Nhập Bồ Tát Hạnh - Thiền định - 3

Thiền định - 2

19.  Do vậy kẻ có trí không bao giờ tham luyến, vì tham luyến sẽ đưa đến nỗi sợ vào ba đường ác.  Hãy giữ vững sự tin hiểu như sau:  những sự vật kia tự bản chất là đáng bỏ.

20. Dù ta có nhiều tiền lắm của, nổi danh khắp thiên hạ, thì những danh lợi thâu thập được ấy cũng không thể chiều theo ý muốn của ta.

21. Lời ca tụng đâu đáng để làm ta vui khi cũng có người hủy báng ta?  Lời chê bai đâu đáng làm ta sầu khổ, khi cũng có người khen ta?

22. Hữu tình chúng sinh có đủ loại tâm tính, ngay đến chư Phật cũng không thể làm cho họ vui lòng, huống chi kẻ hèn kém như ta?  Vậy nên xả bỏ ưu tư ấy.

23. Họ khinh miệt kẻ bần cùng và nói xấu người giàu có.  Bản chất họ khó kết thân như thế, thì làm bạn với họ có gì vui?

24. Đức Như Lai có dạy rằng:  Kẻ phàm ngu nếu không được lợi lộc thì sầu não không vui, bởi thế đừng làm bạn với họ.

25. Những chim thú và cây trong rừng không có phát ra những âm thanh châm chích nhĩ căn.  Làm bạn với chúng thì ta thường an vui.  Đến bao giờ ta mới được ở yên với chim thú trong núi rừng?

26. Bao giờ tôi mới được ở gốc cây, trong hang động hoặc chùa hoang vắng  Nhưng tôi nguyện tâm này không còn tơ tưởng đến thân bằng quyến thuộc, cắt đứt ham muốn đối với trần thế.

27. Bao giờ tôi mới được dời đến chỗ thiên nhiên khoáng đạt để khỏi chấp đây là chỗ của tôi, tâm không còn tham đắm, được tự do tự tại?

28. Bao giờ tôi mới được ở an không sợ hãi, chỉ giữ ít vật dụng cần thiết, y phục thì kẻ trộm không thèm lấy, thâm chí không cần phải che thân?

29. Bao giờ tôi mới đến được rừng thây, tiếp xúc cảnh ấy mà phát sinh ý nghĩ: Bộ xương của tử thi với thân thể của ta, đều là những thứ sẽ đi đến hoại diệt.

30. Thân ta nhanh chóng vữa nát, hôi thối đến nỗi chồn sói cũng không dám đứng ăn ở đầu gió.  Sự biến đổi của thân này chung cuộc sẽ như vậy.

31. Chỉ một tấm thân này lúc sống thì xương thịt liên kết nhau, nhưng lúc chết cũng đơn độc chết, nhưng chết rồi là phân tán mỗi thứ một nơi, huống chi những người thân thuộc.

32. Khi sinh ra ta đã ra một mình, lúc chết cũng đơn độc chết, những thống khổ khi tứ đại phân tán không ai san sẻ được với mình, thì thân bằng quyến thuộc có ích gì?

33. Như lữ khách trên đường dài không tham đắm chỗ tạm dừng chân, kẻ đang đi trên đường ba cõi (cõi dục, cõi sắc và vô sắc) cũng không nên ái luyến gia đình từ đấy mình đã sinh ra.

34. Sao ta phải chờ đến lúc thân thể được bốn người khiêng, với thân bằng quyến thuộc đau đớn khóc lóc đi theo, mới chịu vào rừng?

35. Không cùng người thân hoặc kẻ thù, một mình ở ẩn trong rừng núi xem như đã chết, thì khi chết chẳng còn ai phải khóc than.

36. Khi ấy, xung quanh chẳng có người nào để đau buồn cho ta hoặc để làm hại ta, nên lúc tu các pháp như niệm Phật theo hơi thở, v.v. sẽ không có ai làm cho tâm ta tán loạn.

37. Bởi thế, hãy ở một mình, ít việc, dễ an vui, trong cảnh núi rừng xinh đẹp khiến tâm người hoan hỷ, ngõ hầu đình chỉ tâm tán loạn.

38. Khi đã bỏ hết những lo nghĩ thế tục rồi, tâm ta nên chuyên nhất để có thể đi vào tịnh chỉ, và tinh tấn cắt đứt phiền não (bằng tuệ quán).
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang