Bát Quan Trai: Khoá 102

Hôm qua Thọ Bát có chuyện này tức cười. Giờ ăn, DS ngồi đối diện với một Bác 79 tuổi, tóc trắng như sương rất đẹp, khuôn mặt có nét thật thanh mặc dù đã già, bác này hồi còn nhỏ chắc cũng thuộc loại nghiêng "thùng" đổ nước. Bác chỉ ăn xíu cơm rồi thôi, DS trong bụng thầm nghĩ chắc cơm chay bác ăn không được. Một lúc nghe người con gái từ cuối bàn hỏi: "Sao Má hỏng ăn mà cứ nhìn chị Sương hoài vậy?" Bác nhìn DS và nói: "Thấy cô ăn tui thèm." Ai nghe cũng cười. Hỏi ra, bác này ăn mỗi lần chỉ có nửa chén cơm, phải chi DS ăn ít được như vậy chắc mau thành chánh quả!
Bánh bột lọc nhân đậu xanh
Tàu hũ kho
Tàu hũ xốt cà
Tàu hũ um với cà rốt, khoai tây, mướp Mỹ.
Chè bột bán với đậu đỏ, đậu ván.
Bánh phu thê
Xôi vò
Canh chua chay

Buổi sáng 9 giờ truyền giới, xong tụng kinh Pháp Hoa, tới cúng ngọ, rồi ăn cơm. Nghỉ trưa đến 2 giờ ngồi niệm Phật 30 phút, đi kinh hành 15 phút. Đến 3 giờ 30 Ni Sư thuyết Pháp, 5 giờ là xả giới.

Tiếp theo phần Bát Nhã:
Không có mắt tai mũi lưỡi thân ý: 6 căn
Không có sắc thọ tưởng hành thức: ngũ uẩn
Không có sắc thanh hương vị xúc pháp: 6 trần
Không có nhãn nhỉ tỷ thiệt thân ý: 6 thức
Đều là duyên hợp giả có, nếu có thật thì không có hoại.
Quán các pháp bằng mắt trí tuệ: thấu suốt do duyên hợp hư giả, không thật có chứ không phải là không có.
Tánh không thấy bằng trí tuệ: Hình thức vật chất toàn là đối đãi: Có mà không, do duyên hợp hư giả.
6 căn (trong) tiếp xúc 6 trần (ngoài) sanh ra 6 thức (phân biệt).
Gồm cả thân (sắc chất), tâm (thọ, tưởng, hành, thức) và thế giới bên ngoài (trần).
Con người và thế gian đều không phải là tánh không vì là do duyên hợp.
Không phải 12 nhân duyên: luân chuyển trầm luân.
Không phải 12 nhân duyên theo kiểu hoàn diệt: giải thoát sanh tử.
Không sanh làm gì có diệt.
Có bệnh mới cần thuốc.
Hết bệnh phải bỏ thuốc.
Khi giải thoát rồi không còn cần Pháp (thuốc) nữa, Pháp chỉ là phương tiện.
Bệnh không thật vì dùng thuốc sẽ hết bệnh.
Thuốc không thật chỉ là phương tiện.
Do vô minh nên mới có 12 nhân duyên.
Vô minh diệt thời hành diệt: tất cả đều diệt thì chấm dứt dòng sanh tử
Tánh không: không có vô minh, không có cái hết vô minh.
Phật lập tất cả Pháp để trị tất cả tâm bệnh.
Nếu tâm không bệnh thì không cần tất cả Pháp.
Pháp nào trị bệnh tham? bố thí
Sân? nhẫn nhục, từ bi
Si? trí tuệ (thiền định)
Trí tuệ có 2 loại:
Hữu sư trí: học
Vô sư trí: thiền định, tâm lắng đọng mới sanh ra trí tuệ sáng suốt.
Bệnh do duyên hợp không thật.
Không có Tứ Đế (đế: chân lý bất sanh bất diệt)
Khổ đế:
Tập đế
Diệt đế
Đạo đế
Chân lý: 3 thời đều đúng
Tứ Đế: quả Thanh Văn
12 nhân duyên: quả duyên giác
Lúc đầu Phật rất phân vân có nên nói Pháp cho chúng sanh hay không. Vì:
Chúng sanh lấy ngũ dục làm vui.
Còn Đạo thì ngũ dục là nguyên nhân của khổ.
Thân bất tịnh mà cho là tịnh: nổi sân khi bị chê xấu, hôi, dơ.
Cho đến khi Trời Phạm Thiên thỉnh cầu Phật giáo hoá, dùng phương tiện hể người nào bệnh gì Phật chế ra phương tiện đó. (Tới đây có người phát biểu rằng mình phải biết ơn Trời, vì nhờ Trời thỉnh Phật nói Pháp nên mình mới biết được Pháp Phật.)
Phật cho thuốc mà mình có chịu uống không?
Mình là con hoang, can cường, cứng đầu, khó dạy.
Cái thấy của Phật rất siêu thường: khi Phật sắp thành Đạo, thiên ma hoá ra tiên nữ dụ dỗ, Ngài nói: "các ngươi là đãy da hư thối, ta không dùng đâu."
Mình thấy mình đẹp sạch thơm còn Phật thấy mình không đẹp không sạch nên lo tu.
Phật thấy đúng chân lý, còn chúng ta thấy qua tưởng tượng: đẹp, sạch, thơm sanh ra phiền não mê lầm.
Đem sự thật giáo hoá rất khó.
Thế gian cho Đạo Phật bi quan yễm thế. Nhưng vô thường, khổ là sự thật, biết vô thường, khổ phải lo tu.
Chúng sanh mãi theo ngũ dục nên nghe Pháp Phật rất chán, cứ lầm lẫn đi trong luân hồi sanh tử. Pháp Phật rất khó nghe vì nó ngược lại với thế gian.
Khi bệnh cố chấp, phiền não hết thì không còn dùng Pháp Tứ Đế nữa nên không có Tứ Đế.
Chỉ là phương tiện để trị tâm bệnh, hết bệnh phải bỏ.
Không có trí tuệ, không có chứng đắc: vô trí, vô đắc.
Bát Nhã có 3:
Văn Tự Bát Nhã: Nghe chữ nghĩa để phát sanh trí tuệ: ví như chiếc thuyền.
Chiếu kiến Bát Nhã: dùng trí quán chiếu: ví như cái chèo.
Thật tướng Bát Nhã: đến bờ kia, không cần chèo nữa: vô trí.
Đắc là được: hết vô minh thì giải thoát chứ đâu có cái gì đâu mà được.
Hết mê là giác, hết phiền não là Bồ Đề. Chỉ là chuyễn mà thôi.
Khi mê dùng trí tuệ để dẹp: quán chiếu (chèo bơi) lên bờ rồi thuyền bỏ lại, chèo cũng không dùng: vô trí.
Quán chiếu: tạm thời dùng trí, không phải thật.
Người từ bờ này qua bờ kia chỉ là một người không phải hai người khác nhau.
Lòng phàm lòng Thánh khác nhau nghìn trùng
Hôm qua mặt Dạ Xoa
Hôm nay mặt Bồ Tát
Mê: phàm phu
Giác: Thánh
Được (đắc) là từ bên ngoài đến; mê từ tâm, ngộ cũng từ tâm.
Khổ do cố chấp, hết khổ do tâm đã giác ngộ.
Muốn an lạc phải bỏ tâm cố chấp: chấp ngã, chấp nhân tướng...
Pháp do duyên hợp, mê tối là khổ đau, tĩnh giác là an lạc.
Hạnh Bồ Tát: vô trí vô đắc.
Kinh Bát Nhã thuộc Bồ Tát Thừa: dùng trí tuệ Bát Nhã để tu hành thành Phật.
Căn cứ vào trí tuệ Bát Nhã mà tu các Pháp nên trí tuệ Bát Nhã là Mẹ sanh ra chư Phật.
(Tới đây, mọi người đều bật ngữa, nào giờ cứ hiểu lầm trí tuệ Bát Nhã là Phật Thừa ai ngờ là Bồ Tát Thừa, vì nếu là Phật Thừa thì đâu cần quán chiếu nữa!)
Vô Sư Trí: Phật Tánh: không còn học hỏi quán chiếu nữa.
Dùng trí tuệ Bát Nhã để quán chiếu các Pháp, tất cả do duyên hợp hư giả.
Mình có 2 tâm:
Tâm vọng: do phân biệt mà có
Tâm chơn: thấy biết như thật, không phân biệt, tĩnh giác.
Thí dụ: tâm chơn thấy một người. Tâm vọng khởi ra người đó đẹp hay xấu rồi sanh ra thương hay ghét rồi sanh ra phiền não. Mình sống bằng tâm vọng nhiều.
Tướng không: là tướng thật không bao giờ hoại diệt. Khi chết nhập với hư không cộng với tâm chân thật là giải thoát.
Tứ đại hợp với tâm sinh diệt, khi tứ đại hư hoại sẽ tìm cái tứ đại khác là luân hồi.
Thân người khó được Phật Pháp khó nghe!
Mấu chốt của sự tu là tự mình, trợ niệm chỉ là phụ, nên phải tu cho chính chắn. Đừng hy vọng khi chết được trợ niệm vì ở xứ Mỹ rất khó, ai cũng bận đi làm...
(DS cũng phát biểu ý kiến: rất nhiều người tu Tịnh Độ bị mắc kẹt trong vấn đề này, cứ sợ khi chết không người hộ niệm, cứ muốn người này người nọ hứa hộ niệm cho khi lâm chung, mà không chịu lo niệm Phật cho chính mình khi còn khoẻ mạnh.)
Tới đây Ni Sư hỏi ai không sợ chết đưa tay lên, nhiều người đưa tay. Ni Sư nói bây giờ tỉnh táo nói không sợ nhưng thực sự tới đó, nếu không biết mình đi đâu thì rất là hoảng hốt. Trừ khi nào làm chủ được thân, sanh tử tự tại thì mới không sợ. Nên phải dốc tâm niệm Phật cho được nhất tâm khi còn tỉnh táo!



Chủ đề:

0 comments

Lên đầu trang