Chia sẻ: KHUYÊN ĂN CHAY, ĐỪNG ĂN MẶN (Cư Sĩ Thiện Thông)



KHUYÊN ĂN CHAY, ĐỪNG ĂN MẶN
Cư Sĩ Thiện Thông

Thầy dạy “ăn mặn” xuất xứ từ chữ “ăn mạng” mà ra. Sau này “ăn mạng” người ta nói quen riết thành ra ăn mặn cho dễ nghe. Thật sự, ăn mặn tức là ăn mạng, nghĩa là ăn mạng con này con nọ như thịt, cá, đồ biển… Trong bài này, tôi khuyên đạo hữu đừng nên ăn mặn, đạo hữu nên hiểu là đừng nên ăn mạng, chứ không phải đừng nên ăn vị mặn. Tôi khuyên đạo hữu đừng nên ăn mặn vì nhiều lý do. Thứ nhất, ăn mặn làm mình dễ bị bệnh và việc ăn mặn lại càng nguy hiểm đến sức khỏe. Mình đâu biết những xác con này con nọ có bệnh này bệnh nọ không. Thứ hai, theo đạo Phật, mình sát sanh hay ăn mặn sẽ mang nhiều thứ bệnh và đoản thọ, và những chúng sanh bị mình giết sẽ trở thành oan gia trái chủ của mình. Thứ ba, theo đạo Phật là những con vật, con cá, đồ biển… đều có sự sống và chúng nó cũng tham sống sợ chết như mình. Nếu chúng nó không sợ chết và không biết đau, thì không cố gắng giẫy giụa hay tìm cách thoát chết khi mình giết chúng nó. Tuy nó hình thể khác mình, nhưng nó cũng là sự sống dưới hình dạng khác. Thứ tư, theo đạo Phật, những con vật (cá, đồ biển, gia súc…) mình sát hại hoặc ăn, đâu biết đó có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em… của mình từ nhiều kiếp trước. Thứ năm, theo đạo Phật mình không ăn mặn để trưởng dưỡng tâm từ bi.
Ăn mặn dễ bị bệnh và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Theo thống kê, người ăn mặn tỉ lệ bệnh rất nhiều hơn so với người ăn chay. Ngày nay, người ta dùng rất nhiều hóa chất truyền vào con vật để kích thích chúng tăng trọng lượng, cũng như tăng sản lượng. Chúng ta ăn những con vật đó vào chẳng khác nào chúng ta cũng ăn độc tố hóa chất. Còn tâm lý của con vật khi bị giết hay trong môi trường chăn nuôi công nghiệp không tốt, làm con vật tiết ra độc tố cũng như mang nhiều chứng bệnh lạ. Như chúng ta thấy gần đây nhiều bệnh lạ từ con vật truyền sang người như: cúm heo, cúm gà… Khi chúng ta ăn vào những con vật đó, ta cũng dễ bị bệnh hoặc chứa độc tố của con vật trong cơ thể. Bây giờ bất cứ con vật gì cho dù cá, đồ biển, chim… cũng chứa nhiều hóa chất cũng như chất độc. Cá thì nhiễm chì, nhiễm độc tố trong nước, chim thì bị ảnh hưởng môi trường của khí thải công nghiệp, cũng như chất độc trong không khí, biển thì bị ô nhiễm bởi dầu cũng như độc tố khác trong nước… Những thông tin gần đây chúng ta thấy rất nhiều cá bị chết nổi trên mặt nước, chim trên trời rơi xuống chết rất nhiều…
