B. Con người tu phúc và tạo nghiệp, tóm tại chẳng qua ba nghiệp sáu căn: Sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Năm căn trước thuộc về thân nghiệp, một ý căn sau thuộc về tâm, tức là ý nghiệp. Ba nghiệp là nghiệp thân, khẩu và ý.
Thân nghiệp có ba: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Ba việc này tội rất nặng, người học Phật phải để tâm gìn giữ. Về phần sát sinh: phàm là động vật, tất đều biết tham sống sợ chết, ta không nên giết hại, nếu giết mà ăn thịt thì sẽ kết thành nghiệp sát, đời sau phải bị nó giết lại. Vậy người Phật tử nên ăn chay và yêu tiếc sinh mạng. Về phần trộm cắp: chẳng luận vật lớn nhỏ của người khác, ta không nên lấy khi người không cho. Trộm vật nhỏ thì mất nhân cách mình, trộm vật lớn thì hại thân người. Trộm đồ vật người xem dường như có lợi, nhưng thật ra chính mình bị giảm phúc thọ, có khi mất tính mạng, so với của trộm được, sự tổn thất là càng nhiều hơn bội phần. Nếu dùng mưu kế lấy, hoặc dùng thế lực ép bức lấy, hay thầm lén mà lấy, đều thuộc về trộm cắp. Người trộm cắp, tất sinh con lưu đãng, trái lại kẻ liêm khiết thì sinh con hiền lương, đây là nhân qủa nhất định theo lý thiên nhiên vậy.
Về phần tà dâm nếu chẳng phải thê thiếp của mình, thì không luận kẻ sang hèn, đều không được cùng nhau làm điều tà dâm. Tà dâm là việc trái ngược nhân luân, chính là đem thân người mà làm hạnh súc sanh, hiện đời đã như thế, kiếp sau khó có khỏi đọa vào súc loại. Người đời cho việc con gái lang chạ là điều sỉ hổ, nhưng đâu nghĩ rằng con trai tà dâm nào có khác chi? Kẻ tà dâm tất sinh con không trinh khiết, có ai lại muốn cho con cái mình không trinh khiết ư? „y cũng bởi chính mình trước đã làm việc đó, con cái thụ bẩm khí chất của mình, quyết khó được trinh chính. Lại nữa, chẳng những không được dâm theo ngoại sắc, mà vợ chồng chung chạ với nhau cũng phải có hạn chế; nếu chẳng hạn chế thì con người dễ bị suy tàn hoặc phải chết non. Kẻ tham việc phòng thất rất khó sinh con, dù sinh cũng khó nên người, và dù cho được nên người cũng là kẻ yếu đuối không thành tựu việc chi. Tình đời cho hành dâm là vui, đâu biết vui trong giây phút, khổ đến trọn đời, có khi còn di hại cho con cháu nữa! Ba điều trên đây không làm thì thân nghiệp lành, làm thì thân nghiệp ác.
Khẩu nghiệp có bốn: nói dối, nói trau truốt, nói đôi chiều, nói hung ác. Nói dối là nói lời không thành thật, lời đã không thành thật thì tâm cũng không thành thật, do đó nhân cách bị tổn thất rất nhiều. Nói trau chuốt là nói lời phù phiếm hoa tình, khiến cho người sinh ra tâm niệm dâm đãng. Những thanh thiếu niên còn non dại nghe lời ấy lâu, nếu không tà dâm cho mất nhân cách, thì cũng làm việc thủ dâm để hại sắc thân. Kẻ nói lời có hại cho người như thế, dù không tà dâm cũng bị đọa vào đại địa ngục, từ trong địa ngục ra, hoặc làm giống cái trong loài súc vật. Nếu sinh trong loài người, sẽ làm hạng người gái lầu xanh, ban sơ còn tuổi trẻ sắc đẹp cũng chưa mấy khổ, lần lần nọc độc phong tình phát ra, sự khổ sở sẽ không cùng. Đã có miệng khéo nói năng, sao chẳng vì người chỉ đường hạnh phúc, lại thốt chi những lời tà vậy trau chuốt để gây họa cho chính mình và kẻ khác ư? Nói đôi chiều là nói khiêu khích thọc mách sự phải quấy của đôi bên, nhỏ thì lầm lạc người, lớn thì như nhà hại nước. Nói hung ác, là nói lời ác độc như gươm đao, khiến cho người khó nhẫn chịu sinh ra buồn khổ. Bốn điều này không làm thì khẩu nghiệp lành, làm thì khẩu nghiệp ác.
Ý nghiệp có ba: tham dục, giận hờn và ngu si. Tham dục là đối với tiền tài, ruộng đất, đồ vật.v.v... đều muốn cho về nơi mình, dù được nhiều vẫn còn thấy ít. Giận hờn là: không luận mình phải hay quấy, nếu có ai không thuận theo bổn ý, liền phát sinh giận giữ, dù kẻ khác dùng lẽ phải khuyên bảo cũng chẳng nghe theo. Ngu si là chẳng phải tuyệt nhiên không biết việc chi. Chính như kẻ đọc hết sách thế gian, văn từ qua mắt liền thông thuộc, miệng mở thành thi bài, mà không tin lý nhân qủa ba đời cùng sự luân hồi sáu nẻo, cho rằng người chết thì mất, không có đời sau v.v... đều gọi là ngu si. Những sự hiểu biết như thế làm cho hư nước hại dân còn qúa hơn nạn nược lụt, thú dữ. Ba điều này không làm thì ý nghiệp lành, làm thì ý nghiệp ác. Người ba nghiệp thân khẩu ý đều lành, khi tụng kinh niệm Phật, công đức lớn hơn kẻ ba nghiệp ác gấp trăm ngàn lần.
Ấn Quang Đại Sư khai thị
LỊCH ÂM DƯƠNG
*Ngày chay: mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29)
*Tháng chay: Tháng Giêng, Bảy, Mười
- Được quan tâm
- Bình luận mới
- Chủ đề
Ajahn Chah
Ẩm Thực Chay
Andrew
Ayya Khema
Bài Mới
Berzin
Chia Sẻ
Chia Sẻ Kinh Nghiệm
Chùa Ngưỡng Quan
Dalai Lama
Diệu Sương
Gia Phượng
Hữu Minh
Kenny
Kids
Kim
Long
Lục Bình
Mẹ
mẹo vặt
món chay
món chay theo vần
My Lan
Mỹ Phong
nấu chay
nghệ thuật sống
Ngọc Nhi
nguyên liệu
Nhã Phương
Nhạc
Pháp Âm
Phật Pháp
Sưu tầm
Thích Minh Thành
Thích Pháp Hòa
Thích Tánh Tuệ
Thích Thiền Tâm
Thích Trí Tịnh
Thiên Ân
Thiện Thông
Thơ Văn
thực dưỡng
thức uống
Tiêu Điểm
Tu học
Tu Tập
từ thiện
Tuệ Lan
Vân Anh
xuân
y học
0 comments