Chúng ta nhìn nhận: “Cuộc đời là bể khổ triền miên”. Sự thật cuộc đời này vốn dĩ không có khổ đau hay hạnh phúc, mà sở dĩ cuộc đời nói khổ đau hay hạnh phúc là do tâm của con người tạo ra. Như một tấm vải trắng, nếu ta đeo kiếng đen thấy tấm vải hoàn toàn màu đen, nếu chúng ta đeo kiếng màu trắng sẽ thấy tấm vải hoàn toàn màu trắng thì sự thật chân lý cuộc đời cũng vậy! Nguyên nhân chính là do con người chấp ngã “ta”: xác thân ngũ uẩn này của ta, tài sản của ta, địa vị danh vọng của ta…con người bám víu vào đó rồi dong ruổi tìm cầu, cầu có rồi lại sinh tâm tham, muốn có thêm suốt đời tìm kiếm hạnh phúc nơi những thứ giả tạo ấy. Chúng ta càng bám víu chấp thủ vào ngũ dục thế gian thì càng tạo ra chướng ngại trên con đường tu tập. Chúng ta hãy suy ngẫm thử xem nỗi khổ đau của thân ngũ uẩn như thế nào? Để từ đó chúng ta tu tập xóa bỏ cái “ta” không còn bám víu vào những thứ ngũ dục giả tạo ấy thì tâm của chúng ta mới trở nên an lạc và giải thoát được những thứ ràng buộc kia.
Khổ là một sự thật hiển nhiên, không ai phủ nhận điều ấy. Hễ ai dấn thân vào chốn hồng trần tự hào cho rằng: “Cuộc đời mình chưa trải qua đau khổ”? Thật ra từ lúc mở mắt chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chúng ta gặp biết bao nhiêu là nỗi trái ngang, vui buồn lẫn lộn, vinh nhục ngậm ngùi, đôi lúc chan chứa nước mắt hằng đêm trên gối chiếc. Khi nhìn thấy nỗi khổ đau của cuộc đời trong Cung Oán Ngâm Khúc Ôn Như Hầu (Nguyễn Gia Thiều) thi cảm rằng:
“Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tan thương” (câu 73-76)
Thân con người giống như chiếc bèo trôi dạt lênh đênh trên dòng sông (vô thường), không biết trôi dạt về đâu? Con người không nắm được định mệnh của mình ra đi lúc nào, kiếp người quả thật vui ít khổ nhiều, có ai vui trọn kiếp mà không khổ bao giờ? Con người thường chấp bám vào những hạnh phúc giả tạm mưu cầu danh lợi địa vị, công danh, bằng những phương thức thủ đoạn đê hèn, chiếm đoạt tài sản kẻ khác, lừa gạt, tham nhũng, mua quan bán chức,...để tìm có đồng tiền sống thỏa mãn dục vọng đê hèn, nuôi dưỡng cái thân ngũ uẩn này. Ngày ngày trau chuốt giữ gìn nó, tìm không biết bao nhiêu thứ để phục vụ cho tấm thân giả tạm rồi cho rằng đó là hạnh phúc ở đời, là tiền bạc, là giàu sang, là ăn ngon, mặc đẹp. Chính những thứ hạnh phúc giả tạm này là cái gông cùm để trói buộc tâm chúng sinh, là cái ách nô lệ đè lên vai của nhân thế. Dưới ánh mắt của phàm phu đã bị che mờ bởi những thứ ngũ dục ấy. Vì thế tâm bị vô minh phiền não che lấp nên hằng ngày đã tạo vô số nghiệp ác, đánh mất chân tâm, bởi vậy mới kết nối chuỗi dài trôi lăn sinh tử luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác.
“Ai nghĩ thân của tôi
Là phàm phu mê muội
Tăng mộ phần phiền não
Chấp chặt sự tái sinh” (Trưởng Lão Tăng Kệ 575)
Do đó từ thực tại khổ đau, con người biết nhìn nhận nó để chuyển hóa tâm hồn, xóa bỏ lòng tham ích kỷ, xóa bỏ cái bản ngã, lòng tham muốn ganh tỵ, đố kỵ…thoát ra khỏi mảnh đất tâm của mình, bởi do sợi dây phiền não trói chặt chúng ta. Chúng ta hãy nương tựa vào chính mình, nương tựa vào ngọn đèn chánh Pháp, nhẹ nhàng thoát ra khỏi cuộc đời đau khổ trầm luân thể hiện chân lý sống cho chính mình, như đóa sen khẳng định sức sống mãnh liệt của nó, để rồi vươn lên từ chốn bùn nhơ tỏa ngát hương, tô điểm trần gian thêm đẹp, làm cho đời mang vẻ tôn nghiêm
Hoa sen tinh khiết chốn bùn nhơ
Thoát lên mặt nước tự bao giờ
Tỏa hương thơm ngát chân thiện mỹ
Tô điểm trần gian đẹp nên thơ
Chúng ta muốn trở thành đóa hoa hiện thể để tô điểm trần gian thì hãy giống như đóa sen kia vượt ra khỏi chốn bùn nhơ! Tâm của chúng ta thoát ra khỏi sự ràng buộc của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và đoạn trừ tất cả tâm phiền não tham sân si, mạn, nghi, ác kiến…và điều kiện tất yếu là chúng ta thấy được chân lý của khổ là một sự thật? Đức Phật dạy: “Sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hoại khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”. Nhưng đức Phật không phải chỉ ra sự thật của cái khổ để rồi chúng ta bi quan yếm thế, chán nản cuộc đời. Đức Phật chỉ rõ chúng ta chân lý sực thật của khổ đau (Khổ đế), Ngài chỉ rõ cho chúng ta nguyên nhân của khổ (Tập đế) và phương pháp diệt trừ khổ (Diệt đế) vào cảnh giới an lạc hạnh phúc Niết bàn là (Đạo đế). Cho nên trong khổ đau đức Phật chỉ cho chúng ta lối thoát, không phải chỉ khổ để rồi chỉ biết than thở chán nản.
Vậy nguyên nhân của khổ chính là tham ái, dục vọng của con người gây ra, khiến con người bám víu vào thân ngũ uẩn cho là của “ta”. Chúng ta quên rằng trong xác thân này từng sát na biến đổi liên tục của định luật vô thường, chúng ta càng bám víu sẽ càng khổ đau. Hãy quán chiếu cái thân ngũ uẩn này: sức khỏe, tri thức trong kiếp sống hiện tại nếu như ta sinh ra lục căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý) đi ngược lại với sự mong muốn của con người sẽ mang một nỗi khổ dằn vặt suốt đời với đôi mắt lé, mù, mũi hểnh, miệng méo hoặc câm, ngọng, tai điếc, thân lùn hoặc bị gù, ý bị thần kinh điên đảo. Nếu một người nào rơi vào một trong sáu (lục căn bất cụ) cảm thấy héo hon sầu muộn và ý nghĩa cuộc đời dường như đóng kín lại đối với họ. Hoặc có người thân hình xinh đẹp tướng hảo mỹ miều, thông minh tài trí hơn người, hằng ngày trau chuốt bản thân, bằng mọi thứ son phấn, quần áo trang sức…để hãnh diện với đời. Nhưng sự thật phũ phàng mang đến khi gặp một cơn gió độc, hoặc bị tai nạn xe cộ làm bị què, hoặc bị chấn thương thần kinh…đó là định mệnh! Chúng ta không thể nào làm chủ được cho nên cái thân ngũ uẩn này đối với định luật vô thường rất mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, mới hôm qua còn vui cười gặp nhau đó, hôm nay đã mất rồi, hoặc chỉ trong một tích tắt thiên tai động đất sóng thần mấy chục ngàn sinh mạng ra đi về miền đất lạnh làm cho cảnh sinh ly tử biệt. Nhưng đó cũng là quy luật của cuộc sống - có sinh ắt có tử! Ai sinh ra cũng một lần chết, không ai tránh khỏi sự thật này, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi. Các pháp xưa nay theo lý duyên sinh của vạn vật, phải trải qua 4 chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Có sinh phải có tử, có tụ phải có tán, một ngày qua đi chúng ta tiến gần đến với cái chết một ngày, sinh tử vô thường không hẹn một ai. Một người đang giàu sang sống hạnh phúc trở nên tán gia bại sản, tù đày, tâm đau khổ, tinh thần tán loạn điên đảo, mất trí trước sự mất mát lớn lao về tài sản hoặc chứng kiến trước cảnh sinh ly tử biệt của người thân ra đi. Biết bao nhiêu giọt lệ sầu rơi? Cũng có nhiều người bị những cú đấm tình cảm như trong hoàn cảnh ái biệt ly khổ, bị người tình bỏ rơi, hay sinh ly tử biệt. Qủa đấm này đau khổ biết chừng nào, hoặc oán tắng hội khổ, ghét nhau vẫn gặp mặt nhau hoài cũng là nỗi khổ…
Đức Phật dạy chúng ta thấy rõ sự thật của khổ, vô thường là để chúng ta nhìn nhận nó để rồi làm chủ nó, giải quyết vấn đền sinh tử khổ đau. Tất cả khổ đau hiện hữu là do chúng ta luôn ý niệm về cái “ta”, cho nên bất kỳ nơi nào có tham ái nơi ấy có quan niệm về cái “ta” và sự đau khổ.
Bởi vậy, hằng ngày chúng ta biết lắng đọng tâm tư quán chiếu về sự thật của khổ đau để chúng ta can đảm trải nghiệm khổ đau. Nếu chúng ta không gặp khổ đau thì đức Phật không thị hiện ra đời để độ sinh. Khi chúng ta gặp hoàn cảnh khổ đau dày xéo thân tâm, chúng ta phải biết chánh niệm tỉnh giác để làm chủ khổ đau, đừng bao giờ chùn chân và chán nản, bi quan trước gian nan khổ đau.
“không đau khổ lấy gì làm chất liệu
Không lang thang đâu biết gió mưa nhiều
Không gian nan lấy gì thi vị hóa
Không lầm than đâu biết chuyện con người”
Đức Phật dạy sự thật khổ đau để chúng ta nổ lực tu tập giải thoát khổ đau, thay vì luôn cam chịu số phận, định mệnh rồi chịu thua nó. Chúng ta phải nổ lực đến cùng để chiến thắng nó. Con đường để thoát ra biển khổ trầm luân đòi hỏi chúng ta phải biết rõ nguyên nhân của khổ là do tham ái sinh ra. Từ đó hãy xóa hết ý niệm về cái “ta” thì cái tâm tham ái tự nhiên sẽ cắt đứt. Lúc bấy giờ hành giả sẽ cảm nhận hạnh phúc chân thật vắng mặt khổ đau, chân lý sự thật của cuộc đời phơi bày ra, cái hay của đạo Phật là bao giờ cũng có phương pháp để giải quyết vấn đề không phải để cầu lạy van xin. Cuộc sống chúng ta đau khổ, thì đi tìm nguyên nhân của khổ, để rồi diệt khổ, bấy giờ chúng ta sẽ hết khổ.
“Năm uẩn là gánh nặng
Kẻ gánh nặng là người
Cấm lấy gánh nặng lên
Chính là khổ ở đời
Còn đặt gánh nặng xuống
Tức an lạc ở đời
Đặt gánh nặng xuống rồi
Không mang thêm gánh khác
Nếu nhổ khát ái lên
Tận cùng đến gốc rễ
Không còn đói và khát
Đã giải thoát, tịnh lạc”
Chìa khóa vạn năng đức Phật để lại cho chúng sinh mở cửa giải thoát sinh tử luân hồi chính là giáo lý “Vô ngã”. Chúng ta hãy tu tập quán “Vô ngã” để diệt trừ tham ái.
0 comments