Theo đạo Phật, mình sát sanh hay ăn mặn nhiều sẽ mang bệnh và đoản thọ và tạo oan gia trái chủ với những con vật mình ăn. Đức Phật là bậc có đại trí huệ thấy biết rõ tất cả mọi thứ trong vũ trụ và Ngài thấy luật Nhân Quả là luật của vũ trụ nên Ngài nói ra cho mình biết để mình sống đúng với luật Nhân Quả. Như Newton khám phá ra luật hút của trái đất, Đức Phật khám phá ra luật Nhân Quả của vũ trụ, chứ không phải Ngài chế ra. Nhân Quả rất phức tạp, nên tôi không trình bày hết chi tiết ở bài này. Mà chỉ nói Nhân Quả của việc ăn mặn thôi. Như trong Kinh Phật dạy: Người chết tái sanh làm dê, dê chết tái sanh làm người. Bởi thế, mình ăn mạng con nào đó thì nữa nó cũng ăn mạng mình lại thôi hoặc nó khiến mình mang bệnh, mình sát sanh ăn mặn thì dẫn tới Quả báo chiến tranh, giết hại, ăn nuốt lẫn nhau (theo nhà Phật dạy). Đấy là Nhân Quả mà. Ngày nay có nhiều bệnh ung thư, cũng như những bệnh nan y khác. Từ đâu mà có? Do sát sanh, ăn mặn mà ra. Do những con vật mình đã ăn chúng, mình tạo oan gia trái chủ với chúng, chúng theo mình khiến mình bệnh này nọ. Hoặc khi cơ thể mình yếu hoặc lúc sắp lâm chung, chúng có cơ hội trả thù làm cho mình đau đớn vô cùng. Mà trước khi chết đau đớn dễ nổi sân thì dễ rơi vào những nơi tái sanh xấu. Hoặc chúng sẽ trả oán mình ở những kiếp về sau, làm cho mình phải trầm luân đau khổ với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: như làm con báo oán, làm kẻ thù hại mình, làm cho mình phải khổ sở nhiều thứ trong cuộc sống… Bởi thế, mình không nên ăn mặn để tránh Quả báo giết hại, cũng như tạo oan trái chủ nhiều đời nhiều kiếp với nhau.
Thêm nữa, mình không ăn mặn để tôn trọng sự sống của muôn loài. Thật vậy, bất cứ con vật nào cũng ham sống sợ chết như con người. Đừng nghĩ con vật vô tri vô giác không có cảm tình, đó là sai lầm. Khi chúng ta bắt con vật nào chúng cũng biết giãy giụa tìm cách thoát khỏi, cũng như chúng cũng biết chảy nước mắt khi ta sắp giết chúng hay chúng cũng biết tỏ vẻ buồn khi chúng bị bắt hay bị giết. Khi chúng ta đánh đập con vật, chúng cũng biết kêu la, đâu khác gì con người. Hãy tự hỏi chúng ta có còn lương tâm của con người nữa không khi chứng kiến những cảnh đánh đập, cũng như giết con vật. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta ăn thì không có liên quan gì tới giết. Thật tế là ăn mặn và giết con vật hoàn toàn có liên quan mật thiết với nhau. Khi chúng ta cầm một miếng đùi gà, bánh nhân thịt hay chả cá... Có bao giờ chúng ta tự hỏi những thứ này làm từ đâu ra và làm bằng cách nào không? Câu trả lời là bắt và giết. Chúng ta có bao giờ thấy những nơi giết hại những con vật cho chúng ta ăn không? Chắc không nhiều người biết. Tôi đã thấy qua, nhìn thấy rất rất tàn nhẫn. Thử hỏi bạn còn dám ăn mặn nữa không? Chẳng lẽ vì thỏa mãn cái ngon miệng, mà làm cho con vật đau khổ sao. Lương tâm con người nằm đâu, công bằng nằm đâu? Con vật cũng đâu khác gì con người, chúng cũng biết buồn vui, chúng cũng có cha mẹ, anh em như con người, chỉ có điều dưới hình dạng khác. Con vật cũng buồn khổ, khi cha mẹ hay đồng loại của nó bị giết. Bởi thế, vì những lý do trên, chúng ta không nên ăn mặn.
Đức Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, thấy sanh tử luân hồi của chúng sanh rõ ràng như chỉ tay trên lòng bàn tay. Ngài thấy chúng sanh sanh tử luân hồi thay hình đổi dạng, có khi làm trời, người, a tu la, có khi làm súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Trong quá trình, sanh tử luân hồi, chúng ta có không biết bao nhiêu cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, quyến thuộc từ đời này sang đời khác. Những chúng sanh này, khi sanh tử luân hồi cũng mang nhiều thân hình khác nhau, có người sanh lại làm người, có người sanh làm súc sanh… Biết đâu những con vật mình ăn lại là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, quyến thuộc của mình nhiều đời nhiều kiếp trước. Nếu không có duyên, thì tại sao mình gặp lại để bắt ăn. Bởi thế, mình ăn mặn chả khác nào mình ăn những người trong gia đình mình, cũng như quyến thuộc của mình trong quá khứ. Vậy thử hỏi nếu mình tiếp tục ăn mặn nữa thì luân lý đạo đức nằm ở đâu? Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật dạy rất rõ điều này: “Này Ðại Huệ, ta quan sát chúng sinh trong luân hồi lục đạo, cùng nhau ở trong sinh tử, chung nhau nuôi sống, đắp đổi làm cha mẹ, anh chị em với nhau… Họ cũng có thể sinh vào đường khác (súc sinh, ngạ quỷ, thiên nhân, v.v.), đường thiện, đường ác, thường làm quyến thuộc lẫn nhau. Do nhân duyên đó, ta quan sát thấy tất cả thịt mà chúng sanh ăn đều là thịt người thân của họ”. Bởi thế, chúng ta tuyệt đối ăn chay, hoàn toàn không được ăn mặn.
Cuối cùng không phải là hết, chúng ta ăn chay không ăn mặn, để trưởng dưỡng tâm từ bi. Cho dù chúng ta là người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, cũng cần phải trưởng dưỡng tâm từ bi. Theo đạo Phật, Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Nếu chúng ta ăn chay, không ăn mặn nghĩa là chúng ta đang ban vui, cứu khổ cho những con vật. Ban vui là không bắt con vật, không làm con vật sợ hãi. Cứu khổ là không đánh đập, giết hại con vật để chúng khổ sở. Chúng ta không vì ích kỷ cá nhân, không vì thỏa mãn cho vấn đề ăn mặn của mình hay của nhiều người, mà bắt những con vật, giết hại chúng để phục vụ chúng ta một cách không công bằng. Chúng ta lại không vì miếng ăn mặn, để tiếp tay hay gián tiếp cho người khác giết hại những con vật, làm cho chúng phải đau khổ, đau đớn kêu la. Có làm được như thế, tâm từ bi của chúng ta mới càng ngày mở rộng và chúng ta mới từ bi được với những chúng sanh khác cho dù thân hay sơ ở khắp mọi nơi. Tâm từ bi là nét đẹp của mỗi con người và là tư cách của một con người luôn hướng thiện. Bởi vì thế, chúng ta phải ăn chay, không được ăn mặn để luôn luôn trưởng dưỡng tâm từ bi ngày càng rộng lớn.
Dưới đây là những đoạn nói sơ về Nhân Quả, những quan niệm sai lầm về ăn mặn, cũng như kinh nghiệm của bản thân. Qua đó, cũng giúp giải quyết những sai lầm, hiểu lệch lạc về chuyện ăn chay.
