Nhập Bồ Tát Hạnh - Nhẫn nhục - 3

Nhẫn nhục - 2

27. Nếu cho rằng có một "nguyên lý" (Skt. Prakrti, thần ngã, căn bản bất biến của vạn pháp theo Số luận) và có một chủ thể gọi là "ngã" (atman, linh hồn hay ngã trường cửu theo Số luận), thì cả hai đều không nghĩ "ta sẽ xuất hiện" (để làm hại) rồi mới xuất hiện.

28. "Nguyên lý" đã là thường, nên không có quả. Sự hại cũng không có. Cái ngã muốn hưởng quả cũng trường cửu, nên mãi mãi chấp trước cảnh không bao giờ ngưng.

29. Hơn nữa, nếu Ngã là thường, thì nó sẽ bất động như hư không. Bởi thế dù nó có gặp gỡ những duyên khác, bản chất bất động của nó cũng không biến đổi.

30. Dù có bị tác động bởi ngoại duyên, ngã vẫn như trước thì tác động để làm gì? Vậy nói các duyên tác động lên ngã, hai thứ có tương quan gì đâu.

31. Do vậy tất cả pháp đều do các duyên khác sinh ra, không pháp nào tự dưng mà có. Khi hiểu được điều này, ta không nên tức giận về những hiện tượng chỉ như huyễn như hoá.

32. "Nếu mọi sự là không thực, như huyễn, thì ai là người chế ngự cơn giận nào? Vậy nói trừ sân là vô lý." Không vô lý đâu, vì trên phương diện tục đế phải nhận rằng, nhờ chế ngự giận dữ mà cắt đứt được các khổ đau.

33. Bởi thế, khi thấy một kẻ thù hay người bạn vô cớ làm hại mình, thì hãy nghĩ việc này cũng do duyên sinh, rồi vui vẻ mà chấp nhận.

34. Nếu khổ là do tự chọn (không phải duyên sinh), thì đáng lẽ không hữu tình nào đau khổ cả, vì không ai chọn lựa khổ đau.

35. Có kẻ không cẩn thận mà tự làm mình bị thương vì gai nhọn và các vật khác. Hoặc vì ham muốn nữ sắc v.v.. người ta có thể quá sầu khổ đến nỗi tuyệt thực.

36. Có người tự hại mình bằng những việc phi phước như treo cổ, nhảy xuống vực ăn độc dược và thực phẩm không lành.

37. Nếu vì phiền não người ta có thể tự đoạn dứt cái ngã mà họ rất yêu quý, thì làm sao họ có thể không tác hại đến thân người khác?

38. Dù ta không thể phát tâm thương xót những người do phiền não mà giết hại ta, ít nhất ta cũng không nên tức giận họ.

39. Với những kẻ bản chất ngu muội chuyên làm hại kẻ khác thì nổi giận với họ cũng phi lý như giận ngọn lửa vì nó đốt cháy.

40. Nếu lỗi lầm chỉ ngẫu sinh nơi người vốn hiền lành thì giận họ cũng vô lý như giận hư không đã để cho khói vươn lên mù trời.

41. Khi tự thân bị đánh bằng gậy, ta thường oán ghét người sai sử cây gậy. Nhưng chính người ấy cũng bị cơn giận sai sử, vậy đáng nên ghét cơn giận thay vì ghét người.
Chủ đề: ,

0 comments

Lên đầu trang