Ngày xưa, ở miền Trung, có đôi vợ chồng theo đạo Phật, hai vợ chồng ăn ở rất hiền lành. Người chồng tên Bùi-Văn-Bé, vợ tên Nguyễn Thị-Ngọc Lan lấy nhau hơn ba năm trời vẫn chưa có mụn con
Hai vợ chồng làm phước thiện bố thí, cúng dường, cầu trời, khẩn Phật để có con nối dõi tông đường vẫn chưa có kết quả. Rồi một hôm, người vợ nằm mộng thấy một con chim Hoàng Oanh tha một cái túi đến tặng cho bà. Bấy giờ, bà mở ra xem thấy trong túi có một viên ngọc minh châu. Người vợ đem điềm mộng đó kể lại chồng nghe. Người chồng tin chắc là điềm lành mang đến cho hai vợ chồng
Thời gian thấm thoát một tháng sau, người vợ thấy trong người có cảm giác khác lạ. Người vợ biết mình đã mang thai, hai vợ chồng mừng vui khôn xiết, đôi vợ chồng đem tiền của ra bố thí những gia đình nghèo để đền ơn Trời đất.
Đến ngày khai hoa nở nhụy, người vợ sinh ra được một tiểu công chúa như một thiên thần bé nhỏ. Mặc dù không sinh được con trai để nối dõi tông đường, nhưng hai vợ chồng trong niềm sung sướng tột cùng, người chồng bảo:
- Lan à! Dù sao, Trời, Phật cũng thương xót chúng ta đã cho một tiểu công chúa xinh đẹp, đối với anh như vậy cũng quá đủ hạnh phúc lắm rồi. Đứa con gái này như viên ngọc quý giá Trời Phật đã ban cho chúng ta, như trong điềm mộng. Vậy chúng ta hãy đặt tên cho con gái là Ngọc Oanh. (Ngọc = Minh Châu, Oanh = chim hoàng oanh)
Hai vợ chồng bồng đứa con gái lên chùa lễ Phật, cúng dường Tam bảo để đền ơn chư Phật. Thầy trụ trì đặt cho Pháp danh là Ngọc Châu
Ngọc Oanh chóng lớn thông minh, khôn ngoan vô cùng, mới lên ba mà đã ăn nói như như người lớn vậy. Hai vợ chồng cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc, khi có một tiểu công chúa như thế, giống như một bảo vật trong gia đình. Từ đó hai vợ chồng thường gọi đứa con gái mình là: “Ngọc Châu.”
Hai vợ chồng tưởng rằng gia đình đầm ấm hạnh phúc lâu dài, ngờ đâu sự việc đến không như họ nghĩ, năm đó miền Trung thiên tai, lũ lụt, nhà cửa đổ nát, bệnh tật, chết chóc, nạn đói, cướp bóc xảy ra khắp thôn làng. Hai vợ chồng động lòng từ bi, đem tiền của trong nhà ra bố thí cho những người đang lâm cảnh màng trời chiếu đất
Sau khi trời quang, mây tạnh, bão lụt chấm dứt, bệnh tật xảy ra khắp nơi, đứa con gái yêu quý mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, đưa vào bệnh viện chữa trị một thời gian, tất cả tài sản trong nhà không cánh mà bay. Bấy giờ, không còn tiền bạc để chữa bệnh cho đứa con gái yêu thương nhất của ông. Ban ngày, ông để người vợ chăm sóc bệnh cho con, còn ông phải đi làm thuê, khuân vác…kiếm tiền. Tối ông trở về bệnh viện để chăm sóc bệnh cho đứa con gái cưng của ông.