Có người nói ăn chay thì không đủ chất, đều đó không đúng. Đâu phải chỉ có thịt, cá, đồ biển hay con này con nọ… mới có chất này chất nọ… Trong rau, quả, trái cây, đậu nành… cũng có những chất như trong thịt, cá… Nếu nói ăn chay không đủ chất, thì tại sao nhiều Thầy tu ăn chay trường từ nhỏ mà vẫn sống thọ và khỏe mạnh. Tôi thấy đa số Thầy tu đều sống thọ, có nhiều Thầy tu ăn chay từ nhỏ, ăn chay trường mà vẫn khỏe mạnh. Tôi có kinh nghiệm riêng, lúc trước tôi ăn mặn, thường cảm thấy mệt và khó thở, đi bác sĩ vẫn không biết lý do tại sao tôi bị triệu chứng như thế. Bác sĩ cũng không biết thật sự nguyên nhân như thế nào. Thời gian sau, tôi ăn chay tự nhiên tôi cảm thấy khỏe và không bị mệt và khó thở nữa. Tôi trở lại bác sĩ và nói, tôi ăn chay và không còn cảm thấy mệt và khó thở nữa. Bác sĩ cũng ngạc nhiên và nói tốt. Có lúc tôi ăn mặn lại thì vẫn bị triệu chứng cảm thấy mệt và khó thở nữa, sau đó tôi ăn chay thì không bị triệu chứng như thế. Bây giờ tôi đã ăn chay trường rồi. Thêm một câu chuyện thật nữa. Tôi nghe đạo hữu nọ nói, có người giàu kia, ăn nhiều đồ mặn và ăn tôm hùm, thời gian sau bị bệnh sau đó chuyển sang bệnh thận. Không phải có tiền mà ăn mặn nhiều là khỏe mạnh, đó là quan niệm sai lầm. Người ta có câu, “họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”, nghĩa là mình mang họa cũng do miệng mình nói xấu hay ác, bệnh cũng xuất phát từ những gì mình ăn vào. Chắc đạo hữu có nghe tiếng Thầy Tuệ Hải trị nhiều người hết bệnh, thật ra là một trong những cách trị bệnh của Thầy là không có ăn mặn. Mình không ăn mặn, nhiều khi đó là thuốc hay để trị bệnh. Chứ mình ăn nhiều đồ mặn khi mà độc tố nhiều vào cơ thể thì tới lúc đó nó sẽ phát sinh ra nhiều bệnh, lúc đó uống nhiều thuốc hay cũng không trị được nữa. Thật ra người bệnh trên mà tôi kể đạo hữu nghe, trước đây người đó ăn đồ mặn, thời gian sau bị bệnh rồi mới uống thuốc vào, nhưng thuốc cũng là con dao hai lưỡi, nó trị bệnh này, xong phản ứng phụ của thuốc làm mình sang bệnh khác, như người đó trước đây bệnh khác, nhưng uống thuốc sau đó bệnh chuyển sang bệnh thận.
Có người dựa cớ vào câu “Vật dưỡng nhân” để biện hộ cho việc ăn mặn của mình. Câu đó nghe rất vô lý mà nhiều người cũng tin theo. Nếu bạn vào rừng hay xuống biến mà gặp phải hổ, cọp hay cá mập… mạnh hơn mình, nó ăn thịt mình thì nói là “Nhơn dưỡng Vật” được không? Chẳng qua mình mạnh và có đầu óc hơn những con vật khác, mình dùng sức hoặc dùng đầu óc để tìm cách giết ăn những con vật khác. Chứ có bao giờ chúng nó nằm yên để mình giết đâu.
Lại thêm một cớ nữa để biện hộ cho việc ăn mặn của mình là không có liên quan tới vấn đề giết con vật. Có người nói tôi ăn mặn chứ tôi không giết. Người giết lại đổ lỗi cho người ăn, nếu anh không ăn thì tôi không giết. Nếu mình không sát sanh mà ăn mặn, thì mình cũng gián tiếp sát sanh, thì tội mình cũng ít nhiều trong đó, nếu mình không mua đồ mặn ăn thì làm sao người khác sát sanh để mà bán. Kết luận là người ăn là tòng phạm và người giết là thủ phạm, tội đều như nhau. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật dạy về người ăn mặn và người giết như thế này: “Nếu không ai ăn thịt, sẽ không ai giết hại chúng sinh làm thực phẩm… Sát sinh là vì người mua, do đó người mua cũng giống như người giết. Do đó ăn thịt có thể ngăn trở Thánh đạo”
Đạo hữu thử nghĩ đi, từ hồi mình sanh ra tới bây giờ, cái bụng chứa bao nhiêu là xác của những con vật? Bởi vậy, Thầy nói “Bụng của mình là nghĩa địa chôn xác con vật không đáy”. Bởi vậy, nghiệp ác của mình rất lớn. Bây giờ đạo hữu nghe tôi khuyên, nên ăn chay bỏ việc ăn mặn đi. Nhân Quả ba đời Quá Khứ, Hiện Tại và Vị Lai là không sai. Mình tạo Nhân tốt, mình được Quả tốt. Mình tạo Nhân xấu, mình lãnh Quả xấu. Nếu Nhân sát sanh và ăn mặn thì Quả hiện tại hay tương lai cũng không tốt gì. Đạo hữu nên tin luật Nhân Quả. Luật Nhân Quả là thật sự có, Đức Phật có khả năng thấy biết được điều đó. Có thể, hiện tại một người tạo Nhân tốt hay xấu, tùy nhân duyên mà Quả tốt hay xấu có thể đến với người đó ở cuộc đời này, hay kiếp sau, hay nhiều kiếp sau nữa… Ví dụ: nếu người đó sát hại người thì Quả xấu sẽ là bị người giết lại hoặc mang bệnh hoặc bị đoản thọ ở cuộc đời này, hay kiếp sau hay những kiếp về sau nữa… Như đạo hữu thấy đó, trong xã hội có người giàu, nghèo, đẹp, xấu, sang, hèn, bệnh tật, khỏe mạnh, chết yểu, sống lâu…Tất cả đều có Nhân Quả cả, không có tự nhiên mà có những sự sai biệt như thế. Trong nhà Phật, không có gì là may rủi, hên xui với may mắn cả. Muốn biết đời trước (hoặc nhiều kiếp trước) mình như thế nào, thì xem lại Quả hiện tại mình như thế nào, nếu muốn biết Quả đời sau và những đời sau như thế nào, thì xem lại Nhân hiện tại của mình tạo. Đôi lúc mình không có khả năng thấy biết hay chứng kiến tận mắt được Luật Nhân Quả thì không phải là không có, mà thật sự là luật Nhân Quả là có, nhưng mình chưa có khả năng hiểu và thấy biết luật Nhân Quả một cách toàn diện. Như đạo hữu muốn có trái đu đủ (Quả), thì phải gieo hạt giống đu đủ (Nhân). Chứ không thể gieo giống ổi mà ra trái đu đủ được. Có người gieo Nhân đời này, mà được hưởng Quả đời này hoặc có thể những kiếp sau. Khi Nhân đã có, phải hội đủ duyên thì cái Quả mới trổ. Ví dụ, như gieo hạt giống đu đủ (Nhân), thì phải có duyên hội tụ đầy đủ là điều kiện khác, yếu tố môi trường như đất, nước, ánh sáng, người chăm sóc… khi nhân duyên đã đầy đủ mới ra trái đu đủ (Quả). Nhân Quả cũng thế. Khi đã có Nhân thì phải có đầy đủ duyên khác, khi nhân duyên đã đầy đủ lúc đó Quả đến, trong đạo Phật dùng từ là Định Nghiệp thì lúc đó có chui vào lòng đất, trốn trong hang, bay lên trời cũng không tránh được cái Quả báo. Cho dù trước đó là mình là phàm phu mà tạo Nhân xấu, nhưng khi mình tu tới quả vị Thánh thì vẫn trả Quả xấu mình tạo ra lúc còn phàm phu. Trong nhà Phật có câu: Bồ Tát sợ Nhân, chúng sanh sợ Quả. Bồ Tát thấy được luật Nhân Quả, nên không tạo Nhân ác để tránh Quả ác. Chúng sinh không thấy luật Nhân Quả nên tạo Nhân xấu, khi Quả xấu tới thì mình sợ. Luật Nhân Quả, mình phàm phu chưa hiểu hết luật Nhân Quả một cách toàn diện, nhưng trong cuộc sống, mình ít nhiều cũng thấy phần nào đó. Không phải lúc nào mình tạo Nhân gì thì mình lãnh Quả đó. Nếu mình biết cách chuyển thì Quả xấu sẽ nhẹ hơn mức độ nào đó. Nếu mình làm nhiều điều thiện, điều lành, phóng sanh, sám hối, bố thí, trì giới, niệm Phật, tạo các Công Đức lành… Nếu mà Nhân xấu thì Quả xấu sẽ nhẹ hơn ở mức độ nào đó, chứ không phải là Quả xấu hoàn toàn mất tất cả. Đức Phật lấy một ví dụ để mình hiểu. Nếu như một nắm muối bỏ vào tô nước, tô nước đó sẽ rất mặn, nếu cũng cùng một nắm muối, nếu bỏ vào hồ nước thì hồ nước sẽ đỡ mặn hơn nhiều. Cũng như thế, nếu mình biết làm nhiều điều lành điều thiện, sám hối, phóng sanh, bố thí, trì giới, niệm Phật, tạo các Công Đức lành… Thì mình sẽ chuyển đổi cái Quả xấu mình ở mức độ nhẹ nào đó, chứ không mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, mình đừng nên tạo những Nhân xấu, ác khác nữa. Ví dụ như: đừng nên sát sanh và ăn mặn nữa.
Đạo hữu thấy không sống trong kiếp sống sanh tử luân hồi này rất nguy hiểm và đau khổ. Ví dụ như việc ăn mặn này, theo quan niệm thế gian nhiều người cho rằng ăn mặn không phải là điều xấu. Quan niệm sai lầm như thế, đã kéo biết bao nhiêu người tạo Nhân xấu, mà những người đó không hề hay biết. Kết quả là những người đó phải chịu Quả Báo xấu sau này. Mình sống trong cuộc sống này khi chưa biết Phật Pháp ít nhiều gì tâm mình cũng bị nhiễm bởi những quan niệm sai lầm như những người trên như thế, và tạo những Nhân xấu như thế. Những người theo quan niệm sai lầm trên thật đáng thương, họ si mê và còn đi vào trong tối, thử hỏi chừng nào họ mới thoát khỏi sanh tử luân hồi đau khổ. Chúng ta biết Phật Pháp, đừng nên tạo Nhân xấu, để đừng rơi vào Tam Ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) để chịu nhiều đau khổ và khó ngày ra khỏi. Nay mình biết Phật Pháp, biết sát sanh, ăn mặn là những điều ác thì mình tránh.
Đạo hữu nên tu theo Pháp Môn Tịnh Độ để được vãng sanh Cực Lạc sau kiếp này. Vãng sanh Cực Lạc tức là đạo hữu không còn sanh tử luân hồi đau khổ nữa. Theo đạo Phật, đây là thời Mạt Pháp, sau thời Mạt Pháp này qua rồi, Phật Pháp bị diệt phải đợi rất rất lâu thì Phật mới ra đời. Nếu mình đánh mất cơ hội tu theo pháp môn Tịnh Độ cuộc đời này, mình sanh tử luân hồi lại rất là đau khổ và nguy hiểm. Dù ở cõi Người đi chăng nữa lúc đó ngoại đạo, những người ác, những cái xấu sẽ rất nhiều và lẫy lừng trong xã hội. Lúc đó không gặp Phật Pháp thì làm sao mình thoát khỏi sanh tử luân hồi, tới lúc đó mình rơi vào Tam Ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh rất là dễ và bị đọa cũng rất là lâu. Những điều trên tôi không nói dối vì tôi có thọ trì năm giới cấm (trong đó có giới cấm không nói dối) và những điều trên tôi nói đúng với Phật Pháp và đúng với những lời Thầy dạy.
Đạo hữu nên nhớ tu theo pháp môn Tịnh Độ (tức là Pháp Môn Niệm Phật), có Tín (nghĩa là lòng tin chân thật, tha thiết, bền vững), tin có Phật A Di Đà và có cõi Cực Lạc, Nguyện tha thiết (Nguyện là: Nam Mô A Di Đà Phật, con tên gì…sanh năm mấy…bao nhiêu tuổi…con nguyện vãng sanh Cực Lạc sau khi con bỏ thân mạng này.), Hạnh (nghĩa là đạo hữu chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô A Di Đà Phật” nhiều mỗi ngày, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi”. “Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về cõi Cực Lạc Tây-phương . Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử.” (Trích trong Kinh Niệm Phật Ba La Mật). Vãng sanh Cực Lạc tức là đạo hữu không còn sanh tử luân hồi đau khổ nữa.
Chúc tất cả mọi người sớm được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà ở Tây Phương.

Nam Mô A Di Đà Phật

Lời Khuyến Khích
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách về giáo lý nhà Phật cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, bỏ ác hành thiện. Được như thế thì công đức vô lượng.
Nếu không có điều kiện làm những việc ấy, thì thỉnh một số kinh sách rồi chịu khó đem đến từng nhà mượn đọc, và nên khuyên họ đọc xong photo ra thêm nhiều bản truyền cho người khác xem hoặc đọc cho những người lớn tuổi nghe, nhất là người không biết chữ. Được như thế công đức vô lượng, vô biên. Đó gọi là pháp thí, giống như ngọn đèn mồi qua trăm ngọn đèn khác đều sang.
Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí thì chỉ có pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng”.
Vì thế, chúng tôi tha thiết mong cầu các hàng đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia, chúng ta cố gắng đóng góp kẻ công, người của ấn tống kinh sách truyền bá giáo lý để duy trì mạng mạch Phật pháp làm lợi ích an lạc cho chúng sanh
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát

Mười Công Đức Của Việc Ấn Tống Kinh
1. Đã lỡ phạm tội, nếu tội nhẹ thì liền được tiêu tan, nếu tội nặng thì được chuyển thành nhẹ.
2. Thường được thiện thần ủng hộ, tránh khỏi tất cả ôn dịch, đao binh, giặc cướp, tù tội, lửa cháy, nước trôi v.v…
3. Nhờ chánh pháp mà những kẻ oán thù với mình trong kiếp trước được giải thoát nên tránh được sự khổ sở về tội báo thù.
4. Ác Quỷ Dạ xoa không thể xâm phạm, cọp đói, rắn độc không hại được.
5. Tâm được yên ổn, ngày không có sự nguy hiểm, đêm không có ác mộng, nhan sắc sáng sủa tươi tắn, khí lực dồi dào, việc làm tốt, lợi.
6. Hết lòng phụng sự chánh pháp, tuy không mong cầu nhưng cơm ăn áo mặc tự nhiên đầy đủ, gia đình hòa thuận phước thọ miên trường.
7. Lời nói và việc làm, trời, người đều hoan hỷ; đến nơi nào cũng được nhiều người kính mến.
8. Nếu ngu si thì chuyển thành trí huệ, bệnh tật chuyển thành lành mạnh, nguy hiểm chuyển thành yên ổn, nếu là đàn bà sau khi chết sẽ chuyển thành đàn ông.
9. Xa lìa các đường dữ ( địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ), được sanh vào các cõi thiện ( người, trời ) tướng mạo đoan chánh, thông minh, xuất chúng phước lộc hơn người.
10. Đủ năng lực để gây căn lành cho chúng sanh, lấy tâm chúng sanh làm ruộng phước và sẽ thâu hoạch được nhiều quả tốt. Sanh vào chỗ nào cũng được thấy Phật, nghe pháp; ba thứ trí huệ ( văn, tư, tu ) mở rộng, chứng được sáu thần thông ( thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, thần túc và lậu tận thông) . Ấn tống Kinh, Tượng được nhiều công đức thù thắng như thế. Cho nên, gặp khi chúc thọ, cầu an, sám hối, cầu siêu, nên hoan hỷ cố gắng ấn tống.
Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang