Phật Pháp: Phương pháp hóa giải những xung đột





Phương pháp hóa giải sự xung đột

Trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra sự xung đột trong các mối quan hệ như: giữa Thầy với Phật tử, tình thầy trò, chồng vợ, anh em, bạn bè... vậy làm sao chúng ta để tìm ra một cuộc sống tốt đẹp, bình an và hạnh phúc?
Trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra sự xung đột trong các mối quan hệ như: giữa Thầy với Phật tử, tình thầy trò, chồng vợ, anh em, bạn bè... vậy làm sao chúng ta để tìm ra một cuộc sống tốt đẹp, bình an và hạnh phúc? Để đạt được điều đó đòi hỏi mỗi người chúng ta phải tu tâm, phải xả bỏ tất cả cái bản ngã của chính mình và phải biết lắng nghe ý kiến mọi người xung quanh.
Tâm Từ đối trị diệt cơn sân
Hóa giải oan khiên việc rất cần
Khi đã có lỗi nên sửa đổi
Đừng nên cố chấp, việc mình làm

Khi người có lỗi, biết ăn năn
Những việc không hay, đã lỗi lầm
Cuộc sống không ai, chẳng có lỗi
Sẵn sàng tha thứ, việc nên làm (Trí Giải)
Việc gì người khác nói đúng mình phải biết lắng nghe, việc gì không đúng chúng ta nghe xem rồi sau đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Trong Đạo Phật gọi là kiến hòa đồng giải, chia sẻ sự hiểu biết cho nhau, để cùng nhau tu hành tìm đường giải thoát.
Kiến hòa đồng giải: đến mọi người
Khám phá điều hay, chia sẻ vui
Để cho trình độ, không chênh lệch
Tinh thần bình đẳng, sống vui đời (Trí Giải)
Nếu chúng ta nổi sân hận ôm giữ vào tâm tự mình làm khổ mình, tha thứ cho đối phương đó việc làm rất cần để hàn gắn tình thương yêu, và giải thoát những bực tức trong lòng của mình, chúng ta thử nghĩ xem khi bực tức nổi giận dẫn đến mất ăn mất ngủ có phải chúng ta tự làm khổ cho chính mình không? muốn thực hiện hành động tha thứ thì chúng ta, không nên truy tìm vấn đề đúng sai. Bởi vì giữa cái đúng và cái sai  tùy theo quan điểm chủ quan của mỗi người: mình đứng trên phương diện này cho là đúng, đứng trên quan điểm khác lại cho là sai. Vậy giữa cái đúng và cái sai đều giả tạm. Ai ai cũng cố chấp cho quan điểm của mình là đúng do đó tạo ra sự xung đột lẫn nhau, làm mất đi sự bất hòa trong các mối quan hệ lẫn nhau, tạo ra sự sức mẻ tình cảm. Chúng ta là hàng phàm phu, là hành giả đang tu tập. Đừng bao giờ đi tìm cái hoàn mỹ để sống! Chúng ta cần nên tìm cái tương đối để sống, biết chia sẻ thông cảm và sẵn sàng tha thứ cho nhau.
Nhẫn nhục thể hiện Tâm Từ
Nhẫn Người một chút chữ Tu hiển bày
Nhẫn nhịn mới thấy điều hay
Nhẫn bạn ta có những ngày cảm thông (Trí Giải)
Trong cuộc sống, nếu chúng ta không có lỗi lầm thì chúng ta đã là bậc Thánh nhân.
 Vậy cho nên, khi chúng ta có lỗi biết nhận lỗi, ăn năn sám hối và không bao giờ tái phạm - đó là điều đáng quý. “Trên đời có hai hạng người đáng tôn kính là một người chưa bao giờ phạm phải lỗi lầm và một người phạm lỗi biết ăn năn hối cải.”
Hằng ngày ươm giống Bồ đề tâm
Học giả chân tu, thấy lỗi lầm
Kiếm tuệ vun gươm, trừ ác nghiệp
Trượng phu thành tựa được “chân tâm” (Trí Giải)
Hằng ngày chúng ta thường tiếp xúc rất nhiều trong các mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy trò, bạn bè,…làm sao khỏi tránh khỏi sự xung đột lẫn nhau. Điều tốt nhất là chúng ta nên giữ hòa hợp đừng bao giờ xảy ra sự xung đột. Nhưng khi lỡ xảy ra xung đột rồi, thì bản thân chúng ta phải biết quán chiếu sự việc đó, tìm nguyên nhân do đâu mà tạo nên sự bất hòa, cái đã chia rẽ mối quan hệ, cái đã làm mất đi cuộc sống hạnh phúc của chúng ta, và rồi từ đó ta tìm cách hóa giải vấn đề, nếu không không giải quyết được thì dễ gây nên sự thù hận. Phật có dạy: “Oán thù chúng ta nên giải không nên kết!”
Vô thường lá rụng, ở bên sân
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân ( Trí Giải)
Thông thường, sự xung đột thường xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng và bạn bè và nguyên nhân là do đâu? Do chúng ta mọi người ai cũng cố chấp để bảo vệ cái bản ngã tự cao tự đại của mình, ai cũng cho rằng mình luôn đúng và không chịu lắng nghe. Nếu hai vợ chồng luôn bảo vệ cái đúng riêng cho bản thân mình thì chắc chắn sẽ tạo ra sự xung đột trong gia đình và mất đi sự hạnh phúc.
Bởi vậy, khi đã kết hôn thành vợ chồng, tức có duyên nợ với nhau, vì thế phải biết yêu thương, thông cảm cho nhau, luôn xem đối tượng của mình với ánh mắt hoàn mỹ như lúc đầu gặp gỡ. Khi có mâu thuẫn xung đột xảy ra giữa vợ chồng, đừng bao giờ đổ lỗi cho ai mà tự bản thân người vợ hoặc chồng suy xét lại. Ai có lỗi tự kiểm điểm và sửa đổi, không nhất thiết phải nói lời xin lỗi trước mặt chồng hay chồng xin lỗi trước mặt vợ, bởi vì ai cũng có tự ái của bản thân! Nếu chồng sai tìm cơ hội làm hòa lại với vợ con, hoặc vợ cảm thấy mình có lỗi tìm cách làm hòa lại với chồng và đối phương cần nên xả bỏ tất cả chuyện không vui, và sẵn sàng tha thứ cho đối tượng của mình thì chắc chắn sẽ tạo nên một gia đình hạnh phúc. Mỗi người là thành viên trong gia đình, gia đình là thành viên trong xã hội. Một người biết sống tốt thì gia đình hạnh phúc, nhà nhà sống hòa thuận dẫn đến xã hội tốt đẹp hoàn mỹ!
Điều quan trọng nhất người viết muốn chia sẻ là khi xảy ra mối xung đột giữa các mối quan hệ lẫn nhau thì tự mỗi người lắng lòng lại, tự suy xét lại sự việc, ẩn khuất chỗ nào? Nguyên nhân gây ra mối bất hòa từ đâu? Và khi tìm ra nguyên nhân rồi thì tự nhận khuyết điểm về mình và hãy nói lời xin lỗi với đối phương.

Hằng ngày quán chiếu, việc qua rồi
Sai trái điều gì, nguyện bỏ thôi
Làm đúng việc gì, cần phát triển
Cuộc đời hoàn thiện nhân cách thôi (Trí Giải)
Biết xin lỗi là một hành động để thăng hoa trong cuộc sống, nó giúp chúng ta mỗi ngày hoàn thiện về đạo đức, bản tính nhu hòa, khiêm nhường và bình an trong cuộc sống. Chúng ta học theo gương sáng của đức Phật. Ngài là đấng toàn năng toàn Giác, là bậc Giác ngộ thế nhưng vẫn có người ganh tỵ, tìm mọi cách để hại Ngài. Điển hình như Đề Bà Đạt Đa đã tìm mọi cách hại Phật nhưng đức Phật lại lấy oán kết bạn hiền để hóa giải thù hận. Ngài bảo Đề Bà Đạt Đa chính là thiện tri thức của Ngài. Tôi cũng tin chắc một điều rằng: để hóa giải sự xung đột trong các mối quan hệ lẫn nhau, để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau bằng trái tim Từ bi và cái tâm chân thật!
- “Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …
Cho nên, ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương  mà còn:
- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân.
- Đặt trên trán để may mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em, chị em”.
Hạnh phúc của con người không đến từ sự thù hận, tức giận cho nên sự trang trải tình thương trong cuộc sống xã hội là điều cần thiết nhất để hóa giải sự xung đột. Nếu chúng ta đến với nhau bằng một trái tim vị tha, từ bi chân thật không giả dối để sưởi ấm tình người thì chắc chắn rằng xã hội sẽ tốt đẹp không có sự thù hận, chém giết, gây bất an cho con người, gia đình và xã hội.
Chúng ta cần xả bỏ cái tâm hơn thua, ganh tỵ, đố kỵ, những lý lẽ đúng sai và đến với nhau bằng chữ tình thương áp dụng trong tất cả các mối quan hệ.
Chúng ta không nên sống phân biệt kỳ thị chủng tộc màu da mà hãy sống trong sự bình đẳng của con người, bình đẳng trong thể tánh. Phật dạy: “Trong tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. và mọi người ai cũng có dòng máu đỏ và vị mặn của nước mắt. Chúng ta phải biết tôn trọng lẫn nhau, không nên ỷ mạnh hiếp yếu, giàu sang khinh chê người nghèo khổ….
Hằng ngày, mỗi cá nhân cần phải trồng hạt giống từ bi nơi tâm, để xây đựng một xã hội tốt đẹp và hoàn mỹ. Chúng ta hãy sống bằng trái tim của lòng từ, khi gặp người hoạn nạn sẵn sàng giúp đỡ với khả năng của mình. Hãy quán tưởng những người đó như là Cha, Mẹ, con cái, nhiều đời nhiều kiếp. Đức Phật cũng dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đắp đổi nhau làm thân bằng quyến thuộc”. Cho nên khi đức Phật đi trên đường Ngài gặp đống xương khô, Ngài liền lạy ba lạy bảo rằng đó là Cha, Mẹ nhiều kiếp của Ngài. Có như thế tình thương mở rộng phạm vi ra ngoài tính ích kỷ tham ái. Tham ái là nguồn gốc của khổ đau và chỉ có từ bi mới là tình thương đích thực mang lại hạnh phúc cho con người xã hội và thế giới. Bởi lẽ bản tính Từ bi là không tính toán, không cầu lợi, không ích kỷ, mà nó rộng lớn với bản chất vô ngã. Đó là vài quan điểm nho nhỏ cùng chia sẻ đến mọi người để làm thế nào hóa giải sự xung đột và tạo nên cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp như đóa sen thoát lên chốn bùn nhơ tỏa ngát hương cho đời
Hoa sen tinh khiết chốn bùn nhơ
Thoát lên mặt nước, tự bao giờ
Tỏa hương thơm ngát, chân thiện mỹ
Tô điểm trần gian, đẹp nên thơ (Trí Giải)
Thích Trí Giải

Chủ đề: , ,

0 comments

Lên đầu trang