Một hôm, bác sĩ gọi riêng ông vào phòng và bảo rằng:
“Ông chuẩn bị tư tưởng, tiền bạc thật nhiều, và máu để chuẩn bị làm phẩu thuật cho đứa con gái của ông. Nhưng xác suất, cơ hội sống thật mỏng manh “ngàn cân treo sợi tóc” và còn phụ thuộc vào số mệnh của nó nữa”
Người cha đã quỳ xuống van xin bác sĩ hãy cứu sống đứa con gái thân yêu của ông bằng mọi cách dù chỉ còn một tia hy vọng nhỏ nhoi. Ông sẽ làm tất cả cho ca phẩu thuật này dù cho hy sinh cả tính mạng của ông vẫn chấp nhận
Đêm hôm ấy, Ông đã dấu kín mọi chuyện sợ người vợ biết được khó sống nổi, ông ngồi ủ rủ và buồn rầu, ngày mai làm sao có tiền để làm phẩu thuật cho đứa con gái cưng của mình
Bấy giờ, người vợ thấy ông buồn thiu biết là có chuyện xấu, bà hỏi:
- Con gái của mình chắc không qua khỏi đúng không ông?
Ông cố gắng nén nỗi đau và tin xấu ở trong lòng, như không có chuyện gì xảy ra, ông nói:
- Không sao đâu ạ! Con gái chúng mình sẽ qua khỏi mà, bà yên tâm vô chăm sóc con gái, tôi đi mua thuốc cho con. Đêm hôm ấy, người chồng đi kiếm tiền để ngày mai làm phẩu thuật cho đứa con gái của mình.
Sáng hôm sau, người chồng nhờ người bạn đem máu và tiền đến trao cho bác sĩ và một lá thư. Ông yêu cầu bác sĩ tiến hành làm ca phẩu thuật cho con gái ông. Ông van xin bác sĩ đừng tiếc lộ thông tin này cho vợ con của ông biết. Khi nào con gái ông khôn lớn trao lại cho nó, bác sĩ đã chấp nhận điều kiện của ông.
Trong lúc tiến hành ca phẩu thuật người vợ không thấy chồng mình đâu trong lòng rất lo lắng, bác sĩ bảo rằng:
- Ông ấy có nhắn tin với tôi giúp ông ấy tiến hành ca phẩu thuật cho đứa con gái. Ông đi làm công trả nợ cho người ta một thời gian, khi nào trả nợ xong ông quay về với hai mẹ con.
Ngày hôm ấy ca phẩu thuật rất thành công đã cứu sống cô con gái. Người mẹ vô cùng mừng vui không xiết. Bác sĩ đã liên lạc, nhắn tin với người cha của Ngọc Oanh bảo rằng: “Con gái ông đã cứu sống, và bình an vô sự.” Người Cha hay tin trong lòng rất vui mừng, ông ao ước sao trong thời gian này được ôm con gái vào lòng để truyền năng lượng, hơi ấm cho nó vượt qua căn bệnh.
Một tháng sau, con gái đã bình phục hoàn toàn xin xuất viện về nhà. Bà đến cảm ơn bác sĩ và hỏi tin tức về chồng. Bác sĩ không trả lời bất kỳ thông tin gì chồng của bà. Bà và đứa con gái cứ mãi trông ngóng chời đợi suốt 10 năm trời không nhận tin tức gì về người chồng, người cha.
Một hôm, bà nhận được một bức thư của người chồng gởi, trong lòng bà rất mừng rỡ. Bà mở ra xem, đọc từng câu, từng chữ, như sét đánh ngang tai. Bấy giờ ông đã có vợ bé và đã có con. Ông nhắn gởi hai mẹ con hãy quên người đàn chồng phụ bạc, người cha vô trách nhiệm này, hãy sống cho thật tốt và hạnh phúc đừng nghĩ gì đến ông nữa.
Kể từ đó vợ góa, con côi, cuộc sống hai mẹ con thật vất vả muôn phần. Mỗi khi Ngọc Oanh nhìn người mẹ khổ sở vất vả bao nhiêu, trong lòng căm thù, và hận người cha ấy bấy nhiêu. Trong trái tim của Ngọc Oanh dường như không có hình ảnh của người cha,
Khi Ngọc Oanh lên 15 tuổi là một học sinh xuất sắc nhất của trường, thì lại bị bạn bè ganh tỵ đố kỵ, đặt cho cái tên “Bé Cà Chua” ý chọc quê, bố tên Văn Bé đặt biệt hiệu con gái là Bé, người cha bỏ vợ con đi cưới vợ nhỏ, thật xấu xa gọi cà chua. Từ đó, Ngọc Oanh có tên Bé Cà Chua
Mỗi khi nghe bạn bè trong lớp nhắc đến cái tên “Bé Cà Chua” là trong lòng rất hận Cha của mình.
Một hôm trên đường đi học về, Bé Cà Chua gặp một người đàn ông bị bệnh tật, ốm yếu, chỉ còn da bọc xương nằm lây lất giữa đường xin ăn. Bé Cà Chua động lòng bố thí cho ông năm nghìn. Tình phụ tử thiêng liêng có sự giao cảm với nhau, ông nhận ra đứa con gái thân yêu của mình, bấy giờ ông hỏi:
- Con có phải tên Ngọc Oanh không?
- Dạ, thưa Bác phải ạ!
- Mẹ của con có phải tên Ngọc Lan không?
- Dạ phải! Uã Bác là ai, mà sao biết rõ gia cảnh của cháu vậy? Gia đình của Bác đâu? Sao Bác bệnh tật không ai chăm sóc, đi xin khổ sở thế này?
- Con chính là con gái thương yêu duy nhất của Cha
- Ông nói cái gì? Ông là cha của tôi sao? Ông có nhầm không? Tôi từ nhỏ đã không có cha, Cha tôi đã chết trong lòng tôi từ lâu rồi, ông biết không?
Bấy giờ, Ngọc Oanh bỏ chạy không xoay mặt lại nhìn người cha của mình, Ngọc Oanh về nhà cũng dấu chuyện gặp cha với mẹ. Mỗi ngày đi học về Ngọc Oanh đi ngang qua chỗ cha nằm xin ăn, Ngọc Oanh núp vào trong hẻm nhỏ đứng lén nhìn người cha rồi bỏ về, không bao giờ đến gần và gọi ông ấy bằng tiếng Cha.
Mỗi đêm, Ngọc Oanh nằm ngủ mơ thấy mình có hai người cha, một người cha thật đáng hận vì bỏ mẹ con bơ vơ, và một người cha bệnh tật nằm lây lất ngoài vỉa hè xin ăn. Tâm trạng của Ngọc Oanh rất dằn vặt và đau khổ, bỏ ăn bỏ ngủ. Tâm sự gặp lại cha của Ngọc Oanh dấu kín mãi trong lòng, không tâm sự với mẹ và bất kỳ một ai, một tâm trạng hai suy nghĩ thương cha và hận cha lâu ngày trở nên bệnh trầm trọng. Trong lúc tâm trạng đau khổ đến tột cùng, Ngọc Oanh bật ngồi dậy suy nghĩ thông suốt: “Mặc dù ông ấy không có ân dưỡng dục, nhưng ông ấy đã có ân sinh thành. Từ nay, mình không làm những điều bất hiếu, tội lỗi, vô lễ đối với đấng sinh thành nữa, chuyện này mình phải kể cho mẹ nghe thôi, hôm nay mình phải đi gặp bố và đem bố về phụng dưỡng để trả hiếu, không nên hận cha nữa”
Ngày hôm sau trên đường đi học về, Ngọc Oanh chạy thật nhanh đến gần chỗ người cha nằm ăn xin thì bé bỗng dưng đột quỵ. Người cha ăn mày bệnh tật mới nhờ bà con đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Người mẹ hay tin, chạy vào bệnh viện gặp lại bác sĩ ngày xưa đã phẩu thuật cho con gái bà. Người mẹ quỳ lạy van xin bác sĩ hãy cứu sống đứa con gái yêu thương của bà, hôm nay chính là ngày sinh nhật của nó. Tôi bây giờ chỉ còn lại có một đứa con gái thân yêu duy nhất này thôi, nó có mệnh hệ gì tôi cũng không sống nổi
Sau khi xét nghiệm, chẩn đoán bệnh xong, bác sĩ gọi người mẹ của bé vào phòng riêng bảo rằng:
Con gái của bà đã bị bệnh ung thư ở tim và màng bao tim đến thời kỳ cuối
Người mẹ nghe bác sĩ nói như sét đánh ngang tai, tinh thần suy sụp hoàn toàn bà hỏi bác sĩ:
- Vậy có cách nào chữa trị không bác sĩ?
- Vâng có! Chỉ có cách là thay tim, điều kiện để phẩu thuật không phải đơn giản, cần phải có người hiến trái tim, và máu giống nhau để làm phẩu thuật.
Sau khi nghe bác sĩ trình bày như thế người mẹ dường như đã tuyệt vọng, bà trở về phòng bệnh bên đứa con gái từng bước đi nặng trĩu nước mắt đầm đìa, bà đau khổ vô cùng, khóc lóc muốn khô cạn nước mắt
Bấy giờ, bác sĩ bước vào phòng bệnh, kêu người mẹ lên phòng làm giấy thủ tục để chuẩn bị tiến hành ca phẩu thuật, vì đã có người chịu hiến máu và trái tim. Bà vui mừng khôn xiết, xem người ấy như là một vị Bồ tát thị hiện xuống cứu đứa con gái cưng duy nhất của bà
Sau khi tiến hành ca phẩu thuật thay tim thành công, đã cứu sống con gái của bà lần thứ hai. Sau khi Ngọc Oanh tỉnh lại đã kêu lên:
- Cha ơi! Hãy về với con! Con nhớ cha nhiều lắm, con hết hận cha rồi
Người mẹ bảo Ngọc Oanh rằng:
- Con à! Cha con không có ở đây, ông ấy đã bỏ mẹ con mình 15 năm rồi.
Bấy giờ, Ngọc Oanh kể lại câu chuyện hằng ngày gặp cha, mỗi đêm nằm mơ mộng nhớ cha cho nên ngã bệnh, Ngọc Oanh kể cho mẹ nghe với những giọt nước mắt đầm đìa thương cha hơn là hận cha, người mẹ cũng phất lờ đi không muốn nhắc lại chuyện quá khứ đau buồn làm gì.
Bấy giờ, Ngọc Oanh nhìn thấy mình nằm trên giường bệnh chẳng hay biết chuyện gì đã xảy ra với mình, nên hỏi:
- Mẹ ơi! Sao con lại nằm ở đây?
- Ah! Con bị bệnh ung thư tim và màng bao tim, bác sĩ vừa phẩu thuật thay tim cho con
- Vậy! Ai là người hiến trái tim cho con vậy mẹ?
- Mẹ cũng chẳng biết ai có nhân từ đến vậy, trước khi làm phẩu thuật cho con, bác sĩ chỉ nói là có người hiến trái tim và máu để hoàn thành ca phẩu thuật cứu mạng sống của con.
Sau khi Ngọc Oanh bình phục hoàn toàn hai mẹ con đến xin bác sĩ xuất viện, và nói lời cảm ơn, đồng thời người mẹ cũng yêu cầu bác sĩ cho biết ân nhân đã cứu sống đứa con gái của bà.
Bấy giờ, bác sĩ đưa hai mẹ con của bà đi đến trước ngôi mộ của người ân nhân hiến tim, và máu đã hy sinh. Khi hai mẹ con đến trước ngôi mộ của ân nhân liền nhìn thấy hình ảnh và tên hương linh: Bùi Văn Bé khắc trên bia mộ.
Ngọc Oanh đã ngất xỉu trước sự hy sinh của cha, người mẹ ôm con khóc nức nở và quỳ lạy trước người chồng quá cố,
Sau khi Ngọc Oanh tỉnh lại bái lạy trước mộ phần của cha
Bấy giờ bác sĩ nói rằng: Khi ấy ông đã để lại cho con gái ông một lá thư, nhờ tôi trao lại sau khi nó bình phục hoàn toàn.
Ảnh sưu tầm, và minh họa
Con gái Ngọc Oanh yêu quý của bố!
Con à! Trên thế gian này có muôn vàn quyển nhật ký ghi lại một hồi ức kỷ niệm, lá thư này cha đã nhờ bác sĩ trao lại cho con, sau khi sức khỏe của con bình phục hoàn toàn.
Con biết không? Khi con lên ba tuổi con mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, gia tài tiền bạc không cánh mà bay. Cha đi làm thuê gánh phân, khuân vác, làm mọi thứ để có tiền để chữa bệnh cho con. Nhưng vẫn vô phương cứu chữa con ạ! Bác sĩ bảo cần có một số tiền lớn để làm phẩu thuật, Cha không có cách nào hơn trong một đêm có thể tìm ra số tiền rất lớn để ngày hôm sau làm phẩu thuật chữa bệnh cho con. Sự trùng hợp ngẫu nhiên, đêm hôm đó có một gia đình giàu sang có người thân mắc phải bệnh nan y, cần thay quả thận. Gia đình ấy cần quả thận để chữa bệnh cho người thân của họ, còn cha thì đang cần tiền để làm phẩu thuật cho con. Cha đã quyết định bán quả thận của cha cho họ để có tiền làm phẩu thuật cho con
Ngày hôm ấy, sau khi cha bán quả thận cho người ta lấy tiền và nhờ người bạn mang tiền và máu của cha đến gặp bác sĩ để làm phẩu thuật cho con. Cha rất tiếc ngày hôm ấy không có cha bên cạnh để chăm sóc con, và nhìn khuôn mặt con gái khi tỉnh lại. Nhưng cha nằm ở bệnh viện bán thận, hay tin ca phẩu thuật đã thành công và con đã bình an vô sự. Bấy giờ không có một niềm vui và hạnh phúc nào hơn là cha đã cứu sống và bảo vệ được đứa con gái cưng của mình.
Con biết không? Năm ấy, sau khi cha bán thận xong, sức khỏe của cha càng ngày càng tồi tệ, đi đứng không được, trở thành một phế nhân. Cha không muốn hai mẹ con của con nhìn thấy cha bị tàn tật như thế này sẽ đau khổ, và cha cũng không muốn mang thêm gánh nặng đến hai mẹ con của con, cha chỉ muốn hai mẹ con của con được sống hạnh phúc bình an vô sự, cho nên cha đã viết lá thư gởi đến mẹ của con và nói dối là cha đã có gia đình và có con.
Suốt mười lăm năm qua, cha trở thành một phế nhân không đủ sức lao động để kiếm miếng ăn, cha phải sống lây lất đầu đường, xó chợ xin ăn kiếm sống qua ngày, bữa đói, bữa no. Mỗi đêm khuya thanh vắng bóng người qua lại, cha bò lếch về nhà nhìn vào cửa sổ thăm hai mẹ con của con rồi lặng lẽ ra đi.
Khi con lên 15 tuổi trở thành một học sinh ưu tú nhất của trường, nước mắt hạnh phúc của cha đã rơi, nhìn thấy đứa con gái thương yêu của mình đã trưởng thành. Mặc dù hằng ngày cha không đưa con đến trường như những người cha khác. Nhưng những bước chân của con đến trường đều có hình bóng của cha đi theo
Con à! Cha cứ nghĩ làm như vậy là đúng bổn phận một người cha, cha trốn tránh số phận, nhưng lại làm tổn thương cho hai mẹ con của con sống trong cô đơn và uất hận đến cha, con không nhận người cha này cũng đúng, cha không có trách con đâu, vì cha đã làm sai, nếu cha nằm trong trường hợp của con thì cha cũng hành động cũng như vậy.
Ngày hôm ấy lúc con đi học về chạy thật nhanh đến chỗ cha, rồi bỗng dưng ngã quỵ xuống. Lúc ấy cha cảm giác con đã tha thứ và không còn hận cha nữa đúng không?
Ngày hôm ấy, cha hay tin con bệnh ung thư tim và màng bao tim. Bác sĩ nói phải thay tim, mới cứu được mạng sống của con. Cha đã tự nguyện hiến trái tim và máu của cha cho con. Trái tim nhịp đập hơi thở là tiếp nối sự sống của cha, máu đang chảy trong người con cũng là sự sống của cha ban tặng cho con.
Con gái yêu quý à! Khi con đọc những dòng chữ này cũng là ngày cha con mình xa cách, thân xác cha trở về với các bụi, nhưng sự sống của cha luôn mãi bên con, con đừng đau buồn. Con hãy sống vui vẻ thật hạnh phúc là cha thật sự hạnh phúc và mãn nguyện trong cõi vĩnh hằng.
Con thay cha chăm sóc mẹ và hãy sống hiếu thảo với mẹ, đừng bao giờ làm mẹ buồn. Con hãy dõng mãnh lên vượt lên khó khăn gian khổ và số phận, như con đã vượt qua hai lần làm phẩu thuật. Con phải biết quý trọng thời gian và sống thật ý nghĩa trong cuộc đời để đền đáp lại sự sống của cha đã tặng cho con.
Cha yêu quý của con
Văn Bé!!!
Sau khi Ngọc Oanh đọc lá thư của bố xong trong lòng thật xúc động dâng tràng với tình phụ tử thiêng liêng vô tận. Ngọc Oanh quỳ lạy cảm ơn Cha đã âm ầm hy sinh để ban tặng cho con sự sống, mà không cần một yêu cầu đền đáp nào.
Ngọc Oanh quỳ trước mộ phần cha để nói lời tâm sự với cha,
Cha à! Cha hãy yên lòng an nghỉ nơi suối vàng con sẽ sống hiếu thảo với mẹ, thay cha lo cho mẹ và con sẽ sống thật hạnh phúc, làm nhiều việc ý nghĩa giúp ích cho đời. Con xin cha tha lỗi cho đứa con gái đã có những suy nghĩ nông cạn trước kia vì chữ hận con đã không nhìn nhận cha. Đến khi hiểu thông suốt thì cha không còn trên dương thế để con có cơ hội đền ơn báo đáp, con cầu mong cha ở suối vàng hãy tha thứ lỗi cho đứa con gái bất hiếu này, con ước gì hôm nay còn có cha để có cơ hội cất lên tiếng nói: Cha ơi! Con thương cha nhiều lắm, cha mãi mãi là người cha tốt nhất trong trái tim của con và hằng ngày để con được dâng lên chén trà để tỏ lòng hiếu thảo. Mặc dù cha không còn trên dương thế để nghe những lời tâm sự của con nói từ đáy lòng, nhưng con đang mang dòng máu và trái tim của cha, con tin chắc những dòng tâm sự của cha nghe được và đã tha thứ cho con, và cha biết rằng con luôn luôn nhớ cha nhiều lắm, con chẳng những không còn hận cha mà còn thương cha nhiều lắm,
Qua câu chuyện Người Cha Vĩ Đại, Ngọc Oanh muốn nhắn gởi mọi người: “Hãy yêu thương những gì mình đang có, đừng để mất đi rồi mới cảm thấy hối tiếc, thì sự việc cũng đã muộn màng rồi.”
Viết bởi: Thích Trí Giải
Sau đây mời quý vị xem film thật cảm động
Tình Yêu Của Người Cha Câm Điếc
0 comments