Nhập Bồ Tát Hạnh - Nhẫn nhục - 10

Nhẫn nhục - 9

103. Nếu vì những lỗi lầm phiền não của chính mình mà ta không chịu nổi kẻ thù, vậy là ta tự trở ngại sự tu hạnh nhẫn nhục, cái nhân của phước đức.

104. Nếu không bị hại thì hạnh nhẫn nhục không sinh khởi.  Có bị oán thù mới sinh cái phước của sự kham nhẫn.  Kẻ thù đã là cái nhân cho ta tu phước, thì sao ta lại bảo họ trở ngại phước?

105. Người đến xin đúng lúc thì không phải là chướng ngại cho sự bố thí, cũng như không thể nói các thầy truyền giới là trở ngại cho việc xuất gia.

106. Trên đời, những người ăn xin - cơ hội cho hạnh bố thí - thì rất nhiều, nhưng kẻ thù, cơ hội cho hạnh tu nhẫn nhục, thì rất hiếm.  Vì nếu ta không ra ngoài để gây thù kết oán với ai, thì cũng chẳng ai đến hại ta cả.

107. Bởi thế, kẻ thù nghịch cũng như báu vật vào nhà, ta không nhọc sức mà bổng dưng có được.  Họ giúp ta thực hành hạnh giác ngộ, vậy ta nên ưa thích kẻ thù nghịch với mình.

108. Vì kẻ thù và ta cùng hợp tác mới viên thành hạnh tu nhẫn nhục, nên cái quả báo công đức của hạnh ấy trước hết hãy nên phụng hiến cho kẻ thù, vì họ là cơ hội cho ta tu nhẫn.

109. Ngươi bảo: "Kẻ thù đâu có ý muốn giúp cho ta, nên không đáng cung phụng" nhưng nếu vậy cũng không nên cúng dường chính pháp giúp ta tu thiện (vì Pháp cũng vô tư, không có ý định gì.)

110. Nếu nói: "Kẻ thù nghịch chỉ nghĩ chuyện làm hại tôi, nên không đáng cung dưỡng".  Nhưng làm sao tu nhẫn được, nếu kẻ thù toàn như y sĩ hết trọi (nghĩa là tuy gây khổ đau nhưng có thiện ý)?

111. Bởi thế, nhờ một người sân si tột độ, ta mới có thể tu hạnh nhẫn nhục kiên cố, chỉ có kẻ thù mới làm nhân cho hạnh nhẫn, nên đáng cúng dường họ như cúng dường chánh pháp.

112. Do vậy, đức Mâu Ni đã dạy:  "Chúng sinh và Phật đều là hai ruộng phước thù thắng.  Hãy thương kính trọng hai ruộng phước ấy thì hoàn tất được các hạnh ba la mật."
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang