềm tin là chất liệu cần thiết cho sự sống. Từ khi ra đời và lớn lên, dù ít hay nhiều, hầu như mỗi người ai ai cũng đều có một niềm tin riêng của mình và niềm tin này được hình thành tùy theo truyền thống gia đình, tùy theo tập tục văn hóa và môi trường tiếp xúc trong cộng đồng xã hội.
Niềm tin là một thuật ngữ đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể nói được, đọc được. Nhưng để có được niềm tin chân chính là việc làm không đơn giản. Sống không có niềm tin, con người ta sẽ sống thác loạn, điên cuồng, buông thả bất cần đời. Như vậy niềm tin là gì và tin vào cái gì ?. Đây là vấn đề mà mỗi người phải tự vấn để thẩm định giá trị niềm tin của mình. Nếu tin tưởng vào một điều gì đó một cách quá thái thì nó trở thành cuồng tín. Còn tin mà không hiểu điều mình tin là gì thì đó là mê tín.
Cuộc sống trong xã hội, mỗi người có một nỗi tâm tư khác nhau và những khó khăn riêng, nhưng những ai biết sống với niềm tin thì nó sẽ giúp họ cảm thấy mọi thứ trở nên tốt hơn. Chỉ cần có niềm tin, thì mới có thể thực hiện những gì mình muốn và cũng nên biết rõ niềm tin nào giúp mình đạt được thành công thì nên dồn hết năng lực của mình vào niềm tin đó.
Trong đạo Phật, sau khi thành đạo, Đức Phật nói : "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Người Phật tử tin Phật là Đấng giác ngộ đã thành, bởi vì năm pháp tu Ngũ căn của Ngài kiểm chứng được. Đức Phật không bao giờ bắt buộc ai tin một điều gì mà không suy luận, không giải thích và không chứng nghiệm được. Ngài nói: "Ai tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta".
Tin Phật là Đấng giác ngộ đã thành không phải chỉ để tôn thờ, sùng kính, lễ lạy mà để thực hành tu tập theo Ngài, để mình cũng được thành Phật như Ngài, tức là tin vào khả năng thành Phật của chính mình.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
"Tín là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa vượt qua dòng nước ái dục, mở con đường tối thượng dẫn đến Niết bàn".
Vì vậy, niềm tin đó không gì khác hơn là tin vào chính mình, tin vào định luật Nhân quả, tin nguyên lý Duyên khởi, tin chân lý của cuộc đời là Tứ diệu đế.
Đạo Phật không tin vào bất cứ một Đấng Thượng đế hay Tạo hóa nào có quyền ban phước giáng họa hay chi phối đời sống của mình, mà chỉ tin vào định luật nhân quả: gieo nhân nào gặt quả nấy. Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật dạy:
"Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy".
Sống cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau cũng đều tùy thuộc vào chính bản thân mình có tu tập hay không tu tập. Nhận rõ được quả báo hành vi, ngôn ngữ và ý niệm của chính mình như vậy, chúng ta sẽ không trách người, trách trời đất, chỉ biết tự trách mình. Ngược lại, chúng ta sẽ tích cực tu tâm dưỡng tánh, làm sao cho mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn, để hiến dâng cho gia đình và xã hội một niềm tin yêu và một hạnh phúc chân thật.
Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân, 
Kính bút
TS Huệ Dân
Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang